Suy nghiệm về cuộc đời

Một phần của tài liệu giá trị nhân văn hiện thực trong di cảo thơ của chế lan viên (Trang 74)

Theo A.De Vigny, tất cả các vấn đề trọng đại của loài người, có thể đem ra bàn cãi bằng những câu thơ vì thơ là tất cả những gì sâu xa thầm kín ở mọi sự vật, hiện tượng. Bởi mang sứ mệnh thiêng liêng, “nghệ thuật không phải là một lạc thú để hưởng một mình.”, đây là phương tiện cảm thức “nỗi đau thương chung” và “niềm hoan lạc chung” nên nó buộc người nghệ sĩ phải “phục tùng sự thật tầm thường nhất và đại chúng nhất”. (Albert Camus - Diễn từ nhận giải Nôben) [20, tr.73]. Trong Di cảo thơ, Chế Lan Viên không ngừng chiêm nghiệm cuộc đời “ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái

bề xa” dựa trên qui luật của thơ là đòi hỏi người làm thơ phải biết đến qui luật - một

thứ qui luật tưởng như mơ hồ nhưng cũng rất cụ thể, đó là qui luật đời sống. Di cảo

thơ là hành trình suy nghiệm, không phải những suy ngẫm qui mô, theo luận đề như Thời sự hè 1972, Đường sáng tuyệt vời… mà là những mảnh suy tư về thăng trầm,

buồn vui muôn thuở kiếp người. Nhờ vậy, những vần thơ chiêm nghiệm cuộc đời chạm thấu đến chân giá trị nhân văn hiện thực.

Đau đáu trong những vần Di cảo là nỗi ám ảnh khôn nguôi về cuộc chiến vô hình nhưng khắc nghiệt nơi hồn người: “Cuộc chiến tranh màu trắng của tâm hồn/ Tuyết

nhắm tuyết chia phe mà đối chọi/ Tuyết này đòi tan, tuyết kia tồn tại/ Phía chấp nhận hóa bùn, phía kỳ vọng cỏ xanh non.” (Cuộc chiến). Vấn đề “rắn rết” - “rồng phượng”,

“thiên thần” - “ác quỷ” luôn được những người ý thức cao độ về nhân phẩm, thiện lương canh cánh bên lòng. Trong lễ kỉ niệm Xécvăngtetx trên quê hương của tác giả Đông Kisốt, đại diện cho giới nhà văn Việt Nam, Chế Lan Viên phát biểu: “Cách xay lúa mỗi nơi trên thế giới thực khác nhau, nhưng trái tim người thì lại giống…” [45, tr.19]. Trong địa hạt tâm hồn, thường trực cuộc chiến giành giật chất Người và chừng nào còn những người nặng lòng với cuộc chiến thánh thiện bên trong thay vì loay hoay cùng cuộc chiến vô nghĩa bên ngoài, thì chừng ấy thiện lương còn giữ vẹn.

Charles Simic quan niệm “Nhà thơ ngồi trước trang giấy với sự thúc bách muốn nói rất nhiều điều trong khoảng không gian bé nhỏ của bài thơ. Trái đất thật bao la, còn nhà thơ thật cô độc. Và thơ là một chút của ngôn từ, và những tiếng sột soạt của ngòi bút bị bao vây bởi sự im lặng khổng lồ của đêm đen.” [20, tr.338]. Giữa cái cô độc của bản thể và sự vô cùng của vũ trụ, nhà thơ ý thức cao độ về bản ngã tự thân chính mình cũng như mọi kiếp người: “Cành huệ vô ý thức/ Thơm mùi hương quên rồi/ Cái mùi hương biệt phái/ Chỉ biết có mình thôi.” (Huệ). Nếu hương huệ cô đơn

trong cái biết riêng mình, thì con người cũng cô độc trong vở kịch đời ngỡ nhiều vai nhưng “Khốn nỗi, ta chỉ có một ta thôi” (Kịch giả). Thấu trọn lẽ đơn độc thường hằng của “ta” giữa đời, ông không chôn mình vào tuyệt vọng, ngược lại, Chế luôn ý thức chất lượng hóa, tự thân hóa sự đơn độc ấy. Ở bài thơ khác, Chế Dạy đời: “Khi đau, ta

tránh hết thánh thần, danh nhân, vĩ nhân đi nhé/ Để vết thương tự uống hết máu mình, lành miệng, đóng da non.”. Trải qua mọi thăng giáng sự đời, nhà thơ thanh thản kết

luận: “Giữa hai đợt băng hà, ta cứ là ta” (Quãng cách). Nghiệm sâu hơn về bản ngã,

Chế nhận ra: “Ngỡ như khi có tuyết, ta có hai cuộc đời,/ Hai bản ngã/ Một là ta/ Một

đâu từ hồng hoang, tiền sử/ Bâng khuâng mối tình đầu vũ trụ/ Hóa thân thành tuyết trắng” (Tuyết). Hóa ra, con người nào đơn độc. Đồng hành cùng nỗi cô đơn của họ là

nỗi cô đơn tạo hóa, vũ trụ. Một đơn ghép với một độc thì đã nên đôi nên cặp rồi. Vấn đề là cô - đơn - người chịu mở lòng hòa với cô-đơn-vũ-trụ, Chế thấu nghiệm: “Bản ngã anh, anh chỉ tìm ra, hiểu rõ/ Khi chạm số phận mình cùng một vì sao lạ đổi ngôi.”

