Bản chất của giá trị nhân văn hiện thực

Một phần của tài liệu giá trị nhân văn hiện thực trong di cảo thơ của chế lan viên (Trang 27)

Trước khi đi sâu tìm hiểu bản chất giá trị nhân văn hiện thực, sẽ là cần thiết khi xem xét sơ lược yếu tố hiện thực với tư cách như thành tố kết hợp hữu cơ cùng giá trị nhân văn tạo nên giá trị nhân văn hiện thực, chứ không phải sự lắp ghép máy móc cấu thành thuật ngữ kép đơn thuần.

Hiện thực vốn là đối tượng phản ánh và tiếp nhận muôn thuở của mọi ngành khoa học và nghệ thuật. Tất nhiên mỗi lĩnh vực tiếp nhận địa hạt không cùng này ở khía cạnh và mức độ khác nhau tùy vào sứ mệnh, đặc trưng và khả năng của ngành mình. Với văn học, hiện thực được khai thác dựa vào hệ qui chiếu bất dịch, là con người, hạt nhân của đời sống và cũng là đối tượng trung tâm của văn học.

Mỗi nhà văn có quan niệm về hiện thực đặc trưng. Những quan niệm này được trình bày trực tiếp ở tuyên ngôn nghệ thuật, lời phát biểu, hoặc gián tiếp lồng ghép vào đứa con tinh thần thông qua mọi yếu tố cấu thành tác phẩm như nhân vật, cốt truyện, hình ảnh... Trong số các quan niệm về hiện thực, nhận định của Hồ Chí Minh súc tích, xác đáng như chân lí: hiện thực là “những vấn đề mình phải giải quyết, là mâu thuẫn của sự vật” [46, tr.63]. Theo định nghĩa này, bản chất quá trình phản ánh hiện thực là hướng vào những vấn đề “mình” phải giải quyết. “Mình” ở đây trước hết là bản thân người phản ánh, sau nữa là đại diện cho tập thể, giai cấp, tầng lớp, đất nước và đồng loại của người phản ánh. Như vậy, hiện thực phải được quan niệm trong nhận thức của chủ thể con người. Đi sâu hơn, quá trình nhận thức hiện thực phải xuất phát từ mong mỏi cải tạo hiện thực, từ đó tích cực hóa vấn đề tiêu cực trong thực tại đời sống. Cảm hứng về hiện thực, khái quát hơn là sự thật, luôn là nguồn cảm hứng bất tận và sứ mệnh bất diệt của văn học. “Sự thật là chân lý, đồng thời là công lí” [46, tr.18] của mọi thời đại và mọi xã hội. Sứ mệnh của người nghệ sĩ là “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” [80].

Như đã trình bày, bản chất chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa là chú trọng giải phóng từng cá nhân cùng với giải phóng nhân dân, nhân loại. Từ cơ sở lí luận này, chủ nghĩa nhân văn hiện thực trong văn học đề ra sứ mệnh đấu tranh giải phóng con người

thoát khỏi vây hãm, áp bức, từ đó xác lập, phát triển tự do của mỗi người với tư cách cá nhân - cá thể trong mối quan hệ với cộng đồng, xã hội. Không chỉ vậy, chủ nghĩa nhân văn hiện thực còn khẳng định những giá trị toàn năng của con người, đề cao con người với tư cách con người chân chính.

Khắc phục hạn chế của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, chủ nghĩa nhân văn hiện thực khẳng định sự thống nhất và tác động biện chứng giữa cá nhân và xã hội. Từ đó nó hướng tới hoàn thiện và phát triển nhân cách con người mới. Như vậy, những đặc điểm nội dung của chủ nghĩa nhân văn hiện thực gắn liền với toàn bộ quá trình xã hội, với sự cải biến xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ bản chất, chủ nghĩa xã hội gắn chặt với chủ nghĩa nhân văn hiện thực, như quan niệm của C.Mác rằng chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa xã hội thống nhất với chủ nghĩa nhân đạo.

Tóm lại, bản chất của chủ nghĩa nhân văn hiện thực là vấn đề con người, hướng đến sự tồn tại có ý nghĩa và viễn cảnh tương lai đầy hứa hẹn. Vì vậy, mục đích của chủ nghĩa nhân văn hiện thực không nhằm phát triển năng lực phản kháng của con người mà quan trọng là hướng đến phát huy năng lực bản chất con người. Chủ nghĩa nhân văn hiện thực đích thực phát triển tối đa tất cả khả năng có trong con người, xem sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Chủ nghĩa nhân văn hiện thực luôn chủ trương tạo điều kiện cần thiết để phát triển tối đa khả năng vốn có trong con người, đặc biệt là khả năng thể hiện mình như là một lực lượng bản chất của con người. Năng lực bản chất đó chính là sự hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Vì vậy, từ bản chất chung của chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa nhân văn hiện thực đi sâu xác lập bản chất đặc thù là sự phát triển tự do của mỗi cá nhân gắn liền với sự phát triển tự do của toàn xã hội, sự phát triển dựa trên nền tảng năng-lực-Người.

Một phần của tài liệu giá trị nhân văn hiện thực trong di cảo thơ của chế lan viên (Trang 27)