Đau xót, cảm thương nỗi đau chiến tranh

Một phần của tài liệu giá trị nhân văn hiện thực trong di cảo thơ của chế lan viên (Trang 37)

Heinrich Boll nhận định về vận mệnh nhân loại từ thế kỉ XX: “Trái đất này không còn là trinh nguyên và vô tội và không bao giờ nó được bình yên.” [20, tr.11]. Chiến tranh là bi kịch lớn nhất của nhân loại trong thế kỉ XX. Nhiều thi sĩ xem việc viết về

tài chiến tranh là sứ mệnh cả đời thơ. Di cảo thơ của Chế Lan Viên, dẫu ra đời thời hậu chiến, vẫn in đậm dấu ấn chiến tranh. Thơ chiến tranh trong Di cảo mang nỗi đau của hơn một triệu bộ đội hi sinh, hai triệu dân thường thiệt mạng và vài triệu người gánh chịu tội ác chất độc màu da cam. Cảm hứng về nỗi đau minh chứng cho lí tưởng nhà thơ: “Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể”. Quả thật, nỗi đau luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt, miên viễn của những thi nhân theo đuổi giá trị nhân văn hiện thực muôn thuở.

Nỗi đau chiến tranh thể hiện trực tiếp và da diết nhất là ở trẻ thơ vô tội. Chế Lan Viên thấu cảm tận cùng nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn của những nạn nhân bé bỏng qua giọng thơ vừa trìu mến vừa phẫn uất: “Vì đâu? Vì đâu?/ Trước giáo đường giăng giăng đôi cánh thiên thần/ Lại có em bé này/ Gãy mất một chân?/ Mẹ em chết bom/ Em gọi đến nghìn lần/ Mẹ không thể đến/ Làm chân em mọc lại” (Tiếng nạng tre gõ vào mặt đất). Qua sự hiện hữu côi cút, thương tổn của em nơi thiên đường bình yên,

Chế Lan Viên còn gián tiếp thể hiện bản cáo trạng không lời mà đanh thép phán quyết tội ác chiến tranh khôn cùng. Chiêm nghiệm nỗi đau, Chế nâng thành triết lí: “Tất cả

các trận đánh bắt đầu thế ấy/ Tất cả chiến công khởi đầu như vậy,/ Đâu phải bằng lời kêu gọi của một nhà thơ nào trái tim như gió bão/ Đâu phải bằng lời hiệu triệu của một vị tướng nào mơ chiến trận/ Mà chính bằng sự lặng im của một vết thương”. Nhà

thơ rút ra qui luật của mọi cuộc chiến: bi kịch chiến tranh đâu chỉ ở mất mát, hi sinh mà còn ở mối tương quan giữa mất mát với chiến công, hi sinh với chiến thắng. Vì chiến thắng phải là kết luận cho mọi cuộc chiến của nhân loại tham tàn, nên hiển nhiên hi sinh gánh vác vai trò điều kiện. Cùng viết về chiến tranh, Nazim Hitmet xây dựng tứ thơ sáng tạo, nhân tình: một em bé chết bom ở Hirôsima gõ cửa mọi nhà xin chữ kí để trẻ thơ không còn chết oan uổng, để các em được ăn kẹo. Hai nhà thơ đưa vấn đề chính trị lớn lao qua cửa ngõ tình cảm đã tác động mạnh đến cả cảm xúc lẫn nhận thức của người đọc về nỗi đau chiến tranh.

Khi chiến tranh kết thúc sự hiện diện vô nghĩa thậm chí âm nghĩa trong thế kỉ XX, hòa bình lên ngôi, nhà thơ có điều kiện trải nghiệm cuộc sống yên bình nhưng với tâm hồn chẳng bình yên trọn vẹn. Đến châu Âu một chiều “thanh bình”, nhà thơ

Bỗng dưng tôi nghĩ đến những nắm xương Trường Sơn Không người lượm nhặt

Những anh hùng đến chết vẫn vô danh

(Chiều châu Âu)

