Chức sắc tôn giáo bên cạnh những đặc điểm chung, họ còn mang những đặc điểm riêng của mỗi tôn giáo. Những đặc điểm riêng đó hình thành trên cơ sở: Đó là những quy định của giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức mỗi tôn giáo; là môi trường, những quy định trong đào tạo, bồi dưỡng của giáo hội tôn giáo đối với họ; là truyền thống của mỗi tôn giáo trong lịch sử đất nước và giáo hội...
Đối với chức sắc Phật giáo, ở họ nổi lên là sự giản dị, khiêm tốn, gần gũi với cuộc sống của người dân lao động, lại chân thành và chấp hành khá tốt trong quan hệ với các tổ chức của HTCT. Trong hoạt động tôn giáo, chức sắc Phật giáo rất nhiệt tình
và có trách nhiệm cao. Một số người có trình độ Phật học, Sử học và Đông phương học khá cao...
Tuy nhiên, trên một số hoạt động tôn giáo, chức sắc Phật giáo tỏ ra dễ rãi, chiều chuộng phật tử, vì thế dễ làm nảy sinh những hoạt động mê tín dị đoan, thậm chí “buôn thần bán thánh” mà xa với giáo lý, giáo luật của đạo Phật. Ngoài ra cũng phải kể đến việc, có một số trong họ cũng đam mê quyền lực giáo hội, nên dẫn đến tranh giành mất đoàn kết nội bộ, thậm chí, họ kéo theo cả sự mất đoàn kết ra đời sống xã hội ngoài tôn giáo nơi họ trụ trì. Chức sắc Phật giáo, theo gới luật, họ có đời sống độc thân.
Đối với chức sắc của Công giáo, với họ, nổi lên là sự tận tuỵ trung thành đối với giáo hội các cấp, nhất là đối với Vatican. Hầu hết trong số họ có lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, như nhiều người trong họ đã từng nói: “trước khi là người Công giáo tôi là người Việt Nam”. Chức sắc Công giáo được giáo hội tuyển chọn khá kỹ càng, lại được đào tạo rất cơ bản, nên có trình độ thần học cao, lại thành thạo trong mục vụ, có tài tổ chức hoạt động đạo - đời và rất biết tuân phục bề trên. Trong các mối quan hệ, họ tỏ ra nhẹ nhàng trong giao tiếp, biết chờ đợi người khác, song nắm vững và kiên trì mục đích, lý tưởng, có nguyên tắc trong mọi hoạt động, phương pháp tỏ ra nền nếp nhưng linh hoạt. Hàng giáo sĩ Công giáo duy trì chế độ độc thân.
Đối với tín đồ, họ là những người "thay mặt Thiên Chúa", là "Cha" tinh thần, là những người chăn dắt, chăm lo phần hồn, là người hướng dẫn mọi việc đạo cho tín đồ nên có thần quyền rất lớn, được tín đồ kính nể và trọng vọng. Việc quy tụ, tập hợp giáo dân để làm một việc gì đó, thì bao giờ chức sắc Công giáo cũng đóng vai trò to lớn nhất.
Đối với tổ chức Giáo hội, họ là lực lượng nòng cốt quyết định đường hướng hoạt động, là những người quản lý, tổ chức Giáo hội, do đó là trụ cột trong công tác truyền đạo, phát triển tín đồ. Họ là người trông coi, bảo quản và góp phần làm phong phú, khang trang cơ sở thờ tự. Ngoài ra, họ còn có tư cách nhất định trong các hoạt động tôn giáo mang tính quốc tế, như: quan hệ đồng đạo ở các nước, quan hệ với các tôn giáo bạn ở trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế khác. Trong mối quan hệ này, chức sắc có vai trò lớn, góp phần nâng cao ảnh hưởng, uy tín của đạo Công giáo trên
trường quốc tế, nhất là trong tình hình mở rộng giao lưu quốc tế và toàn cầu hoá. Với mối quan hệ tổ chức chặt chẽ, kết hợp đạo - đời được chỉ huy từ toà thánh Vatican nên chức sắc Công giáo ở Việt Nam cũng dễ bị lôi cuốn theo các xu hướng khác nhau, mà đáng chú ý là xu hướng ngược dòng với dân tộc.