(Đàn bầu (2)). Thì ra, một ta quyện cùng một đời vẫn không khiến ta tan loãng, ngược

lại, còn giúp ta thấu nhận mình trọn vẹn hơn.

Theo Gớt, nội lực của thi nhân là do sức thần nhân loại kết tụ. Con người là hạt nhân của mọi ngành nghệ thuật. Không có gì thuộc về con người lại xa lạ với nghệ thuật. Đây là quan niệm trọng yếu của chủ nghĩa nhân văn. Trong Di cảo thơ, Chế Lan Viên nâng quan niệm này lên tầm cao mới: Không có gì thuộc về hiện thực con người lại xa lạ với thơ ca. Ông vẫn tôn vinh vẻ đẹp toàn mĩ của con người: “Những chú ong

triết học/ Không biết say hoa người/ Làm nên mật đạo đức/ Chả hút gì ở môi.” (Ong triết học). Nhưng quan trọng hơn, Chế hiện thực hóa vẻ đẹp người ấy: “Mỗi con trai nhả ngọc một lần thôi/ Viên ngọc đầu tiên cũng là viên ngọc sau chót/ Không như ta sau viên ngọc sau cùng rồi lại làm viên thứ nhất/ Đấy là nỗi đau và hạnh phúc của con người.” (Ngọc sau cùng). Chế rộng lòng dung nạp mọi góc cạnh của lòng người và

đời người, đón nhận cả “hạnh phúc” lẫn “nỗi đau”, xem chúng là phần không thể

thiếu của kiếp người. Tư tưởng này đã hiện thực hóa nhân văn và nhân văn hóa hiện thực. Không chỉ vậy, Chế còn mạnh dạn khẳng định: “Địa đàng hơn thiên đàng vì có

lứa đôi” (Châm ngôn). Cảm - thức - người được nâng đến tuyệt đỉnh. Con người và

đời người thành chuẩn mực cho mọi hệ giá trị.

Trong địa hạt cuộc đời - con người, khúc thơ Di cảo khơi sâu suy nghiệm về nỗi đau. Theo Sóng Hồng, người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Điệu thơ viết về nỗi đau trĩu nặng của Chế chỉ có thể trào dâng từ cõi lòng mặn đắng đau đời. Với Chế, “nỗi đau không tuân theo đường thẳng, đường cong, đường gẫy gập kỷ hà…” (Hình học) mà vận hành theo logic nội tại của hồn người. Niềm đau nào phải sự đọa đày với con người nơi “bể khổ” này. Đau thương cũng có giá trị: “Thuyền người qua dông tố/ Sóng gió suốt hành trình/ Vùi bình yên trong đó/

Lấy tai ương làm mình/ Còn nếu muốn yên ngủ/ Thì lên bờ cho gỗ/ Mọc nấm và trường sinh. (Sóng). Ở bài thơ khác, Chế tuyên bố chắc nịch như chân lí: “Chúng ta ở trên đời không phải để ra lộc ra hoa mà còn để mang thương tích/ Cũng không phải chỉ nỗi đau cao sang mà hủi cùi ghẻ lở đục hình hài.” (Nhiệm vụ). Đây quả là những

quan niệm mới mẻ, hiện thực và nhân tình. Không chỉ chấp nhận đau thương, theo Chế, con người nên đón nhận, bởi đây là gia vị nêm đời thêm ý nghĩa và trọn vẹn. Đau

thương dạy con người trưởng thành và thấu suốt giá trị cuộc đời. Với Chế Lan Viên, càng yêu thương con người, ông càng ý thức cao độ nỗi đau cái kiếp người và “Muốn

mỗi bài thơ phải có ích cho nỗi đau người” (Chế Lan Viên).

Dẫu biết cuộc đời mang nặng thương đau, nhà thơ vẫn thể hiện tinh thần lạc quan cao độ trong những vần Di cảo được sáng tác vào cuối đời. Quả thật, ở đâu có sự sống là ở đó có thơ ca. Chế cất cao khúc thơ ngất ngưởng về niềm tin sự sống: “Hạnh phúc

không đến hồi đầu thì đến hồi kết thúc/ Tất cả sẽ đoàn viên xin bạn chớ ra về” (Kịch).

