Thuật ngữ giáo dục theo nghĩa triết học là sự hoàn thiện của mỗi cá nhân, đây cũng là mục tiêu sâu xa của giáo dục; người giáo dục, hay có thể gọi là thế hệ trước, có nghĩa vụ phải dẫn dắt, chỉ hướng, phải truyền tải lại cho thế hệ sau tất cả những gì có thể để làm cho thế hệ sau trở nên phát triển hơn, hoàn thiện hơn.Với ý nghĩa đó, giáo dục đã ra đời từ khi xã hội loài người mới hình thành, do nhu cầu của xã hội và trở thành một yếu tố cơ bản để làm phát triển loài người, phát triển xã hội. Giáo dục là một hoạt động có ý thức của con người nhằm vào mục đích phát triển con người và phát triển xã hội.
Hiểu theo nghĩa rộng thì quản lý giáo dục là quản lý mọi hoạt động giáo dục trong một xã hội. Các nhà nghiên cứu về giáo dục đã đưa ra nhiều định nghĩa về quản lý giáo dục. Một số định nghĩa điển hình về quản lý giáo dục. Theo các tác giả Nguyễn Kỳ - Bùi Trọng Tuân:
“Quản lý hệ thống giáo dục có thể xác định như là tác động có hệ thống, có kế hoạch và định hướng của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ Bộ đến trường và các cơ sở giáo dục...) nhằm mục đích bảo đảm việc giáo dục xã hội chủ nghĩa cho thế hệ trẻ trên cơ sở nhận thức và vận dụng những quy luật chung của chủ nghĩa xã hội, cũng như các quy luật của quá trình giáo dục, của sự phát triển thế lực, tâm lý trẻ em, thiếu niên và thanh niên”[17].
Theo tác giả Nguyễn Minh Đường: “Quản lý giáo dục theo nghĩa tổng quan là hoạt động điều hành, phối hợp các lực lượng xã hội nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu xã hội hiện nay” [14].
“Quản lý giáo dục, quản lý trường học có thể là một chuỗi tác động hợp lý (có mục đích, tự giác, có kế hoạch, có hệ thống) mang tính tổ chức sư phạm của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên và học sinh, đến những lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm huy động họ cùng cộng tác, phối hợp tham
gia vào mọi hoạt động của nhà trường nhằm làm cho quy trình này vận hành tới việc hoàn thành những mục đích dự kiến”[14].
Từ những định nghĩa trên cho ta thấy: Bản chất của quản lý giáo dục là quá trình tác động có tính định hướng của chủ thể quản lý lên các thành tố tham gia vào quá trình hoạt động giáo dục, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục. Các thành tố là: Mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, lực lượng giáo dục (giáo viên), đối tượng giáo dục (học sinh, học viên), phương tiện giáo dục (cơ sở vật chất ).
Đối với ngành giáo dục đào tạo nói chung và đối với nhà trường nói riêng, quản lý đội ngũ giáo viên là một trong những nội dung chủ yếu nhất trong quá trình quản lý nguồn nhân lực. Quá trình quản lý đội ngũ giáo viên cũng phải thực hiện đầy đủ những nội dung chủ yếu của quá trình quản lý nguồn nhân lực như: quy hoạch đội ngũ, tuyển chọn, bố trí sử dụng, huấn luyện phát triển, bồi dưỡng, thẩm định kết quả hoạt động, đề bạt, chuyển đổi.
Điểm đặc biệt trong quản lý đội ngũ giáo viên là quản lý một tập thể những cán bộ tri thức, có trình độ học vấn và nhân cách phát triển ở mức độ cao, khả năng nhận thức vấn đề nhanh, có đầy đủ khả năng phân tích và tổng hợp. Chính từ đặc điểm này mà việc quản lý đội ngũ giáo viên của người quản lý cần phải chú ý một số yêu cầu sau:
- Quản lý đội ngũ giáo viên trước hết phải giúp cho đội ngũ giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo một cách tốt nhất, khai thác ở mức độ cao nhất năng lực, tiềm năng của đội ngũ để họ có thể đóng góp, cống hiến được nhiều nhất cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục đề ra.
- Quản lý đội ngũ giáo viên phải nhằm hướng giáo viên vào phục vụ những lợi ích của tổ chức, của cộng đồng xã hội, đồng thời phải đảm bảo
những lợi ích về tinh thần và vật chất với mức độ thoả đáng cho mỗi cá nhân giáo viên.
- Quản lý đội ngũ giáo viên trong mọi thời điểm phải đảm bảo cả mục tiêu trước mắt và mục tiêu phát triển trong tương lai của tổ chức (gồm cả tương lai gần và tương lai xa).
Quản lý đội ngũ giáo viên cần phải được thực hiện theo quy chế, quy định thống nhất trên cơ sở pháp luật Nhà nước, theo sự hướng dẫn chỉ đạo của Bộ, ngành chủ quản.