Văn chương là thiêng mệnh với cuộc đời. Trong sứ mệnh thiêng liêng ấy, có “Hai trách vụ khả dĩ làm nên sự cao quý cho nghề văn: phục vụ chân lý và tự do.” (Albert Camus - Diễn từ nhận giải Nôben) [20, tr.73]. Nếu xem đây là qui luật, thơ Chế Lan Viên nói chung, đặc biệt là Di cảo thơ, mang phẩm giá cao quí của văn chương. Nhiều vần thơ Di cảo sâu hoáy lẽ suy tưởng về vấn đề thuộc bản chất người. Đọc Di cảo, ta
gặp nhiều câu thơ có tính châm ngôn, triết lí: châm ngôn “độc sáng” mà hiện thực, triết lí sâu vợi mà gần gũi, có điều, chúng được nhà thơ thể hiện sắc sảo như một phát kiến. Với Chế, “Khi lòng yêu đến đau thì thành trí tuệ tuyệt vời.”, hành trình suy tưởng là cách ông “hiểu cho hết cái đau của cuộc đời”; để rồi, “Như những tình yêu tan rồi,
chỉ còn nỗi đau đọng lại” ở chất muối suy tưởng mặn mòi. Bởi thế, suy tưởng trong Di cảo thơ không phải là điểm trang bề nổi mà là phẩm chất nội tại của tư duy thơ. Cũng
nhờ khai phá khái quát từ cụ thể, chân lý từ hiện tượng, nên chiều sâu hiện thực trong thơ Chế Lan Viên không bị giới hạn và tự giới hạn. Triết lí đã là bản năng thơ Chế, nhưng bản năng này chuyển biến đáng kể từ thuở Điêu tàn đến thời Di cảo: vận động từ triết lí siêu hình đến triết lí nhân văn hiện thực. Thời Điêu tàn bế tắc với suy nghiệm về lẽ hủy hoại của con người và thời gian. Sau 1954, triết lí hòa loãng cùng chất đối
thoại với cuộc đời, thời đại, nhân loại. Đến Di cảo, triết lí đằm sâu nơi lẽ thường hằng của phận người muôn thuở, khi nhân vật lui về bề sâu suy tư, dằn vặt, tự vấn, rồi tự tranh luận, kiến giải, đề xuất. Anh ta không dừng ở hoàn cảnh nhất định mà không ngừng vươn đến khám phá tận cùng bản chất hiện tượng. Bởi thế, cái tôi trữ tình Di cảo luôn vận động theo chuyển động triết lí của vấn đề chứ không theo hướng phát
triển tự thân của hiện tượng. Vì thế, “Tìm hiểu suy tưởng trong thơ Chế Lan Viên chính là tìm hiểu tư duy nghệ thuật của ông, tìm hiểu những vấn đề triết học nhân sinh, lịch sử thời đại, thế thái nhân tình mà thơ ông phản ánh.” [57, tr.22]. Có trách nhiệm cao độ với cuộc đời và nghệ thuật, Chế say sưa suy nghiệm mọi lẽ đời và thơ. Mạch thơ này khơi hoài không tận. Nhiều nhà nghiên cứu tâm đắc với địa hạt triết lí thơ Chế Lan Viên, có thể kể những tên tuổi như Đoàn Trọng Huy, Hồ Thế Hà, Nguyễn Bá Thành… với các công trình công phu và nhiều đóng góp. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đi sâu tìm hiểu nội dung suy nghiệm những vấn đề bản chất người thể hiện sâu sắc giá trị nhân văn hiện thực trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên.