Thơ vừa là tiếng nói chân thực, sống động, tinh lọc của đời sống hiện thực; vừa là tiếng hát bay bổng của trí tưởng tượng kì diệu; vừa là tiếng nói tình cảm của con tim dạt dào xúc cảm. Trong Di cảo, giọng điệu trữ tình đằm thắm không hiếm. Bởi bên
cạnh một Chế Lan Viên sắc sảo, cá tính là một Chế giàu tình cảm, nhạy cảm, nhân hậu. Thật ra, đó cũng là nền tảng tính cách của nhà thơ, nó như phần chìm của tảng băng mà ta ít nghĩ đến vì bị phần nổi là tư duy triết lí, đối thoại che khuất. Giọng thơ trữ tình đằm thắm thường xuất hiện trong những bài thơ thiên về địa hạt tình cảm.
Đó là giọng thơ đượm buồn, hoài nhớ khi nhà thơ ngóng vọng kỉ niệm tuổi thơ:
“Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!/ Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!” (Nhớ tuổi thơ),
về những người thân nay đã thành quá vãng (Chị Ba). Viết về kỉ niệm cùng những
người bạn đời, bạn văn, giọng điệu trữ tình đằm thắm này cũng chảy tràn và thấm đẫm tình cảm (Gửi Trạng Thông họ Hoàng). Riêng về cái đẹp tình yêu và thiên nhiên, nhà
thơ viết bằng cả giọng trìu mến, yêu thương, ấu yếm (Li biệt ngày nay, Hoa chạc chiều, Hương tỉnh nhỏ, Mưa đêm, Tiếng ve, Chẳng ít chẳng nhiều)… Sự trìu mến
được thể hiện qua cách xưng gọi anh - em, qua những hình ảnh bình dị, gần gũi mà thanh khiết, giàu mĩ cảm, qua những từ cảm thán (chao ôi nhớ, cuộc đời rất tuyệt…). Những tính từ mang cảm thức thẩm mĩ (vang ngân, cháy đỏ mùa yêu…) được khai
thác triệt để. Bên cạnh đó, những bài thơ viết về tâm sự với nghề, với đời cũng có một số bài giọng thơ đầy trữ tình và đằm thắm. Đó là khi nỗi buồn lắng thành trầm tích, nỗi ngậm ngùi tan quyện trong mỗi ý mỗi hình, khi con người đành cúi đầu câm lặng, bất lực trước nghiệt ngã cuộc đời. Nhìn chung, trong những trường hợp giọng thơ trữ tình đằm thắm, chất trí tuệ, triết lí lui về phía sau nhường chỗ cảm xúc chảy tràn. Giá trị nhân văn hiện thực trong trường hợp này là tình yêu sâu nặng, trìu mến với con người, cuộc đời; là nỗi đau không lên gân mà chùng xuống để lại nhiều khoảng lặng.