Phần lớn các nghiên cứu đã xác nhận rằng sự thỏa mãn hình ảnh điểm đến tác
động tích cực tới lòng trung thành (ý định quay lại) của du khách (Pritchard & Howard, 1997; Oppermann, 2000; Alexandris et al., 2006; Yuksel & Yuksel, 2007; Chi & Qu, 2008; Trần Thị Ái Cẩm, 2011). Mối quan hệ giữa sự thỏa mãn và lòng
trung thành của du khách cũng phụ thuộc vào cách thức đo lường sự thỏa mãn và lòng
trung thành (Trần Thị Ái Cẩm, 2011). Mặc dù sự thỏa mãn không bảo đảm hoàn toàn
lòng trung thành (ý định quay lại), nhưng thực tế là khách du lịch sẽ trung thành nếu
điểm đến du lịch làm họ được thỏa mãn (Jones & Sasser, 1995).
Tác động của sự thỏa mãn hình ảnh điểm đến tới lòng trung thành có thể được đo lường bằng sự quay lại điểm đến và truyền miệng tích cực tới những người xung
quanh (bạn bè, đồng nghiệp, gia đình…) về điểm đến (Yoon & Uysal, 2005). Kinh
nghiệm các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thỏa mãn của du khách là dấu chỉ tốt đối với
ý định quay lại (Martin et al., 2008). Quan điểm khác chỉ ra rằng sự tác động quan
trọng của sự thỏa mãn làm cho du khách sẵn sàng chi trả thêm trong việc trải nghiệm
các dịch vụ du lịch (Bigne' et al., 2008. Đó là lý do giải thích tại sao sự thỏa mãn và
lòng trung thành được nhìn nhận như là một dấu chỉ quan trọng hơn hết đối với sự thành công của các doanh nghiệp. Bởi vì sự thỏa mãn và lòng trung thành là chìa khóa
cho việc sống còn trong dài hạn (Nicholls et al., 1998) và tương lai của các sản phẩm và dịch vụ du lịch (Gursoy et al., 2007). Nó có thể giúp cho các nhà quản lý cải thiện dịch vụ (Fornell, 1992). Thêm vào đó, khả năng quản lý được lĩnh hội từ khách hàng có thể là nguồn quan trọng thuận lợi trong việc cạnh tranh (Peters, 1994).
Gần đây, nhiều mô hình chính thể (Holistic Model) đã được sử dụng để giải thích lòng trung thành trong nghiên cứu du lịch. Chẳng hạn, Yoon & Uysal (2005) đề xuất một mô hình về mối quan hệ giữa lòng trung thành với sự thỏa mãn du lịch và động cơ của kỳ nghỉ. Nghiên cứu của họ đã tìm ra mối quan hệ mang tính nguyên nhân - kết quả giữa sự thỏa mãn và lòng trung thành với điểm đến cũng như giữa động cơ và
sự thỏa mãn du lịch (Trần Thị Ái Cẩm, 2011). Mức độ của lòng trung thành với điểm đến thường được phản ánh trong ý định quay lại (du lịch lại) điểm đến (Chen & Tsai, 2007). Lòng trung thành là kết quả của sự thỏa mãn và điều này được chỉ ra bởi các nghiên cứu trong lĩnh vực dịch vụ (Mattila, 2001). Như vậy, khi du khách thỏa mãn
với điểm đến nó sẽ tạo ấn tượng tốt trong lòng họ; và việc lựa chọn điểm đến trong kỳ nghỉ ở tương lai thì hình ảnh điểm đến được thỏa mãn trong quá khứ sẽ được du khách tích cực quảng bá và ưu tiên lựa chọn.Vì một khi khách hàng thỏa mãn thì có xu hướng sử dụng dịch vụ nhiều và thường xuyên hơn những khách hàng không thỏa mãn
(Nguyễn Thị Mai Trang, 2006). Hơn nữa, khi thỏa mãn thì họ có xu hướng tiếp tục mua và còn truyền miệng các dịch vụ đó cho những người quen (Zeithaml, 1996).
Vì vậy, đề tài này kỳ vọng rằng các khía cạnh của HADD sẽ ảnh hưởng tích cực đến ý định quay lại đối với điểm đến du lịch. Cụ thể:
H1: Môi trường thiên nhiên có tác động tích cực tới ý định quay lại; H2: Hạ tầng du lịch có tác động tích cực tới ý định quay lại;
H3: Các khu vui chơi, giải trí có tác động tích cực tới ý định quay lại; H4: Ẩm thức có tác động tích cực tới ý định quay lại;
H5: Văn hoá – xã hội có tác động tích cực tới ý định quay lại; H6: Yếu tố con người có tác động tích cực tới ý định quay lại;