Mỗi nhà thơ có một giọng điệu riêng. Giọng điệu giúp độc giả hiểu hơn về cung bậc tình cảm và chiều sâu trí tuệ của tác giả. Chế Lan Viên có giọng thơ riêng, không lẫn với bất kì nhà thơ nào. Nếu thơ Tố Hữu có giọng tâm tình ngọt ngào thì thơ Chế Lan Viên có tính đa điệu: khi xót xa da diết, khi đằm thắm trữ tình, khi đời thường giản dị, khi trăn trở suy tư, khi trầm buồn trĩu nặng, khi suy biện triết lí, khi sôi nổi hào hùng… Thơ Chế Lan Viên thường có hiện tượng đổi giọng. Nhưng dù giọng điệu nào, toát lên trong thơ ông vẫn là sự chân tình, thẳng thắn, tâm huyết và khát vọng sống hết mình vì người, vì đời. Nguyễn Văn Hạnh nhận định về giọng thơ Chế Lan Viên:
“Anh luôn đi song hành với cuộc sống, với thời đại, anh mải mê tìm tòi, anh muốn thử sức, anh muốn bộc lộ mình trong tất cả giọng điệu, ở mọi cung bậc, sắc thái. Lúc cần trang trọng, hào hùng thì trang trọng, hào hùng; lúc cần đanh thép, quyết liệt thì đanh thép, quyết liệt; lúc cần thủ thỉ, tâm tình thì thủ thỉ, tâm tình. Ta gặp anh ở sử thi, anh hùng ca, rồi ta lại gặp anh trong chính luận, trào phúng, trữ tình. Giọng cao là anh mà giọng trầm cũng là anh. Súc tích, cổ điển, truyền thống hết mực, mà phóng túng, hiện đại đủ cỡ, khó mà đoán trước hết được.” [58, tr.65].
Như vậy, giọng điệu đóng vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng tác phẩm. Không chỉ vậy, nó còn góp phần đắc lực chuyển tải giá trị nhân văn hiện thực.
Về mặt lí luận, giọng điệu “Là một sản phẩm mang tính cá biệt, độc đáo, kết tinh sự thăng hoa sáng tạo thực thụ của nhà văn, giọng điệu là một phương diện bộc lộ hình tượng tác giả.” [6, tr.49]. Giọng điệu biểu hiện thông qua những phương thức như mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và khách thể được phản ánh, đặc điểm tâm hồn nhà văn… Có thể xem tác phẩm văn học như kết cấu các giọng điệu, hệ thống các ngữ điệu mà cách gọi quen thuộc là hơi văn, văn khí, giọng văn. Giọng điệu của nhà thơ thể hiện ở sự lặp lại yếu tố hình thức mang ý nghĩa phong cách. Sự lặp lại thể hiện ở tần số sử dụng các hình tượng, mô-tip thơ. Giọng điệu đóng vai trò quan trọng đối với chỉnh thể tác phẩm. Giọng điệu thể hiện rõ nhất trong cách dùng từ của nhà thơ. Nền thơ nhiều giọng điệu là nền thơ đa thanh. Nhà thơ nhiều giọng điệu tạo được phong cách thơ độc đáo. Sự chuyển giọng không chỉ là yêu cầu hình thức đơn thuần, nó còn là sự chuyển điệu tâm hồn nghệ sĩ.
Trong Di cảo thơ, giọng điệu thể hiện đa dạng và linh hoạt, thậm chí có phần
mâu thuẫn và phức tạp. Điều này một phần do tậm trạng giằng xé, xáo động của nhà thơ những năm cuối đời. Sự đa giọng góp phần hữu hiệu thể hiện giá trị nhân văn hiện thực với các biểu hiện sinh động, đa dạng.