TÁC PHẨM
1.2.1.3.Những điểm khác nhau ( Phần sáng tạo của Nguyễn Du)
dừng lại ở đây thì chưa thấy sự sáng tạo của đại thi hào, chưa thấy đâu là TK của Việt Nam. Thực tình thì trên cơ sở cốt truyện ấy Nguyễn Du đã tiếp biến một cách sáng tạo để vừa phù hợp với không gian, dung lượng của truyện thơ, vừa phù hợp với tầm đón của công chúng Việt Nam. Và dĩ nhiên là phù hợp với quan niệm của tác giả.
TTTN do đặc trứng của tiểu thuyết chương hồi thường trần thuật một cách liên tục, hết một hồi là hết một truyện nhỏ, một hồi kết thúc ở chỗ hay, chỗ cao trào hay một "nút thắt". Hồi này móc vào hối kia tạo ra một thể liên hoàn, để tăng thêm phần hấp dẫn, hồi thường kết thúc bằng câu: "Muốn biết thế nào xem hồi sau sẽ rõ".
Dù vậy cách kể của KVKT cũng không trách khỏi ấn tượng đều đều, nhiều chỗ lặp lại không cần thiết. Sự lặp lại các chi tiết cho thấy TTTN vẫn còn lúng túng trong khi bố trí chi tiết, kết cấu tình tiết và có thể đã thiếu một điểm nhìn nhất quán vững chắc khi trần thuật. Chẳng hạn TTTN thường để Vương Thúy Kiều làm thơ (Có khi làm hàng chục bài thơ một lúc), trong những hoàn cảnh chẳng nên thơ chút nào!.
Những chỗ TTTN chỉ đơn giản kể việc ,thậm chí chỉ thông báo hành động của nhân vật, thì Nguyễn Du bố trí thêm các tình tiết tâm lý tình cảm. Cách làm của Nguyễn Du vừa khắc phục được tình trạng một chiều " Việc xảy ra trước kể trước, xảy ra sau kể sau" của cách kể TTTN, tạo ra nét đặc sắc cho "cốt" TK. Mỗi khi cần mở rộng tình tiết, chi tiết thì Ông bổ sung nội dung tâm trạng, nếu thấy những chỗ lặp lại không cần thiết hay dài dòng không ích gì cho việc bộc lộ tính cách nhân vật, Ông cắt bỏ không thương tiếc. Nói như giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Du đã "Viết nội dung" chứ không "kể lại nội dung".
27
Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi thì so với KVKT, TK của Nguyễn Du có ít nhất 20 chi tiết hoàn toàn do Nguyễn Du sáng tạo - lược bỏ -thêm vào. Đó là những chi tiết:
1.Ngay từ đầu TK chỉ thông báo "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau", "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen"; KVKT bàn rất dài về chữ tình, chữ khổ, hồng nhan bạc mệnh (hết cả chương sách).
2.TK để Thúy Vân nói "... Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa"; KVKT là lời của Vương Quan.
3.Cuộc gặp gỡ Kim - Kiều trong tiết thanh minh, Nguyễn Du tạo cảnh nên thơ, mô tả tình quyến luyến; TTTN chỉ thông báo sự việc.
4.Nguyễn Du thay cảnh hai chị em gán ghép nhau với Kim Trọng bằng cảnh Thúy Kiều ngắm trăng "... Rộn đường gần với nỗi xa bời bời".
5.Nhớ Kiều, Kim Trọng quay lại nơi kỳ ngộ (KVKT không có chi tiết này) và chủ động tìm nhà Kiều (trong KVKT, Kim Trọng sai người ở đi tìm).
6.Chia tay về hộ tang, ở KVKT chỉ thông báo chứ không có một cuộc chia tay muôn thủa của tình yêu như trong TK.
7.Những lần gặp gỡ Thúy Kiều - Kim Trọng trong TK hoàn toàn khác với những lần họ gặp nhau trong KVKT.
8.Nguyễn Du không có những chi tiết trùng lặp như ở TTTN (những lời đối đáp rườm rà, những lần gặp gỡ giữa các nhân vật).
9.Nguyễn Du lược bớt những chi tiết không cần thiết: - Thằng bán tơ
- Cảnh tra tấn hai cha con Vương viên ngoại - Cảnh báo ân báo oán
- Cảnh bày mưu để chuộc Kiều - Cảnh Tú Bà dạy nghề
28
10.TK không có chi tiết Thúy Kiều "ngủ " với sở Khanh.