Đối với chức sắc đạo Tin lành, đặc điểm nổi trội của họ là tác phong gắn với đời thường, mang tính hiện đại và dân chủ, mà như người ta nhận thấy: Theo kiểu giai cấp tư sản. Vì thế, họ tỏ ra rất nhạy bén trong mọi hoạt động và có am hiểu sâu về đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá và cả chính trị quốc gia cũng như quốc tế. Trong quan hệ với tín đồ, khác với chức sắc Công giáo, chức sắc Tin lành không có thần quyền, mà chỉ là người hướng dẫn cho tín đồ hành đạo. Cũng khác với chức sắc Công giáo, chức sắc Tin lành buộc phải lấy vợ hoặc lấy chồng (có chức sắc là nữ) và cả gia đình thường đến sống tại nhà thờ nơi họ trụ trì. Tuy nhiên, có thể do tính cá nhân của tín đồ, chức sắc đạo Tin lành rất cao, do tự mỗi người đọc - hiểu, kinh thánh theo cách riêng của mình, từ đó mà cá nhân được hành động theo cách hiểu riêng, do họ mang dáng vẻ con người của xã hội tư bản nên chức sắc Tin lành cũng thể hiện tính cách cực đoan và sẽ là nguy hại nếu họ bị các thế lực xấu lợi dụng.
Còn chức sắc đạo Cao đài, vì là một tôn giáo nội sinh, lại tập trung chủ yếu ở địa bàn phía Nam, đông nhất là ở Nam Bộ, nên phần động họ mang tính cách của người nông dân Nam Bộ, rất hiểu biết, gần gũi với người nông dân. Trong họ, có sự đan xen, kết hợp của 2 tư cách: là người dân nông dân lao động và là chức sắc tôn giáo. Tiếp xúc với họ, người ta dễ nhận thấy và cũng dễ gần gũi bởi chất ngay thẳng, thật thà và bộc trực của họ; trong các quan hệ, họ rất coi trọng nghĩa, tình, vốn là những đặc tính bản chất của người dân Nam Bộ Việt Nam. Nếu như trước kia, chức sắc đạo Cao đài nhiều người có trình độ đạo - đời cao, thì ngày nay chỉ là rất ít và đây là vấn đề cần phải quan tâm nhiều hơn đối với giáo hội. Chức sắc đạo Cao đài có gia đình riêng.
Như vậy, đội ngũ chức sắc tôn giáo có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với mỗi nền đạo nhất định. Ở nước ta hiện nay, đội ngũ chức sắc tôn giáo đang phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tôn giáo và xã hội. Mặc dù chức sắc của mỗi tôn giáo có những hạn chế nhất định, song mặt tích cực của họ vẫn là căn bản, là lớn hơn cả, được tín đồ và xã hội thừa nhận. Việc nắm bắt, am tường về những đặc điểm
chung - riêng của chức sắc tôn giáo là rất cần thiết, nhất là đối với những người làm công tác tôn giáo của HTCT. Công tác đối với chức sắc tôn giáo, nếu được làm tốt, thì sẽ có tác động trực tiếp, nhiều khi có ý nghĩa quyết định đến việc tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo, tạo ra động lực to lớn thúc đẩy sự thành công của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chương 2
Thực trạng tình hình chức sắc một số tôn giáo lớn ở Việt Nam hiện nay
Như đã chỉ ra ở phần mục đích và nhiệm vụ của đề tài, khi nghiên cứu về thực trạng chức sắc của một số tôn giáo lớn ở Việt Nam, chúng tôi chỉ khảo sát tình hình của 2 tôn giáo lớn nhất, đó là Phật giáo và Công giáo. Trong đó, chúng tôi tập trung làm rõ thực trạng tình hình của hai tôn giáo đó trên cả hai phương diện: Những hoạt động bên trong và bên ngoài nó. Nhưng mọi người đều biết, Phật giáo và Công giáo, bên cạnh cái phổ biến, thì mỗi tôn giáo này đều có những đặc điểm đặc thù, đơn nhất và đấy là căn cứ để chúng tôi khảo sát cụ thể. Theo đó, kết cấu nội dung của mỗi tôn giáo, bên cạnh những vấn đề giống nhau, sẽ có những điểm khác nhau.