Càng nhức nhói trước nỗi đau chiến tranh lại càng căm phẫn bởi tội ác của thực trạng phi nhân này. Những bài thơ về nội dung này không nhiều nhưng mỗi bài là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác khôn cùng của chiến tranh. Một trong những biểu hiện tiêu biểu của giá trị nhân văn hiện thực là tố cáo cái ác để bênh vực con người. Tính xung kích của văn chương thể hiện tập trung trong nội dung này.
Trong ba tập Di cảo thơ, CalleySơn Mỹ tháng 3-68 thể hiện đanh thép và dài hơi nhất về sự tàn nhẫn của chiến tranh. Mặc “Phán quyết nọ, phủ quyết kia”, “Tên sát nhân Calley vẫn tự do tại ngoại/ Lên giảng đại học đường 2.000 đô-la một buổi”, dù
hắn đã “Giết 500 mạng người, kỷ lục ấy mấy ai đạt tới”. Chế Lan Viên, với giọng thơ sắc sảo, phơi bày bản chất âm nhân tính của một Calley cụ thể và bao Calley tượng trưng. Nhà thơ tố cáo tội ác hàng loạt của một tên Calley và một lũ Calley lấy tội ác làm niềm vui, giết người làm “nghệ thuật”, máu người làm cơn “say”: “Nước Mỹ giàu, đừng tính toán đăm chiêu/ Khi bắn, cứ xem như đang cầm trong tay bạc tỷ”. Lũ
Calley có cả chiến lược giết đồng loại phân thứ cấp hẳn hoi, bài bản: “Đại úy giết xa/
Trung úy giết gần/ Thiếu tướng giết từ trực thăng/ Hay đầu kia điện thoại/ Tổng thống giết quá tầm”. Những câu thơ hiện thực tận cùng và nhân văn tuyệt đỉnh:“Giết cộng sản hai chân đâu phải giết người?”, “Giết người gần gặn khoái tay chân”, “Trăm mạng rồi mà sao chửa bốc?”… Từ đau, Chế Lan Viên đúc kết triết lí về bản chất tội
ác đế quốc: “Ôi! Ta sinh vào thế kỷ mà tội ác đế quốc lõa lồ không che giấu/ Tội ác
như con đĩ trần truồng đem của báu/ Ra khoe”.
Không chỉ trực tiếp phơi bày tội ác chiến tranh, Chế Lan Viên còn hình tượng hóa thông qua cặp phạm trù đối lập trong triết học. Nhà thơ băn khoăn về sự đối xứng giữa B52 và “sinh mệnh trẻ em”, giữa “lửa thiêu nghìn độ” và “các cánh tay người”
(Đối xứng). Với lòng căm phẫn mãnh liệt cùng nỗi đau, tình thương dân nước tha
thiết, nhà thơ “kết duyên” cặp hình tượng “vừa lứa xứng đôi”: “súng” và “đỉnh sọ quân thù”. Cách thể hiện lòng căm thù đặc trưng cho phong cách Chế Lan Viên: cá tính, sắc sảo và có phần gai góc. Càng về cuối đời, cá tính ấy càng cô nén đến cực độ nên bật thành bản án sắc mạnh tuyên xử tội ác vô song của chiến tranh.
Giả như tội ác dã man khiến con người hi sinh và được vinh danh về lòng tốt, thì nhìn trọn vẹn, nó cũng góp phần giúp cái tốt tỏa sáng, ít ra là đóng góp cho địa hạt triết học một vế trong cặp phạm trù đối lập. Tuy vậy, thâm hiểm, cay độc hơn, cái ác còn lôi cái tốt về phía nó, đồng hóa thành nó. Khi đó “rắn rết” thắng “rồng phượng”, “ác
quỷ” giết “thiên thần” (ý văn Nguyễn Minh Châu). Tội ác chiến tranh còn thể hiện ở
nội dung nhạy cảm này mà văn học một thời lẩn tránh. Chế Lan Viên mạnh dạn, thẳng thắn phơi bày với sự cảm thông thẳm sâu, bởi xét cho cùng “Thịt da ai cũng là người/ Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau” (Nguyễn Du). Chế Lan Viên miêu tả hàng loạt nghịch lí bí ẩn về thời gian, không gian tồn tại nơi Đơn vị ở Côn Sơn: “Đơn vị đo
lường ở đây chỉ có bọn giết người và người bị giết biết thôi/ Thời gian không phải năm tháng phút giây…”, “Không gian ở đây không phải núi rộng, sông sâu, lộ trình dài dặc”. Vậy không - thời gian được đo bằng đơn vị gì? Nhà thơ chua xót nhận ra nó
được tính bằng sự thâm độc của kẻ thù và khoảng chênh giữa anh hùng - hèn nhát, cao thượng - đớn hèn của người tù. Thời gian được đo “bằng nháy mắt, chặt lưỡi, đưa tay…”. Thời gian nhanh trong cái “Nháy mắt nhảy vào cái chết”, thời gian vừa trong
cái “Chặc lưỡi đầu hàng”, thời gian chậm trong cái “Đưa tay xin không còn là người