11.Thêm chi tiết Thúy Kiều chờ Từ Hải như một nàng Vọng Phu.
12.Bỏ chi tiết Từ Hải câu kết với bọn cướp biển nước ngoài làm tổn hại đến sinh mệnh tài sản nhân dân.
13.Bỏ các nhân vật không cần thiết:
- Bộ Tân, Vệ Hoa Dương, những tên thầy kiện quân sư cho Thúc Sinh đối phó với Tú Bà. - Lôi Phong, Sử Chiêu thuộc tướng của Từ Hải.
- Các tướng tá và thuyết khách của Đốc phủ cùng hành động, sự trạng của họ.
14.Những lần Kiều nhớ nhà (8 lần, cả khi ở am của Giác Duyên), KVKT khoảng 5 lần (những lần ở Thanh lâu của Tú Bà sau khi đã nhận tiếp khách, lần ở nhà mẹ Hoạn Thư, lần Từ Hải ra đi là không có trong KVKT).
15.Nguyễn Du chú ý tả cảnh, chú ý mô tả tâm lý, dùng độc thoại nội tâm (tâm sự của Thúy Kiều 21 lần, các nhân vật khác 14 lần; 15 lần nhắc đến mùa thu, 5 cảnh xuân, 5 cảnh hè). Còn TTTN chưa chú trọng.
16.Sắp xếp chuyển ý tự nhiên, khéo léo làm cho cốt truyện vừa nhẹ nhàng vừa chặt chẽ. 17.Bỏ các bài thơ và lời thề thốt của nhân vật, cho nhân vật nói rất ít (TK Ì lần, KVKT 6 lần).
18.Nguyễn Du thêm chi tiết Kim Trọng nhớ Thúy Kiều sau khi đã cưới Thúy Vân và đỗ đạt làm quan bằng một đoạn thơ "Đặc kín những tiếng nói ngầm khiến chất cảm xúc tăng lên vô biên vô tận" [22,269]; trong KVKT chàng Kim giở kỷ vật cùng với nàng Vân.
19.Màn đoàn viên của TK làm người đọc day dứt hơn ở KVKT.
20.Những lời đối đáp của các nhân vật trong KVKT thiên về lý lẽ và rất tỉnh táo thì nhân vật trong TK thiên về tình nghĩa, tình cảm nhất là Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải.
29
Ở hồi I, sau khi chào hỏi Kim Trọng không biết nói gì đành từ biệt ra về, TTTN chuyển qua kể chuyện tối hôm ấy ở nhà Vương Ông: Hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân gán ghép nhau với Kim Trọng rồi Thúy Vân đi ngủ, Thúy Kiều làm thơ.
Cũng trong buổi du xuân hôm ấy, chàng Kim tranh thủ liếc hai nàng, rồi TTTN cũng để cho hai Kiều lên kiệu về trước, chàng cũng rẽ lối khác chẳng có chút tình cảm quyến luyến nào. Trong khi đó, Nguyễn Du tập trung tả cảnh gặp mặt và cảnh chia tay còn thì lược bỏ tất cả. Ông thay đổi tình tiết cho phù hợp với ý đồ của mình. Khi đứng trước mộ Đạm Tiên chính Vương Quan bảo chị: "Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa", Nguyễn Du chuyển chi tiết đó cho Thúy Vân vừa để tô đậm tấm lòng Kiều vừa tạo sự tương phản về tính cách của hai chị em.
Muốn xây dựng mối tình thật đẹp, ngay từ đầu Nguyễn Du đã tạo ra một không khí bâng khuâng, vương vấn, nên thơ như muốn kéo dài mãi ra:
"Khách đà lên ngựa người còn ghé theo. Dưới dòng nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha."
Cũng vậy, Nguyễn Du bỏ chuyện chị em Kiều gán ghép có tính thông tục đời thường, thay bằng cảnh Thúy Kiều một mình ngắm trăng trong vườn mà tâm hồn rạo rực, sôi nổi trong yên lặng như cảnh vườn xuân, ánh trăng, ngấn nước, cây cối cũng ướt át, trĩu nặng tình xuân.
"Gương nga vằng vặc đầy song,
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.
Hải đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.
Một mình lặng ngắm bóng nga,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời."
