Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (1975 - 1983) huyện Cao Lãnh được thành lập lại trên cơ sở ghép 4 quận, thị trước đó là: Quận Cao Lãnh, Kiến Văn, Mỹ An và Thị xã Cao Lãnh. Đến 1982, huyện Cao Lãnh tách làm hai là Cao Lãnh và Tháp Mười. Tháng 3/1983, huyện Cao Lãnh tiếp tục tách thêm Thị xã Cao lãnh (nay là thành phố Cao Lãnh).
Huyện Cao Lãnh là một huyện phía bắc Sông Tiền thuộc vùng Đồng Tháp Mười, cách trung tâm tỉnh Đồng Tháp khoảng 8 km về hướng Đông Nam; phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình; phía Nam giáp huyện Châu Thành; phía Đông giáp huyện Tháp Mười và tỉnh Tiền Giang; phía Tây và Tây Nam giáp Thành Phố Cao Lãnh và Thành Phố Sa Đéc. Cao Lãnh có diện tích tự nhiên 491,1 km2, chiếm 14,52% diện tích tự nhiên của tỉnh; mật độ dân số 424 người/km2, dân số 203.436 người, đơn vị hành chính có 17 xã và 01 thị trấn.
Nằm trong vùng kinh tế phía Bắc của Tỉnh, huyện Cao Lãnh có hệ thống đường thủy dài 170 km gồm sông Tiền, sông Cần Lố, các kênh đào Nguyễn Văn Tiếp, An Phong - Mỹ Hòa, An Long và nhiều sông rạch nhỏ; đường bộ dài 464 km, trong đó có 70 km tuyến đường chính, gồm 3 tuyến Tỉnh lộ ĐT 844, ĐT 846, ĐT 847, đặc biệt có 36 km đường Quốc lộ 30 - là cửa ngõ quan trọng của tỉnh đi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực.
Huyện Cao Lãnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với những đặc trưng cơ bản là nắng nhiều, lượng mưa bình quân hàng năm thấp (1.332 mm chỉ
bằng 70% lượng mưa năm của Thành Phố Hồ Chí Minh). Có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp toàn diện. Ngoài cây lúa còn có vườn cây ăn trái, chủ yếu là xoài, nhãn, cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi thuỷ sản (cá tra, điêu hồng, cá lóc, tôm càng xanh…).
Hình 2.1. Bản đồ hành chính huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp 2.1.2. Đặc điểm về kinh tế - xã hội
Với NNL dồi dào, hàng năm dân số toàn huyện có sự thay đổi theo chiều hướng tăng lên, năm 2010 dân số trung bình 201.162 người; năm 2011 dân số 201.416 người; năm 2012 dân số 201.793 người đến năm 2013 dân số toàn huyện là 202.216 người; theo cục thống kê của huyện Cao Lãnh, dân số phân bố không đều ở các xã, thị trấn qua các năm. Năm 2013 dân số tập trung đông nhất ở thị trấn Mỹ Thọ là 13.917 người, mật độ dân số 1.596 người/km2; thấp nhất ở xã Mỹ Xương 7.642 người, mật độ dân số 672 người/km2 sự phân bố dân số không đều ở cả thành thị và nông thôn, thành thị 13.917 người, chiếm 6,9% .
Về tăng trưởng kinh tế, năm 2013, giá trị tăng thêm (GDP) là 2.103 tỷ đồng (theo giá cố định), trong đó khu vực I (nông - lâm - thủy sản) là 1.014 tỷ
đồng, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) là 427 tỷ đồng và khu vực III (thương mại - dịch vụ) là 662 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,12%, trong đó khu vực I tăng 5,53%, khu vực II tăng 10,96% và khu vực III tăng 13,85%. Cơ cấu kinh tế theo giá cố định khu vực I chiếm 48,23%, khu vực II chiếm 20,32% và khu vực III chiếm 31,45%; theo giá thực tế, khu vực I chiếm 63,12%, khu vực II chiếm 13,6% và khu vực III chiếm 23,28%. GDP bình quân đầu người theo giá cố định đạt 10,38 triệu đồng, tương đương 940 USD và theo giá thực tế đạt 24,84 triệu đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2014 đạt 13.424 tỷ đồng (năm 2011 đạt 3.092 tỷ đồng, năm 2012 đạt 3.966 tỷ đồng, năm 2013 đạt 3.985 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2014 đạt 2.381 tỷ đồng), tăng bình quân 19% mỗi năm.
Huyện Cao Lãnh có nền nông nghiệp rất phát triển, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo mô hình liên kết; hàng năm sản xuất lúa giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích lúa cả năm phân theo đơn vị hành chính đạt 91.700 ha; gieo trồng ước đạt 80.033 ha; năng suất bình quân ước đạt 66 tạ/ha, tăng 7,34 tạ/ha so với năm 2010; sản lượng đạt 528.217,8 tấn, đạt 106,65% kế hoạch tăng 32.917,8 tấn so với năm 2010 tăng 20.863 ha
Nuôi thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển và có nhiều khởi sắc; đẩy nhanh ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản được nâng lên, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp và cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch đúng hướng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm thực hiện; huyện chủ động phối hợp với các Viện nghiên cứu và các Trường Đại học tổ chức khảo nghiệm, chuyển giao sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, phẩm chất tốt.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tiếp tục đạt nhịp độ tăng trưởng khá, hiện có 1.759 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn phân theo loại hình kinh tế và ngành công nghiệp, trong đó có một cơ sở sản xuất với
nguồn vốn đầu tư của ngước ngoài; huyện đã đầu tư xây dựng 4 cụm công nghiệp: Phong Mỹ, Cần Lố, An Bình, Mỹ Hiệp tổng diện tích 114 ha, các ngành hàng công nghiệp chủ yếu là xay xát, chế biến, cơ khí, vật liệu xây dựng, sản xuất thuốc tân dược, trái cây, đồ uống và hàng thủ công mỹ nghệ.
Huyện xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các tiêu chí cho từng địa phương và báo cáo đánh giá mức độ đạt tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm. Các công trình giao thông nông thôn từng bước được đầu tư hoàn chỉnh với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội, đến năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 8,01%, bình quân giảm trên 2%/năm; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường thực hiện, cùng với hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất được quan tâm, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghệ thông tin, y tế,... huyện đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ xoài Cao Lãnh cho nhãn hiệu “Xoài Cao Lãnh’’, nhãn hiệu “Xoài cát chu Cao Lãnh’’ và nhãn hiệu “Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ xoài Cao Lãnh’’.