Theo giáo trình kinh tế nguồn nhân lực Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội[18]. Nhân lực: Là sức lực con người, nằm trong mỗi con người và làm cho con người hoạt động. Sức lực đó ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của cơ thể con người và đến một mức độ nào đó, con người đủ điều kiện tham gia vào quá trình lao động - con người có sức lao động. Nhân lực được hiểu là nguồn lực của mỗi con người mà nguồn lực này bao gồm thể lực, trí lực và nhân cách.
Khái niệm NNL được sử dụng rộng rãi ở các nước có nguồn kinh tế phát triển từ những năm giữa thế kỷ thứ XX, với ý nghĩa là nhân lực con người, thể hiện một sự nhìn nhận lại vai trò yếu tố con người trong quá trình phát triển. Nội hàm NNL không chỉ bao hàm những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, cũng không chỉ bao hàm về mặt chất lượng mà còn chứa đựng hàm ý rộng hơn.
Trước đây, nghiên cứu về NNL con người thường nhấn mạnh đến chất lượng và vai trò của nó trong phát triển KT - XH, ở nước ta khái niệm NNL được sử dụng rộng rãi từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới. Điều này được thể hiện rõ trong các công trình nghiên cứu về NNL. Theo giáo sư viện sỹ Phạm Minh Hạc[40], nhân lực con người được thể hiện thông qua số lượng dân cư, chất lượng con người (bao gồm thể lực, trí lực và năng lực phẩm chất). Như vậy NNL không chỉ bao hàm chất lượng NNL hiện tại mà còn bao hàm cả nguồn cung cấp nhân lực trong tương lai.
Có khá nhiều những định nghĩa khác nhau về NNL, chẳng hạn như:
Nguồn nhân lực là nhân lực con người, của những tổ chức (với quy mô, loại hình, chức năng khác nhau), có khả năng và tiềm năng tham gia vào quá trình phát triển của tổ chức cùng với sự phát triển KT - XH của quốc gia, khu vực, thế giới. Cách hiểu này về NNL xuất phát từ quan niệm coi NNL là nguồn lực với các yếu tố vật chất, tinh thần tạo nên năng lực, sức mạnh phục vụ cho sự phát triển nói chung của các tổ chức.
Trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc, đánh giá về những tác động của toàn cầu hoá đối với NNL đã đưa ra định nghĩa NNL là trình độ lành nghề, kiến thức và năng lực thực tế cùng với những năng lực tồn tại dưới dạng tiềm năng của con người. Quan niệm về NNL theo hướng tiếp cận này có phần thiên về chất lượng của NNL. Trong quan niệm này, điểm được đánh giá cao là coi các tiềm năng của con người cũng là năng lực, khả năng, để từ đó có những cơ chế thích hợp trong quản lý, sử dụng. Nguồn nhân lực là tổng thể sức dự trữ, những tiềm năng, những lực lượng thể hiện sức mạnh và tác động của con người trong việc cải tạo tự nhiên và cải tạo xã hội.
Theo Tổ chức lao động Quốc tế: Nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động. Đó là khả năng lao động của xã hội, là nhân lực cho sự phát triển KT - XH, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia vào lao động sản xuất xã hội,
tức là toàn bộ các cá nhân cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là tổng thể các yếu tố về thể lực, trí lực của họ được huy động vào quá trình lao động.
Tuy có những định nghĩa khác nhau tùy theo góc độ tiếp cận của người nghiên cứu nhưng có những điểm chung mà ta dễ nhận thấy qua những định nghĩa trên về NNL là:
Số lượng nhân lực: Sự phát triển số lượng NNL dựa trên hai nhóm yếu tố bên trong. Ví dụ: Nhu cầu thực tế công việc đòi hỏi phải tăng số lượng lao động và những yếu tố bên ngoài của tổ chức như sự gia tăng về dân số hay lực lượng lao động do di dân.
Cơ cấu nhân lực: Thể hiện trên các phương diện khác nhau như cơ cấu trình độ đào tạo, giới tính, độ tuổi,…cơ cấu NNL của một quốc gia được quyết định bởi cơ cấu đào tạo và cơ cấu kinh tế. Theo đó sẽ có một tỷ lệ nhất định nhân lực chẳng hạn như: Cơ cấu nhân lực lao động trong khu vực kinh tế tư nhân của các nước trên thế giới phổ biến là 5-3-1 cụ thể là 5 công nhân kỹ thuật, 3 trung cấp nghề và 1 kỹ sư, đối với nước ta cơ cấu này có phần ngược, tức là số người có trình độ học đại học, trên đại học nhiều hơn số công nhân kỹ thuật.
Tóm lại, Nguồn nhân lực là khái niệm tổng hợp bao gồm các yếu tố số lượng, chất lượng và cơ cấu phát triển người lao động nói chung cả ở hiện tại cũng như trong tương lai, tiềm năng của mỗi tổ chức, mỗi địa phương, mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.
Tạo NNL là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các hình thức, phương pháp, chính sách và biện pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng sức lao động xã hội nhằm đáp ứng đòi hỏi về NNL cho sự phát triển KT - XH trong từng giai đoạn phát triển. Tạo NNL bao hàm việc tạo ra những thay đổi cả về số lượng và chất lượng NNL, trong đó vấn đề chất lượng NNL có ý nghĩa quan trọng.
Tạo NNL là quá trình nâng cao năng lực của con người về mọi mặt để tham gia một cách hiệu quả vào quá trình phát triển quốc gia. Phát triển NNL
chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực của con người vì sự tiến bộ KT - XH. Tạo NNL là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng trong thế giới kĩ thuật cao ngày nay.