Với giọng điệu và cảm nghĩ tươi sáng như thế, có nào ngờ, bài thơ được sáng tác vào mùa bệnh năm 1988, đoạn cuối đời ông. Theo Lưu Trọng Lư, thơ là sự sống tập trung cao độ, là cái lõi của cuộc sống. Phải lạc quan cao độ và nén chặt tình yêu đời vào lõi thơ thì Chế mới có được suy nghiệm hi vọng chất ngất như vậy về kịch đời. Thậm chí, khi sắp vào “bóng đêm”, suy nghiệm về “hạnh phúc”, “tai ương”, “Rủi”, “May”,

nhà thơ vỡ ra chân lí: “Cuộc sống là trò chơi/ Mà không chơi khổ đau thì không ù được nụ cười.” (Hai chiều). Trong bài thơ khác, Chế ngẫm ra nỗi đau riêng mình chỉ

là sông con phụ lưu của sông Cái biểu trưng cho nỗi đau nhân loại; còn Bể Đông lại là

“Vui Lớn”, “Hoan Lạc Lớn”. Từ liên tưởng ấy, nhà thơ nhắc đời: “Cho nên đau thì đau, mà ca cứ Vui Ca./ Hỏi đời có xám không, ngó về đêm Đen, anh đáp Đời Hồng”

(Sông Cả). Một người đi gần trọn chuyến đời thăng trầm, vui tủi, có khi trầm nhiều

hơn thăng, tủi nghẹn ứ vui, đã đúc rút cho đời mình, đời người kết luận: “Đời Hồng”. Kết luận này không hề viển vông, ảo tưởng. Để thấy sắc “Đời Hồng”, Chế phải “ngó

về Đêm đen”, cũng như để cảm vẹn vẻ đẹp nhân văn, thi sĩ đã bám chặt hiện thực. Có

như vậy đẹp mà vẫn thật, thật mà vẫn đẹp. Cởi bỏ vỏ bọc biểu tượng, Chế trực tiếp khuyên đời: “Cái gì mất mất rồi/ Cái gì tan tan mất/ Đừng hối tiếc/ Lấy cái ngày mai

bù cho ngày hôm trước”, “Đừng là người bị mất/ Bao giờ gặp anh, nhân loại cũng được/ Được một cái gì/ Thế là anh hạnh phúc/ Anh, người bị mất/ Vẫn luôn luôn có gì để cho.” (Phía trước), “Không cười cũng cứ cười/ Cười được là lành rồi” (Giặc cỏ).

Đoàn Trọng Huy ngợi ca “tấm lòng rộng mở” của Chế ở sự lạc quan ngay tận cùng đau khổ:

Thấm thía nỗi buồn nhân thế: cuộc đời là trò chơi, là cuộc dấn thân giữa hai trời May, Rủi. Nhưng vượt lên vẫn là một ước vọng cao cả, có phần vô vọng

qua cái bi kịch của người nghệ sĩ chân chính muốn vươn lên tuyệt đích, tuyệt đỉnh của nghệ thuật. Triết lí về cuộc bể dâu “trăm năm trong cõi người ta”, Chế Lan Viên vẫn có niềm tin vào những giá trị vĩnh cửu: “Dẫu cạn bể

vẫn còn viên muối đọng/ Tâm hồn ta như những tầng văn hóa phủ lên nhau.” (Đừng tuyệt vọng). Đó chính là cốt lõi của giá trị nhân văn Chế Lan

Viên [25, tr.24].

Những vần thơ suy ngẫm về cuộc đời trong Di cảo ánh lên chất tinh túy của triết học phương Đông về cách nhìn biến chuyển, vô thường của cuộc đời. Đó đây, ta thấy cái chếnh choáng chất men quyện hòa của nhà thơ thiền và nhà thơ phương Tây hiện đại. Nhưng dẫu thoảng hương Thiền hay triết, Đông hay Tây, vướng vít lòng ta vẫn là hương vị không thể lẫn, hương Chế Lan Viên.“Hãy cầm lên, bắt lấy/ Có vàng lẫn

trong dòng thác ấy.” (Ngày trống không). Chất vàng đời quyện chảy trong thác thơ Di

cảo Chế Lan Viên.

Khơi mạch dòng thơ suy nghiệm cuộc đời trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên, ta nhận ra, “Ý thức nghệ thuật của ông không còn song hành, đồng nhất với ý thức công dân mà đã vượt lên, hướng về những triết lý nhân sinh sâu thẳm và sự sinh tồn của nhân loại.” (Võ Tấn Cường) [27, tr.447]. Theo Xuân Diệu, thiên chức thi nhân là dốc hết tinh lực để hiểu cho được cuộc đời, tìm tòi rồi, lại tìm tòi nữa, vừa tìm tòi mà vừa yêu mến. Chế đã tìm tận và yêu sâu cuộc đời qua những vần thơ ngẫm đời đẫm nhân văn hiện thực. Xét cho cùng, “Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học.” (Tố Hữu) [28, tr.115]. Gánh triết lí về đời trên quang gánh thơ, Chế trở lại đời mà tận hiến.

Một phần của tài liệu giá trị nhân văn hiện thực trong di cảo thơ của chế lan viên (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)