trinh trắng nữa…”. Thời gian được đo bằng sự quyết tâm hay chần chừ bảo vệ đến
cùng hay nửa vời nhân tính ở hoàn cảnh khắc nghiệt, thử thách. Còn không gian được đo bằng “bàn tay”. Dài thì “Nhích lên một bước lấy thân mình che bạn,”, ngắn thì “Lùi một ly tránh dùi cui/ Dành cái sống cho mình, mặc bạn chịu đòn chôn xác hàng Dương!”. Không gian được tính bằng khoảng cách con người tiến đến vươn lên cao
thượng hay lùi lại rơi xuống thấp hèn. Mà nghiệt ngã thay, tiến lên đến “một bước”
mà lùi lại chỉ “một ly”, “rồng phượng” khó với bao nhiêu thì “rắn rết” dễ chạm bấy nhiêu. Tác giả còn nhận ra hai đơn vị thời gian - không gian ở đây đối nghịch về độ ngắn dài và tương quan tốt xấu. Nếu thời gian càng ngắn, quyết định càng dứt khoát thì nhân tính càng có khả năng giữ vẹn và ngược lại. Trong khi, không gian càng ngắn, cám dỗ khiến con người đánh mất mình càng cao và ngược lại. Diễn tả qui luật chua xót tung hoành ở Côn Sơn, Chế Lan Viên không có ý phê phán những người đồng lõa với thời gian dài và không gian ngắn, bởi với trái tim ấm áp nhân văn và khối óc tỉnh táo hiện thực thì việc hiểu trọn, cảm sâu lựa chọn của người tù là hiển nhiên. Bài thơ ngậm ngùi vọng vang như lời tố cáo sâu sắc, thâm trầm tội ác hiểm độc của chiến tranh. Nó không chỉ cướp máu mà còn bắt hồn người, lôi về cùng phe nó. Tác phẩm văn chương mang giá trị nhân văn hiện thực không trốn tránh mà trực diện nhận thức, phản ánh hạn chế trong hồn người, bởi đó là sắc vẻ hiện thực và chân thực nhất thuộc về con người. Một khi đã nhận cảm được khuyết điểm con người, thơ ca sẽ có cách hướng con người đến giá trị nhân văn, đến Chân - Thiện - Mĩ để hoàn thiện bản thân ở vị thế con người trần thế đích thực: vừa hiện thực tột cùng vừa nhân văn tột đỉnh.
Đi sâu hơn, nhà thơ còn thấu nhận tội ác chiến tranh tồn tại ở cả thời bình. Nó không tắt lịm khi tiếng súng cuối cùng vang lên mà “di căn” đến tận cùng xương tủy thân phận toàn dân tộc và mỗi người dân. Sau cuộc chiến, người ở lại “đi nhặt từng đốt xương cho viện bảo tàng” để rồi“Nhớ năm đói mẹ bế anh về vùng than xứ bể/ Giá mạng người thua một xẻng than” (Nhặt xương). Chỉ có tội ác chiến tranh mới làm đảo
ngược dại cuồng giá trị người - vật như vậy. Mà thật ra, cũng vì quan niệm tham dại về giá trị người - vật nên mới có chiến tranh. Đó là vòng lẩn quẩn của vô minh, tàn ác.
Bản án không dừng ở sự phán quyết nợ máu mà còn đào sâu lên án hiện trạng phi nhân tính, phản nhân văn khi triệt tiêu, hoại diệt giá trị con người.
Thơ phải làm cho người ta không còn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người như ý Tố Hữu. Những bài thơ về đề tài chiến tranh trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên nặng trĩu tình người, nỗi đời. Chúng từ đời đau thấm vào lòng đau nên nồng đượm nhân văn, ngồn ngộn hiện thực. Giá trị nhân văn hiện thực lan tỏa khắp những vần thơ chiến trận trong Di cảo. Đây là minh chứng cho sự vận động trong tư tưởng Chế Lan Viên giai đoạn cuối đời. Không phi thực như thuở Điêu tàn, chẳng lí tưởng như thời Ánh sáng và phù sa…, Di cảo thơ in đậm tâm tình, suy tư về tình đời, lòng người.
Thấu tận nỗi đau và tội ác chiến tranh, Di cảo không vì vậy mà bi quan, tuyệt
vọng. Từ đau, nhà thơ dâng đời những vần thơ “có ích”. “Câu thơ đẹp là câu thơ có ích/ Uống tự nguồn những suối ban mai.” (Tế Hanh). Những câu thơ của Chế Lan Viên đẹp, có ích không chỉ bởi “uống tự nguồn những suối ban mai” thi vị mà còn vì khơi nguồn từ hiện thực ngồn ngộn, đẫm đời. Sức sống một nền thơ chính ở chỗ nói được bộ mặt và cõi lòng của thời đại nhất định. Từ sức mạnh nội tại thơ mình, Chế Lan Viên truyền sức cho cả nền thơ.