Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

Một phần của tài liệu nghiên cứu ảnh hưởng của hình ảnh điểm đến du lịch tới ý định quay lại của du khách đối với du lịch phú quốc, tỉnh kiên giang (Trang 69)

2.3.6.1. Cơ sở lưu trú

Du lịch Phú Quốc đã có những bước phát triển nhanh về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cả về số lượng và chất lượng. Năm 1995 Phú Quốc mới chỉ có 3 cơ sở lưu trú với 87 phòng và 174 giường; năm 2002 có 34 cơ sở lưu trú, 177 phòng và 296 giường; năm 2004 có 60 cơ sở lưu trú, trong đó có 22 khách sạn, với tổng số 1.092 phòng; và đến năm 2013 toàn đảo có 119 cơ sở lưu trú, với 2.575 phòng. Như vậy trong 5 năm qua số lượng cơ sở lưu trú đã tăng gấp bình quân 20,05% và số lượng phòng tăng bình quân 16,48%.

Bảng 2.5. Hiện trạng cơ sở lưu trú ở Phú Quốc giai đoạn 2009 – 2013

Danh mục 2009 2010 2011 2012 2013 Tăng trưởng TB(%) Tổng số cơ sở 58 62 82 96 119 20,1% Tổng số phòng 1.408 1.502 1.880 2.216 2.575 16,5%

Nguồn: - Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Kiên Giang năm 2014

Phần lớn các cơ sở lưu trú ở Phú Quốc đều có quy mô không lớn (dưới 50 phòng), thậm chí có một số nhà nghỉ có số lượng dưới 10 phòng. Nhìn chung, các cơ sở lưu trú ở Phú Quốc tăng nhanh thời kỳ 2009– 2013 với số lượng tăng là 61 cơ sở. Tuy nhiên, số cơ sở lưu trú trong các năm được quan tâm hơn về chất lượng. Điển hình như một số cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, manh mún đầu tư theo tính tự phát, ăn theo dần dần nhường chỗ cho các khu resort đạt chuẩn hơn.

Đến năm 2013, Phú Quốc chỉ có 5 khách sạn đạt 4 sao (KS Sài Gòn - Phú Quốc, KS Chenla, KS Eden, KS Sasco Blue Lagoon và KS La Veranda) và 11 khách sạn đạt 3 sao (KS Charm, KS Thái Bình Dương - Pacific, KS Mai Spa, KS Mango Bay, KS

Cassia Cottage, KS Long Beach’s, KS Thousand Star, KS Tropicana, KS Kim Hoa, KS Hương Biển và KS Thiên Hải Sơn), 14 khách sạn đạt 2 sao và nhiều KS đạt 1 sao.

Hiện tại lượng khách du lịch chưa nhiều, thời gian lưu trú không tăng nhiều trong khi số lượng buồng phòng tăng nhanh nên dẫn tới công suất sử dụng buồng phòng giảm.

Một trong những yếu tố quan trọng để tăng công suất sử dụng buồng phòng là thời gian lưu trú của khách có liên quan đến tính hấp dẫn của các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Như vậy có thể thấy hiện nay các sản phẩm du lịch và các dịch vụ của huyện đảo chưa thật phong phú để có thể lưu khách lại dài ngày hơn. Để kinh doanh khách sạn có hiệu quả thì công suất sử dụng buồng phòng bình quân năm phải đạt trên 50%.

Với số lượng các cơ sở lưu trú như trên đã phần nào đáp ứng được nhu cầu trước mắt của khách du lịch, nhưng trong thời gian tới, đặc biệt khi Phú Quốc thật sự là khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao rất cần nâng cao chất lượng và đa dạng về dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.

2.3.6.2. Cơ sở ăn uống

Số nhà hàng ăn uống trong các khách sạn còn hạn chế. Năm 1999 - 2000 chỉ có 2 cơ sở ăn uống trong khách sạn với tổng số 332 ghế ngồi và 2 cơ sở ngoài khách sạn với 250 ghế ngồi. Đến năm 2012, các cơ sở phục vụ nhu cầu ăn uống của khách du lịch tại Phú Quốc tương đối đáp ứng nhu cầu trước mắt, chủ yếu thuộc thành phần kinh tế tư nhân khoảng trên 1.580 cơ sở phục vụ ăn uống lớn nhỏ, trong đó chỉ có 21 nhà hàng (12 nhà hàng chuyên biệt và 9 nhà hàng vừa là khách sạn vừa là nhà hàng) phục vụ khách du lịch.

2.3.6.3. Phương tiện vận chuyển

Về vận chuyển đối ngoại: phương tiện vận chuyển khách chủ yếu đến Phú Quốc được đa số khách lựa chọn là đường hàng không và tàu cao tốc mục đích đi du lịch nghỉ dưỡng là chủ yếu.

Hiện nay tàu cao tốc đã được đưa vào sử dụng từ năm 2003 để vận chuyển khách du lịch từ Rạch Giá, Hà Tiên ra Phú Quốc và ngược lại. Thời gian đi bằng tàu cao tốc đã giảm đáng kể so với trước đây, chỉ mất khoảng 2 - 3 giờ thay vì phải mất tới 7 giờ đi tàu khách bình thường.

Đến nay, tỉnh có 8 tàu cao tốc phục vụ vận chuyển khách du lịch từ đất liền ra đảo, ngoài ra còn có 2 phà chuyên dụng vận chuyển xe cơ giới tuyến Hà Tiên – Phú Quốc và ngược lại.

Về vận chuyển trên đảo: nếu như trước đây số lượng xe vận chuyển khách du lịch chuyên dụng còn hạn chế thì hiện nay số lượng xe đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tham quan, đi lại của khách du lịch cũng như của người dân trên đảo. Đặc biệt là đã có hệ thống xe Taxi của Mai Linh và Sacco đã đáp ứng như cầu đi lại trên đảo. Tuy nhiên, các phương tiện vận chuyển công cộng thì chưa có, phương tiện đi lại phổ biến của người dân cũng như khách du lịch vãng lai thường là xe ôm do cư dân ở thị trấn Dương Đông, An Thới đảm nhiệm hay cho thuê.

Ngoài ra hiện nay đảo Phú Quốc còn có khoảng trên 45 tàu du lịch phục vụ các tour lặn ngắm san hô, câu cá, thẻ mực cho du khách, trong đó có khoảng 30 tàu lớn chủ yếu ở Dương Đông đạt yêu cầu chất lượng, còn lại là các tàu cây còn thô sơ và chưa thật sự đảm bảo yêu cầu về an toàn cho du khách.

2.3.6.4. Các tiện nghi vui chơi giải trí

Hiện nay, các khu du lịch trên đảo Phú Quốc đã chú ý phát triển các tiện nghi, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời gian lưu trú tại đảo. Điển hình là khu du lịch Sài Gòn - Phú Quốc hiện đã có 2 phòng hội nghị hội thảo với sức chứa trên 300 chỗ ngồi, 1 bể bơi, phòng tắm hơi, khu thể thao (tennist, tập golf, thể hình), phòng khiêu vũ, karaoke... Tuy nhiên nhìn chung số lượng các cơ sở dịch vụ vui chơi, giải trí còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Tình trạng thiếu các tiện nghi vui chơi giải trí và các dịch vụ làm giảm tính hấp dẫn của du lịch Phú Quốc, ảnh hưởng đến thời gian lưu trú của khách trên đảo.

Một phần của tài liệu nghiên cứu ảnh hưởng của hình ảnh điểm đến du lịch tới ý định quay lại của du khách đối với du lịch phú quốc, tỉnh kiên giang (Trang 69)