Bên cạnh nỗi đau hi sinh không thể tránh vì chiến tranh, là nỗi đau vì người thụ hưởng thành quả không “lượm nhặt” khỏi chiến địa thương đau kí ức một thời, để mang về vùng hậu chiến bình yên “chôn cất”. Từ đây, Chế rút ra triết lí: “Những anh hùng đến

chết vẫn vô danh”. Nỗi đau không đóng khung trong phạm vi cuộc chiến mà đóng dấu

vào cả lẽ nhân tình thế thái. Nhà thơ nâng nỗi đau chiến tranh thành nỗi đau về sự lãng quên chung cho nhân loại. Biểu hiện về nỗi đau trong giá trị nhân văn hiện thực không dừng ở một thời mà vươn thành vấn đề muôn thuở.

Ở bài thơ khác, viết tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, năm 1984, khi chiến tranh đã lùi xa, Chế Lan Viên tiếp tục khơi sâu bi kịch vô danh của những anh hùng một thuở: “Hàng nghìn mộ cát vô danh, vô danh, vô danh” (Mộ cát vô danh). Nhà thơ

chọn viết về nỗi đau chiến tranh ở một khía cạnh nhạy cảm là bi kịch vô danh: vô danh tập thể, vô danh thế hệ. Nhiều bài thơ khai thác hậu quả chiến tranh chỉ tập trung thể hiện chiến thắng vẻ vang, chiến bại cao thượng, chiến tình lãng mạn, mà bỏ quên nỗi đau riêng tư nhưng rất Người này. Giá trị nhân văn hiện thực không tôn vinh con người theo hướng lí tưởng hóa, toàn vẹn hóa mà khắc họa chân thực, sống động thế giới nội tâm theo hướng hướng thượng. Ở đây, nỗi đau vô danh tồn tại cũng vì con người khát khao được sống trọn vẹn và chất lượng với đời.

Nỗi đau chiến tranh còn có những góc mặt sắc sảo và tế vi hơn. Chế Lan Viên mạnh dạn, mạnh lòng cất lên tiếng nói mới mẻ, sâu sắc về những biến thể tinh vi của nỗi niềm chiến cuộc. Đó là nỗi nhớ “thằng bạn cùng quê” trong bài Tái ngũ với lời “Hẹn đánh xong giặc về/ Cùng tắm sông một bữa” vậy mà “Tao đã về rồi đó/ Mộ mày còn trong kia.”. Phản ánh niềm đau một cá nhân, nhà thơ dựng nên cả khối đau của

thời đại, dân tộc: nỗi đau chia li, mất mát. Đọc những vần thơ chiến tranh trong Di cảo lại càng thấm thía qui luật nghiệt ngã: giới lãnh đạo già tuyên bố chiến tranh nhưng chính giới trẻ là người phải chiến đấu và chịu chết. Xét cho cùng, xuất phát điểm và

đích đến của mọi tác phẩm về chiến tranh cũng là để phản ánh và sẻ chia cùng những nỗi đau vừa mang tính thời đại vừa mang tính cá nhân này.

Mở rộng đề tài về bi kịch chiến tranh nơi tuổi trẻ, nhà thơ đi sâu khai thác tâm trạng những chàng trai Hà Thành hào hoa khi tham gia chiến trận: “Gác Khuê Văn cây

đại trụi trần/ Bia Văn Miếu cỡi rùa, những chàng trai không về thăm nữa/ Phong lan ơi, hãy nở dài lâu trên mộ họ/ Cho giữa Trường Sơn này quên được rùa và gác Khuê Văn.” (Trai Hà Nội giữa Trường Sơn). Một thời, thơ ca tránh viết về tâm sự riêng tư,

cá biệt của những thanh niên trí thức, tiểu tư sản. Những câu thơ kiểu “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” (Quang Dũng) giàu giá trị nhân văn hiện thực có số phận long

đong và khiến người sinh thành ra nó cũng lận đận không kém. Còn hiện tại, Chế Lan Viên có quyền, quan trọng hơn, có trách nhiệm với lịch sử, lòng người, nói tiếng nói nhân văn, hiện thực và nhân văn hiện thực nhất về sự thật trọn vẹn của tâm hồn thời chiến. Giá trị nhân văn hiện thực cho phép công nhận những mơ ước giản đơn, chân thành ấy là vẻ-đẹp-Người. Bởi không gì đẹp hơn con người và những điều thuộc về con người do phạm trù cái đẹp chỉ tồn tại nhờ, cho và vì con người. Từ ý niệm nhân văn rất hiện thực ấy, những vần thơ Di cảo chạm thấu tận sâu nỗi đau chiến trận.

