Nếu như trước đây, khi thành lập GHPGVN, các chức sắc Phật giáo tỏ ra lo lắng về tình trạng “tre tàn nhưng măng chưa mọc” thì ngày nay tình hình đã khác. Hiện nay, số tăng ni trẻ (dưới 30 tuổi) đã chiếm tỉ lệ đông đảo, ước tính khoảng 60 %. Kết quả do Ban Tôn giáo Chính phủ thống kê ở các tỉnh cho thấy: Số tăng ni có độ tuổi từ 60 trở lên chiếm 1,75% tổng số tăng ni cả nước; độ tuổi từ 45 – 60 chiếm 24,06%; độ tuổi từ 45 trở xuống chiếm 74,19%.
Còn về trình độ tăng ni, cho đến nay, trình độ của họ ngày càng được nâng lên cả về Phật học và thế học. Nếu theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (cũ), vào năm 1971, số người có trình độ cử nhân, cao đẳng, sơ cấp Phật học (cũng tương đương với thế học) chiếm tỉ lệ thấp. Trong số 3.210 sinh viên Viện
Phật học Vạn Hạnh (bên cạnh đào tạo chức sắc Phật giáo, còn đào tạo cả nhân lực cho xã hội) chỉ có 130 là tăng ni, chiếm 0,56% tổng số tăng ni thời điểm đó; có 977 tăng ni có trình độ sơ cấp đến cao đẳng, chiếm 4,21% tổng số tăng ni và cho đến trước năm 1981, cả nước chỉ có 10 tiến sĩ Phật học.
Về trình độ Phật học, hiện nay có khoảng 15% tăng ni thông hiểu Tam tạng Kinh điển Phật giáo; 15% có trình độ cử nhân Phật học; 30% có trình độ Trung cấp và Cao đẳng Phật học. Từ năm 1981 đến nay đã có 1856 tăng ni tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam; 2208 tăng ni đang theo học tại các Học viện Phật giáo; 1.090 tăng ni tốt nghiệp Cao đẳng Phật học; trên 3000 tăng ni tốt nghiệp trung cấp Phật học và gần 5000 tăng ni đang học trung cấp Phật học. Đại đa số tăng ni đã qua sơ cấp Phật học.
Còn về trình độ thế học của tăng ni hiện nay, sự đánh giárất khó, vì thiếu tiêu chí chung và do hệ thống đào tạo chức sắc Phật giáo trong nước hiện nay không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong khi đó, giáo hội vẫn tính những cấp học của mình tương đương với các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân. Chẳng hạn, tăng ni tốt nghiệp các Học viện Phật giáo tương đương trình độ cử nhân. Thực tế khi những tăng ni này đi học ở nước ngoài thì nhiều nước vẫn công nhận văn bằng này và cho họ học tiếp chương trình sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ).
Đến nay, có khoảng 2% số tăng ni có trình độ học vấn cao, có người có hai bằng tiến sĩ (của trong nước và nước ngoài) thuộc các lĩnh vực khoa học, như: triết học, văn học, sử học. Từ năm 1981 trở về trước, Phật giáo Việt Nam nếu chỉ có hơn 10 tăng ni là tiến sĩ, thì nay đã có 40 tiến sĩ, 50 thạc sĩ, trên 170 tăng ni đang tu học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Khoảng 50% tăng ni có trình độ trung học phổ thông và cử nhân. Số còn lại đang học trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Hiện nay còn có khoảng 40% số tăng ni còn hạn chế về trình độ học vấn cũng như Phật họcỏnTong đó, một số không chịu tu học, hoặc chưa có cơ hội học; số khác chỉ chú tâm cúng bái, thậm chí thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan … mà không quan tâm nhiều đến tu học.
Riêng đối với sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, về trình độ Phật học: Trước đây họ đều phải học tiếng Pali để đọc kinh Phật. Thời kỳ Pháp thuộc, họ muốn đi học ở trình độ cao phải sang Campuchia; còn thời Mỹ, Nguỵ, việc học chữ Pali bị cấm nên họ không có điều kiện học từ nhỏ, lớn lên lúc vào tu ở chùa không biết chữ. Nhưng
đến nay, họ rất thuận lợi để tu học ở những trường Trung cấp, cao đẳng và các học viện Phật giáo. Song trình độ của họ nhìn chung còn thấp. Số sư sãi sử dụng thành thạo chữ Pali rất ít, chỉ khoảng 15%, nên việc tiếp nhận và phổ truyền giáo lý bị hạn chế. Qua khảo sát cho thấy, HVPGVN tại Tp.Hồ Chí Minh mặc dù đã có ưu tiên cho sư sãi Khmer, nhưng chỉ có 16 sư Khmer tốt nghiệp; khoá VI (2005 – 2009) chỉ có 06 vị theo học. Chỉ có một ít sư du học tại Học viện Phật giáo Quốc tế Myanma. Như thế, số sư sãi Khmer được đào tạo cơ bản là quá ít, trong khi số lượng lại khá đông đảo trong tổng số tăng ni cả nước (chiếm khoảng 25%).
Trình độ thế học của sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer hiện vẫn còn thấp. Trong đó, 70% số họ chỉ có trình độ học vấn cấp 1; 10% không biết tiếng Việt; một số khác nói tiếng Việt chưa thành thạo. Chính vì thế mà việc nắm bắt, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước bị hạn chế; việc tổ chức các hoạt động tôn giáo khó khăn. Hơn thế, họ còn phải hướng dẫn cho đồng bào Khmer cả các hoạt động văn hóa, sản xuất, và các hoạt động xã hội khác. Vậy đây là điều cần phải quan tâm trong cả trước mắt và lâu dài.