Trường hợp tiếp xúc đầu tiên Kim - Kiều nhân chiếc thoa bị đánh rơi (ở hồi 2), KVKT viết đến hơn 660 chữ (tiếng), từ: " Hôm sau, chợt thấy dưới bóng cây phía bên kia vườn thấp thoáng hình như có bóng người con gái đẹp tìm kiếm, chàng Kim đã biết ngay là Thúy Kiều,
30
bèn cầm chiếc thoa, đứng trước giả sơn, nói lớn ..." đến "... mong tiểu thư rủ lòng thương đến dạy bảo cho thế nào? [85].
Trong TK, Nguyễn Du chuyển thành 16 câu thơ lục bát chỉ 112 tiếng vừa gọn, mà đủ, mà có ý, có tình, mà nói được cả, mà rất nên thơ:
"Tan sương đã thấy bóng người,
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ. Sinh đà có ý đợi chờ
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng.
"Thoa này bắt được hư không,
Biết đâu Hợp phố mà mong châu về?"
Tiếng Kiều nghe lọt bên kia:
"Ơn lòng quân tử sá gì cửa rơi,
Chiếc thoa là cửa mấy mươi,
"Mà lòng trọng nghĩa kinh tài xiết bao!"
Sinh rằng: "Lân lý ra vào
Gần đây nào phải người nào xa xôi.
Được rày nhờ chút thơm rơi
Kể đà thiểu não lòng người bấy nay!
Bấy lâu mới được một ngày,
Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là".
Đoạn Kim Trọng chia tay Thúy Kiều về Liêu Dương hộ tang chú, KVKT chỉ nói mấy chữ: "Kim Trọng than thở, Kiều an ủi, Kim Trọng gạt lệ ra đi, Kiều lấp lại lỗ hổng nơi bức tường". Đoạn này Nguyễn Du "phải" dùng tới 38 dòng thơ:
31
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình. (...)
Trông chừng khói ngất song thưa,
Hoa trôi dạt thắm liễu xơ xác vàng."
Rõ ràng TTTN chỉ "ghi thông báo", kể việc như thế, như thế, chứ không hề lột tả được chút gì tình cảm thực của hai người yêu nhau, khi tình yêu vừa bén. Còn Nguyễn Du, với từng ấy câu thơ, nghệ sỹ đã lột tả được cảnh chia tay của những cặp tình nhân muôn thủa "khó gặp nhau mà cũng khó xa", với tất cả những đau đớn rụng rời, trống trải, lo âu, cả những dự cảm về tương lai không mấy sáng sủa.
Tình cảm của đôi bên là tình cảm trung thực của những cặp tình nhân trong đời, giữa cuộc đời.
Cách "nói" của Nguyễn Du là cách nói của kinh nghiệm dân gian. Ca dao người Việt rất giàu có về lĩnh vực biểu hiện tâm trạng, tâm lý này .
-"Người về em những khóc thầm.
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa "
"Ra về lụy ứa thấm bâu
Nỗi thương chưa dứt, nỗi sầu lại vương"
-"Ra về em một ngó theo
Ruột đứt đi từng đoạn, gan em teo nửa chừng",
-"Ra về đường rẽ chia tư
Ai trao vàng đừng lấy, ai trao thư đừng cầm",
-"Ra về gửi bốn câu thơ,
Câu thương, câu nhớ, câu chở, câu mong."
Đúng là:
32
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng như Bá Nha xa đàn"
Rồi thái độ của Thúy Kiều mấy lần gặp gỡ Kim Trọng, tâm tư của nàng khi bước chân theo họ Mã, nỗi niềm khi ở lầu Ngưng Bích...
Những chỗ KVKT lướt qua thì Nguyễn Du dừng lại đem cho những tình cảnh ấy chất sống sinh động, thổi vào đó tâm hồn con người, cái rạo rực, bồi hồi, đắm say, lo lắng ...
Tiếp nhận cốt truyện của TTTN, Nguyễn Du mạnh tay cắt bỏ những phần đậm chất Trung Hoa, những chỗ kể dài dòng chi tiết cụ thể tỉ mỉ như "khắc một bài phú trên hạt ngọc bằng hạt đỗ, đi chi tiết vào từng sợi tóc từng lông mi..." [57,125], thực ra những chỗ cắt bỏ lại làm cho những gì được giữ lại thêm phần ý nghĩa, số câu chữ mà Nguyễn Du cắt bỏ khá cao, có khi hàng chục, hàng trăm lẫn so với số câu chữ được giữ lại. Có khi KVKT nói hàng chục trang thì TK chỉ nói vài chục dòng, thậm chí chỉ vài dòng.
