Khái niệm cạnh tranh và các hình thái cạnh tranh

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh Việt Nam (Trang 29)

3. Những vấn đề được nghiên cứu trong luận án

1.1.1.Khái niệm cạnh tranh và các hình thái cạnh tranh

a. Khái niệm cạnh tranh

Khái niệm cạnh tranh với tư cách là một hiện tượng kinh tế, xuất hiện và tồn tại như là một trong những đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường, phản ánh năng lực phát triển của kinh tế thị trường. Với cách tiếp cận này, Từ điển Kinh doanh của Anh năm 1992 đã định nghĩa “Cạnh tranh là sự ganh đua, sự kình địch giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm tranh giành cùng một loại tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình”. Từ điển Luật học cũng giải thích “cạnh tranh là sự đua tranh về kinh tế giữa các nhà kinh doanh có những lợi ích giống nhau trên cùng thị trường bằng các phương thức khác nhau để giành được nhiều nhất về phía mình khách hàng, thị trường và thị phần của một thị trường qua đó thu lợi nhuận nhiều hơn [33]”.

Theo quan điểm trên, xét từ góc độ các chủ thể của hành vi thì cạnh tranh được coi là phương thức giải quyết mâu thuẫn về lợi ích tiềm năng giữa các nhà kinh doanh với vai trò quyết định của người tiêu dùng. Nếu nhìn khái quát trên quy mô toàn xã hội, thì cạnh tranh là phương thức phân bổ các nguồn lực, tài nguyên một cách tối ưu, do đó là động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, cạnh tranh có bản chất kinh tế và bản chất xã hội. Bản chất kinh tế của cạnh tranh thể hiện mục đích tạo lập cho mình một ưu thế chi phối thị trường và vì lợi nhuận. Bản chất xã

20

hội của cạnh tranh phản ánh đạo đức kinh doanh và uy tín của mỗi chủ thể cạnh tranh trong mối quan hệ đối với những người trực tiếp tạo ra tiềm lực cạnh tranh của doanh nghiệp và trong mối quan hệ với người tiêu dùng và với các đối thủ cạnh tranh khác [20].

b. Các hình thái cạnh tranh

- Cạnh tranh hoàn hảo và cạnh tranh không hoàn hảo.

Căn cứ vào cơ cấu doanh nghiệp và mức độ tập trung trong một ngành, lĩnh vực kinh tế, người ta phân thị trường thành các hình thái: Cạnh tranh hoàn hảo, độc quyền và cạnh tranh không hoàn hảo [34].

+ Cạnh tranh hoàn hảo là hình thái thị trường trong đó giá cả và sản lượng của một hàng hoá được hoàn toàn xác định bởi cung và cầu trên thị trường, của hàng hóa đó. Do vậy, các doanh nghiệp tham gia thị trường phải chấp nhận giá thị trường.

Theo đó, cạnh tranh hoàn hảo là hình thái thị trường trong đó có nhiều người bán và nhiều người mua một sản phẩm. Bất kỳ người bán và người mua nào đều là quá nhỏ so với quy mô thị trường, do vậy không có khả năng để tác động tới giá của sản phẩm. Điều này có nghĩa là sự thay đổi sản lượng của một doanh nghiệp hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới giá thị trường. Tương tự, mỗi người mua cũng quá nhỏ để có thể đòi hỏi người bán những điều như phải giảm giá khi mua nhiều hay bán chịu.

Độc quyền là một hình thái thị trường trong đó có một doanh nghiệp duy nhất bán một sản phẩm mà không có một sản phẩm thay thế gần giống với nó (được gọi là độc quyền bán - monopoly), hoặc chỉ có một người mua (được gọi là độc quyền mua - monopsony). Như vậy, độc quyền là thái cực trái ngược với cạnh tranh hoàn hảo.

Cạnh tranh không hoàn hảo là một hình thái thị trường nằm giữa hai hình thái là cạnh tranh hoàn hảo và độc quyền. Cạnh tranh không hoàn hảo bao gồm cạnh tranh mang tính độc quyền và độc quyền nhóm.

21

Cạnh tranh mang tính độc quyền là hình thái thị trường có nhiều người bán sản xuất ra những sản phẩm có thể dễ dàng thay thế cho nhau. Mỗi người chỉ có khả năng hạn chế ảnh hưởng tới giá cả sản phẩm của mình. So với hình thái cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh mang tính độc quyền cũng có nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường không hạn chế. Nhưng nó khác với cạnh tranh hoàn hảo ở chỗ sản phẩm được phân hoá cao độ - mỗi doanh nghiệp đều có một loại sản phẩm khác nhau về hình dáng, kích thước, nhãn mác, chất lượng và danh tiếng và mỗi doanh nghiệp là người duy nhất sản xuất loại hàng hoá riêng của mình.

Độc quyền nhóm là một hình thái thị trường trong đó chỉ có một số ít các nhà sản xuất, mỗi người đều nhận thức được rằng giá cả của mình không chỉ phụ thuộc vào sản lượng của mình mà còn phụ thuộc vào hoạt động của các đối thủ cạnh tranh quan trọng trong ngành đó.

- Cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh

Căn cứ vào mục đích, tính chất của các phương thức cạnh tranh, người ta phân loại các hành vi cạnh tranh trên thị trường thành cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh.

+ Cạnh tranh lành mạnh là hình thức cạnh tranh tích cực, trong sáng, cạnh tranh bằng tiềm năng vốn có của bản thân doanh nghiệp. Đó là những hoạt động nhằm thu hút khách hàng mà pháp luật không cấm và phù hợp với tập quán thương mại và đạo đức kinh doanh.

+ Cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi cụ thể của một chủ thể kinh doanh, nhằm mục đích cạnh tranh, luôn thể hiện tính không lành mạnh (không nhất thiết phải trái pháp luật) và vô tình hay cố ý gây thiệt hại cho một đối thủ cạnh tranh hay bạn hàng cụ thể.

Như vậy, từ những khái niệm ở trên đây, có thể hiểu rằng cạnh tranh là sự ganh đua nhau giữa các doanh nghiệp về giá cả, số lượng, dịch vụ hoặc kết

22

hợp các yếu tố này để giành nhân tố sản xuất hoặc khách hàng nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường. Cạnh tranh trên thị trường được phân chia thành cạnh tranh hoàn hảo, độc quyền, cạnh tranh không hoàn hảo nếu xét theo cơ cấu doanh nghiệp và mức độ tập trung trong một ngành, lĩnh vực kinh tế; hoặc thành cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh nếu căn cứ vào mục đích và tính chất của các phương thức cạnh tranh.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh Việt Nam (Trang 29)