3. Những vấn đề được nghiên cứu trong luận án
3.2.2. Đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội
Bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn với nền kinh tế quốc tế, đã có nhiều thay đổi làm cho một số nội dung của Luật Cạnh tranh không còn phù hợp, hoặc chưa bắt kịp với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều chiến lược cạnh tranh mới, trong đó có cả các hành vi phản cạnh tranh đã “du nhập” và được các doanh nghiệp vận dụng trong hoạt động kinh doanh. Các hành vi hạn chế cạnh tranh mang tính chất tận thu (exploitative) hoặc đóng cửa thị trường/loại bỏ đối thủ cạnh tranh (market foreclosure/exclusionnary) được thực hiện dưới nhiều hình thức mới với mức độ tinh vi, phức tạp ngày càng cao hơn.
Trong khi đó các quy định hiện hành của Luật Cạnh tranh còn mang tính kỹ thuật, cứng nhắc chưa nhắm vào bản chất phản cạnh tranh của hành vi mà chỉ nhắm đến hình thức biểu hiện bên ngoài của hành vi và vì vậy, chưa bắt kịp với điều kiện thực tiễn, gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật. Thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh cho thấy còn nhiều dạng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cần được bổ sung thêm vào các quy định hiện hành để cơ quan cạnh tranh có cơ sở điều tra, xử lý.
133
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật (đặc biệt là các quy định về điều tiết ngành và doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước) đã được ban hành, bổ sung hoặc sửa đổi. Kết quả rà soát, nghiên cứu các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mới cho thấy, do các đặc thù riêng, thông lệ kinh doanh riêng của một số ngành, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông… các cơ quan chức năng đã quy định thêm nhiều nội dung điều chỉnh hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành. Chính vì vậy, để tránh chồng chéo, mâu thuẫn và đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển ngành và mục tiêu tạo lập, duy trì và thúc đẩy môi trường cạnh tranh hiệu quả, giúp phát triển kinh tế đòi hỏi cần có các điều chỉnh tương ứng trong pháp luật cạnh tranh.
3.2.3. Phù hợp với các cam kết mới của Việt Nam trong các Hiệp định song phương và đa phương
Trong một số các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang tham gia, ký kết gần đây như: Hiệp định đối tác chiến lược Việt Nam- Nhật Bản , Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu, Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Việt Nam đã có nhiều các cam kết mới liên quan tới chính sách cạnh tranh như: minh bạch hóa, các quy định về cơ quan cạnh tranh và các quy định về phối hợp cùng hành động giữa các cơ quan cạnh tranh trong khu vực… nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Để thực hiện tốt các cam kết mới này, trong thời gian tới, cần nhanh chóng tiến hành rà soát và hoàn thiện pháp luật cạnh tranh của Việt Nam cho phù hợp.
134