Chẳng hạn vụ thằng bán tơ, việc Kiều bán mình, chuộc Kiều ra khỏi nhà chứa Tú Bà, quá trình dụ hàng ...
Vụ án oan của Vương viên ngoại chỉ vài câu:
"Hỏi ra sau mới biết rằng
Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ"
Nguyễn Du để chi tiết này sau khi "đâu đã vào đấy".
Những tính toán để lo cho Vương Ông, vương Quan khỏi bị giam giữ cùm kẹp, KVKT nói rất chi tiết, TK chỉ có hai câu:
“Tính bài lót đó luồn đây
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi"
Cách lược thuật của Nguyễn Du như thế là để câu chuyện không còn tính cụ thể của xã hội, để cho nó trở thành trừu tượng hơn, sức khái quát nghệ thuật lớn hơn.
Mặt khác, thuật lại theo cốt truyện của TTTN, nhưng Nguyễn Du chú trọng thêm bớt sắp xếp lại theo nguyên tắc không phương hại đến tư cách của nhân vật. Trong KVKT, nàng Kiều làm cả thảy 104 bài thơ (tất nhiên là thơ của TTTN, mà như Lỗ Tấn nói "thường là rất dở, như
33
thơ của các ông đồ nhà quê "! [30,192]). Số lượng "trước tác" ấy ngang tầm với một tác gia - thi sĩ chuyên nghiệp, nhưng chất lượng của nó có thể làm giảm uy tín của Kiều khi đi vào "Đoạn Trường Tân Thanh" nên Nguyễn Du đã "quên" không trích vào dù chỉ một vài câu, mà ông chỉ tả tài thơ để thông báo và gợi mà thôi.
Công chúng Việt Nam chuộng thơ, mê thơ là thế, nhưng cũng rất khó tính với nàng thơ. Tâm hồn Việt Nam bay bổng nhưng không ảo tưởng viển vông. Đối với họ, thơ có ở mọi nơi, có thể tìm thấy thơ ở mọi lúc, khi chân lấm tay bùn với đồng áng cấy cày, khi trà dư tửu hậu. Thậm chí vừa nói đùa vừa nói thật như thi sĩ Hồ Chí Minh, ngay trong công văn giấy tờ cũng có thể có thơ: "Lục khắp giấy tờ vẫn chửa thấy, Bỗng nghe vần thắng vút lên cao". Không vì thế mà họ dễ dãi với thơ!
Còn nữa, có những chi tiết trùng lặp trong KVKT mà TTTN dường như rất dụng công thì Nguyễn Du thấy không cần thiết, đã bỏ đi hết. Chẳng hạn, đoạn kể Kiều sang nhà Kim Trọng, TTTN viết: nàng làm sẩn thơ đem tặng chàng để tỏ lòng, tỏ tình, để chàng có dịp khen tài thơ, khi Kiều sang, Kim liền ôm chầm lấy. Sang lần thứ hai, Kiều lại đề thơ lên bức tranh tùng, Kim lại khen, Kiều đánh đàn để chàng mê đắm (quyến rũ chàng?), khiến Kim Trọng lửa dục khôn cầm, đã toan suồng sã. Nguyễn Du lược bỏ, chỉ tập trung miêu tả niềm vui, khao khát tình yêu của đôi trẻ khi tình vừa bén được đến với nhau. Ông tả tài đàn, tài thơ, giấc mộng ngây ngất, sự đồng cảm của chàng với tiếng đàn là để nói chuyện muôn thủa của tình yêu.
Như vậy, Nguyễn Du tiếp nhận và biến đổi cốt truyện của KVKT theo "quy luật của cái đẹp", quy luật của sáng tạo, đồng thời dựa vào truyền thống văn hóa của dân tộc. Cho nên, không cứ là vay mượn cốt truyện thì tác phẩm sẽ là "phiên bản" của tác phẩm gốc, là dịch, là mô phỏng. Hơn nữa để cho nó "đứng được", tác phẩm phải có hồn cốt của riêng nó, sức sống của riêng nó. Nói như Nguyễn Tuân phải "Trước bạ vào nó cả một kiếp người".
1.2.2.Về hệ thống nhân vật: