Vai trò của giá trị nhân văn hiện thực

Một phần của tài liệu giá trị nhân văn hiện thực trong di cảo thơ của chế lan viên (Trang 35)

Đại văn hào Nga L.Tolstoi quan niệm văn học phân chia làm hai loại là văn học chính trị và văn học vĩnh cửu. Nếu văn học chính trị mượn hình thức văn học để phục vụ mục tiêu chính trị nhằm đáp ứng lợi ích nhất thời của xã hội thì văn học vĩnh cửu phản ánh những lợi ích vĩnh hằng, chung cho loài người, phản ánh ý thức ở những mặt thầm kín nhất, quý giá nhất của nhân dân và mọi thời đại, đó cũng là loại văn học không có nó thì không một nhân dân nào có sức sống và nhựa sống có thể phát triển được. Như vậy, với văn học vĩnh cửu, hiện thực trước hết chính là lòng người, là thế giới tâm hồn con người trong đời sống tâm lí hằng ngày lẫn những tầng suy nghiệm sâu thẳm. Mục đích chủ yếu của nghệ thuật là thể hiện, diễn tả sự thật về tâm hồn con người, những điều bí ẩn không nói ra được bằng lời lẽ đơn giản. Nghệ thuật như kính hiển vi mà người nghệ sĩ đem soi vào những bí ẩn của tâm hồn mình rồi trình bày thành bí ẩn chung cho tất cả mọi người. Dựa vào quan niệm về văn học vĩnh cửu của L.Tolstoi, nền văn học mang giá trị nhân văn hiện thực là sự hiện thực hóa nền văn học vĩnh cửu. Với những biểu hiện phục vụ toàn vẹn, sâu sát cho tất cả lợi ích từ thiết

thực đến tế vi nhất của con người, giá trị nhân văn hiện thực đảm nhiệm vai trò chìa khóa vạn năng chinh phục giá trị vĩnh cửu cho mọi nền văn học.

Một trong những chức năng quan trọng làm nên nét đặc trưng của văn học so với báo chí là chức năng giáo dục. Nếu báo chí chú trọng thông báo, công bố sự thật thì văn học tập trung giáo dục, rèn luyện năng lực cảm nhận sự thật. Tiến xa hơn, từ nền tảng sự thật ấy, văn học còn đặt mục tiêu hướng con người đến cái thiện và cái đẹp, tưc những giá-trị-Người tiêu biểu.

Nền văn học chân chính, thấm nhuần tư tưởng nhân văn hiện thực còn chủ trương tái hiện nhịp điệu đời sống nhằm tạo lập sự hài hòa cho cuộc sống con người, đó là sự hài hòa của con người với tự nhiên và xã hội, giữa con người và bản thân nó. Nền nghệ thuật càng thấm nhuần tinh thần nhân văn hiện thực chân chính càng có ý nghĩa toàn nhân loại. Không có chủ nghĩa nhân văn hiện thực ngoài con người, xã hội, nhân loại. Với bản chất nhân tình, tiến bộ và thiết yếu như vậy, có thể khẳng định, không có chủ nghĩa nhân văn hiện thực thì không có sự phát triển chân chính cho con người nói chung và cho tiến bộ nghệ thuật nói riêng. Bởi lẽ, xét cho cùng, không có hạnh phúc và sự phát triển của từng cá nhân thì không thể xây dựng xã hội hài hòa, bền vững. Chủ nghĩa nhân văn hiện thực đóng vai trò bảo vệ, bênh vực lợi ích của từng cá nhân lẫn toàn xã hội. Vốn dĩ mục đích cuối cùng của tiến trình xã hội cũng như nghệ thuật cốt yếu là làm cho thế giới trở nên Chân – Thiện – Mĩ hơn. Như vậy, giá trị nhân văn hiện thực phải là giá trị tiên phong phụ vụ lợi ích con người.

Giá trị nhân văn hiện thực còn đóng vai trò thúc đẩy tiến bộ cho mọi nền văn nghệ. Nền nghệ thuật theo định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nền nghệ thuật tiến bộ được phát triển trong tinh thần dân chủ và nhân văn. Như vậy, chủ nghĩa nhân văn hiện thực là tiêu chuẩn, thước đo cao nhất cho những giá trị nghệ thuật; là tiêu chí quan trọng nhất, giá trị bền vững và phổ biến nhất xác định sự tiến bộ nghệ thuật. Ảnh hưởng của giá trị nhân văn hiện thực trong tác phẩm đối với xã hội càng lâu dài bao nhiêu thì tác phẩm càng tiến bộ bấy nhiêu. Chủ nghĩa nhân văn hiện thực là mục đích, tôn chỉ, ý nghĩa cao cả bậc nhất của nghệ thuật và mĩ học.

Chương 2. NỘI DUNG BIỂU HIỆN GIÁ TRỊ NHÂN VĂN HIỆN THỰC TRONG DI CẢO THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN

Soi chiếu lí luận về biểu hiện chủ nghĩa nhân văn hiện thực vào ba tập Di cảo thơ của Chế Lan Viên, bằng thống kê khoa học và cảm nhận thơ ca, chúng tôi nhận thấy, giá trị nhân văn hiện thực trong Di cảo thơ được thể hiện ở năm nội dung chủ yếu là thái độ đa chiều đối với chiến tranh, thái độ đa chiều đối với thực tại, khơi dậy vẻ-đẹp- Người từ những vấn đề quá khứ và tương lai, suy nghiệm những vấn đề thuộc bản chất con người, gửi gắm tâm sự cá nhân. Mỗi nội dung có những biểu hiện riêng nhưng đều đồng qui làm rõ cho giá trị nhân văn hiện thực.

Một phần của tài liệu giá trị nhân văn hiện thực trong di cảo thơ của chế lan viên (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)