Giọng điệu đối thoại, chất vấn

Một phần của tài liệu giá trị nhân văn hiện thực trong di cảo thơ của chế lan viên (Trang 137)

Đối thoại đã là giọng điệu đặc thù của thơ Chế Lan Viên mọi giai đoạn. Theo Nguyễn Đăng Mạnh, “Đối với Chế Lan Viên, viết một bài văn là làm một cuộc giao chiến với nhiều địch thủ vô hình. Phải khôn ngoan, nhanh trí, giương đông kích tây, tả xung hữu đột và phải kín võ… Tất nhiên không phải chiến đấu bằng tay chân, bằng gươm dáo, mà bằng trí tuệ, bằng lí lẽ, lí sự.” [45, tr.21]. Càng về giai đoạn sáng tác sau, xu hướng đối thoại càng rõ nét. Chế Lan Viên đã thơ hóa quan niệm về sự chuyển giọng của mình ở thời kì sáng tác sau: “Xưa tôi hát mà bây giờ tôi tập nói/ Chỉ nói thôi mà nói hết được đời.” (Sổ tay thơ). Sự chuyển giọng ấy càng thể hiện rõ trong Di cảo

thơ. Theo Nguyễn Bá Thành, “Trong các tập Di cảo, đâu đâu ta cũng bắt gặp một con

người hiện diện dưới các đại từ Anh, Tôi, Ta, Mình. Các đại từ ấy đối thoại với nhau một cách gay gắt, thậm chí nổi khùng, nổi đóa và bác bỏ nhau, lên án nhau như những kẻ đối địch.” [57, tr.181]. Cách diễn đạt của nhà thơ như ném liên tiếp những lí lẽ sắc sảo, lập luận bén nhạy, lấy lí mà át đối phương, dồn đối phương vào thế bí. Điều này một phần cũng là đặc thù con người nhà thơ. Với năng lực trí tuệ dồi dào, Chế Lan Viên không mấy khi để đầu óc được nghỉ ngơi. Quá trình tư duy, nhập cảm, sáng tạo thường trực trong ông. Tâm trí luôn có những đối thủ để tranh luận, đối thoại. Bởi vậy, trong Di cảo thơ vang ngân giọng điệu tranh luận, đối thoại: với mình lẫn người, bạn bè lẫn kẻ thù; với cha ông, lịch sử, dân tộc, thời đại; với cả những phạm trù trừu tượng như cái chết, hư vô, lẫn đối tượng cụ thể như một bông hoa súng nhỏ bé hoặc những điều kì vĩ lớn lao như cả vũ trụ mênh mông… Tâm niệm và tâm sự, độc thoại và đối thoại, răn mình và nhắn đời, đó là cách thức nhà thơ đối thoại không ngừng với mọi đối tượng. Bùi Mạnh Nhị nhận ra: “Chế Lan Viên bàng hoàng, thảng thốt, dằn vặt đối thoại với Hư vô, với Thiền, (…) với Prômêtê, Đông Kisốt, với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, với thời đại và dân tộc.” [61, tr.80]. Nhà thơ làm cuộc đối thoại xuyên thời gian với các vĩ nhân như Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Chiếm số lượng nhiều nhất là đối thoại với chính mình, từ đó dằn vặt, trăn trở, suy ngẫm… Nhưng dẫu với đối tượng nào, toát lên từ cuộc đối thoại là thái độ nghiêm túc, ý thức trách nhiệm sống hết mình vì đời, vì người. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong Di cảo thơ: “ích gì?”,

“cho gì?”, “việc gì?”, “cần gì?”, “có kịp không?”, “ai đọc nữa đâu?”… làm cho giọng đối thoại càng thêm cấp bách, hệ trọng và da diết. Những câu hỏi ngắn cấu thành từ một cụm từ xoáy sâu vào lòng người, để lại nhiều dư chấn. Không chỉ vậy, câu hỏi còn tiếp nối nhau khơi sâu trong lòng người đọc sự trăn trở khôn nguôi về vấn đề nhà thơ đặt ra. Cùng với câu hỏi, câu cảm thán được sử dụng ở mật độ cao với những trợ từ đừng, chớ, hãy, phải…: “Hạnh phúc không đến hồi đầu thì đến hồi kết thúc/ Tất cả sẽ đoàn viên xin bạn chớ ra về!” (Kịch), “Đừng như người đàn bà góa trong căn nhà mối mọt, đêm nghe nó gặm” (Hai thứ tiếng)... Giọng thơ thúc bách và

tác động mạnh cả tâm lẫn trí độc giả cũng như chính nhà thơ. Từ xưng hô cũng tác động lớn đến việc tạo lập giọng điệu nghệ thuật. Với những bài thơ đối thoại cùng

người đọc tiềm ẩn, khi tâm sự, bộc bạch, thuật kể, nhà thơ thường dùng từ xưng gọi

tôi: “Thuở bé tôi mê chim và chán các bài hình học” (Đội hình chim viễn du), “Tôi sinh giữa đời, không có bí quyết cao tăng” (Tháp cao tăng)... Nhà thơ tâm tình với

người đọc những suy nghiệm về nghề nghiệp. Chúng ta có cảm tưởng như đang đối diện nhà thơ lão thành để nghe ông kể về đời thơ và ngẫm suy chân lý nghệ thuật đúc rút suốt một đời sáng tạo. Khi chia sẻ, nghiệm suy những vấn đề chung như thời đại, ước mơ, thời gian, lẽ sống chết, nhà thơ thường dùng đại từ ta, chúng ta để dễ gây

đồng thuận, đồng cảm ở người tiếp nhận: “Ở trong cõi không màu, ta vẫn thấy nó từ xa” (Các mùa hoa), “Ta không đồng lõa, trợ lực thời gian để hủy diệt ta thêm” (Thời gian xuôi chảy)… Còn một kiểu đối thoại đặc biệt và thường trực trong Di cảo thơ là

nhà thơ tự chất vấn chính mình. Ở những bài này, tác giả sử dụng phổ biến từ xưng hô

anh để gọi chính mình. Từ xưng gọi này đặt nhà thơ vào thái độ nghiêm túc có phần

nghiêm khắc, đôi khi nghiêm trọng. Nhà thơ không ngừng chất vấn, tranh cãi với mình về cuộc đời, nghệ thuật và bản thân. Cuộc đối thoại không nhằm tìm ra điểm kết dung hòa mà giá trị nằm ở quá trình chất vấn nảy lửa với những lí lẽ, lập luận dồn chứa tư tưởng sâu sắc. Giá trị nhân văn hiện thực tập trung ở đây. Đó là vẻ đẹp hướng thượng của con người nói chung và tác giả nói riêng, khi đau đáu trăn trở, suy tư về muôn thuở kiếp người. Giọng đối thoại còn nêu cao tinh thần dân chủ, ý thức cá nhân khi cái tôi được tự do nói tiếng nói chân thực, riêng tư về mọi vấn đề trong cuộc sống. Từ những cuộc trao đổi tư tưởng và tình cảm này, vấn đề trong cuộc đời và nghệ thuật dần hiển lộ, sáng rõ. Đây cũng là một cách chiêm nghiệm và suy tư kiểu Chế Lan Viên.

Một phần của tài liệu giá trị nhân văn hiện thực trong di cảo thơ của chế lan viên (Trang 137)