Không chỉ chú tâm đến những nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến, trong Di cảo,

Chế Lan Viên còn viết về những người ở lại với ám ảnh khôn nguôi vì di tích chiến tranh: “Hai mươi năm trời chiến tranh giữa hơi bom và hơi máu, giữa tình thương và

nỗi hận thù chất ngất/ Bây giờ từng ngón tay ngỡ như trực giác/ Cái giác quan mơ hồ mà khá rõ/ Trong bóng tối, không đèn, chỉ có lửa bom/ Anh sờ các vết thương, các hơi thở và phân loại rất rành.” (Phân loại). Nhà thơ tỏ ra tinh tế và nhạy cảm khi khắc

họa cái “rất rành”, chuyên nghiệp, đã thành kĩ năng và bản năng ấy. Nếu ở thời chiến, đó là điểm cộng vì giúp thời thế xoa dịu nỗi đau để kịp vững lòng chiến đấu, thì đến thời bình, đây là nỗi ám ảnh ma mị, rợn người nơi bàn tay, cõi lòng người ở lại. Đây không chỉ là nỗi đau, nỗi nhớ đồng đội quá vãng. Đây còn là nỗi bàng hoàng, ghê sợ trước tội ác bệnh hoạn, phi nhân của chiến tranh. Giọng thơ tưởng tỉnh táo, khô ráo, thực chất nén chặt cuộc khủng hoảng tinh thần, nó ướt sũng nỗi sợ rất Người, chữ “Người” đúng nghĩa viết hoa. Bi kịch chiến tranh là vì trách nhiệm cuộc chiến, con người đôi khi phải tập quên trách nhiệm Con Người. Họ bình tĩnh trước cái chết, tỉnh

táo trước nỗi đau, nhưng khi đi qua bom đạn, nhìn về, mới nhận ra, dù bởi khách quan thời cuộc, nhưng sự bình tĩnh và tỉnh táo kia vẫn là tội ác, ít nhất là với chính tâm hồn còn ý thức Người của họ. Tổn thất chiến tranh quá lớn khiến mất mát, đau thương thành hiển nhiên, mặc định. Phủ nhận mệnh đề vô lí và vô nhân, những vần thơ Di cảo của Chế Lan Viên in đậm giá trị nhân văn hiện thực.

Như vậy, dù được viết ở thời hậu chiến, Di cảo thơ vẫn dành riêng một mảng cho đề tài chiến tranh với cách cảm – nghĩ đặc trưng của Chế Lan Viên, cũng như in đậm dấu ấn suy tư vào cuối đời của nhà thơ. Những bài thơ về nỗi đau chiến trận trong Di cảo ra đời khi chiến tranh lùi xa, bản chất toàn diện của nó bộc lộ, vì vậy nhà thơ cảm

và nghĩ rất sâu sắc, trọn vẹn. Đồng thời, nỗi đau ở đây không chỉ mang tính thời đại mà còn lồng ghép niềm đau muôn thuở kiếp người bởi chúng được soi rọi từ cảm quan của một người đang trăn trở bởi thời gian và ám ảnh vì cái chết. Như vậy, nét riêng về nỗi đau chiến tranh biểu hiện trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên là vừa mang tính thời đại vừa mang tầm nhân loại. Chạm đến nhiều góc cạnh nỗi đau chiến tranh, Di cảo thơ như “trầm thơm ngát”, như “ngọc sau cùng” dậy hương và ánh ngời giá trị nhân văn hiện thực cao vợi, sự cao vợi bám chặt thực tại và lòng người.

Một phần của tài liệu giá trị nhân văn hiện thực trong di cảo thơ của chế lan viên (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)