3. Những vấn đề được nghiên cứu trong luận án
3.4.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơquan cạnh tranh
3.4.2.1. Thành lập Ủy ban cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng
Căn cứ trên phân tích ở trên, để đảm bảo thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh trong thời gian tới, Việt Nam nên thành lập Ủy ban cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng độc lập trực thuộc Chính phủ trên cơ sở nhập Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh hiện nay vì các lý do sau đây.
Thứ nhất, việc thành lập một cơ quan cạnh tranh trực thuộc Chính phủ thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật cạnh tranh hướng tới xây dựng một nhà nước pháp quyền, hạn chế
148
các can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính của Chính phủ trong quá trình điều tiết nền kinh tế.
Thứ hai, hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh chủ yếu được thể hiện trong hoạt động điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay khi mà các doanh nghiệp nhà nước đang giữ hầu hết các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, do đó đối tượng điều tra của cơ quan cạnh tranh có thể sẽ là các Tổng Công ty nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn và thậm chí là cả các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không có một vị thế đủ mạnh thì cơ quan cạnh tranh sẽ không thể thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, nếu vẫn để cơ quan cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương như hiện nay sẽ dẫn tới việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” vì hiện nay Bộ Công Thương đang quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn có vị trí thống lĩnh thị trường trong các lĩnh vực như: bia, rượu, dầu khí, điện lực, xăng dầu…
Thứ ba, cần cân nhắc có nên đặt cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam tại Bộ Công Thương hay không có ý nghĩa quan trọng đặc biệt về tính đa ngành cao của Luật Cạnh tranh. Thậm chí, trên thực tế, Luật Cạnh tranh thường xuyên được đề cập tới như một luật khung, hoặc nguyên tắc cơ bản phục vụ xây dựng các quy định chuyên ngành trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành, do đó, là một nhân tố cốt yếu quyết định sự thành công, tính hiệu lực của Luật nhằm đảm bảo và thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng trong toàn bộ nền kinh tế.
Thứ tư, vị trí độc lập của một cơ quan trực thuộc Chính phủ giúp đảm bảo và thúc đẩy việc tập trung chuyên môn, tính công chính, minh bạch và khả năng chịu trách nhiệm và giải trình của cơ quan này. Tự chủ về quá trình tuyển chọn, bổ nhiệm cũng như đào tạo nhân sự, cũng như tự chủ về mặt ngân
149
sách hoạt động đảm bảo cho cơ quan cạnh tranh có thực quyền cao hơn. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
Thứ năm, một trong những chức năng quan trọng khác của hầu hết các cơ quan cạnh tranh trên thế giới là chức năng tham vấn. Tại Nghị định 06/2006/NĐ-CP ngày 9/1/2006 cũng quy định Cục Quản lý cạnh tranh có quyền “phát hiện và kiến nghị cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những văn bản đã ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh”. Đây đã là một điểm khá tiến bộ theo hướng cho phép cơ quan cạnh tranh được quyền loại bỏ tất cả các quy định đi ngược lại với các nguyên tắc cạnh tranh. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi cơ quan cạnh tranh phải có vị trí đủ mạnh.
Thứ sáu, để đáp ứng đòi hỏi ngày càng tăng của hội nhập kinh tế quốc tế, số vụ kiện về các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng lên một cách đáng kể. Điều này đòi hỏi quy mô của cơ quan cạnh tranh phải được mở rộng nhằm đảm bảo nguồn tài chính, nhân lực để thực thi hiệu quả các công việc được giao.
Thứ bảy, theo thống kê, trong số 90 cơ quan cạnh tranh hiện nay trên thế giới, chỉ Việt Nam còn tồn tại mô hình hai cơ quan, một chịu trách nhiệm về điều tra, một chịu trách nhiệm về xử lý (như mô hình cũ của Cơ quan cạnh tranh Pháp). Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa Hội đồng cạnh tranh của Pháp trước đây và của Việt Nam là ở Hội đồng cạnh tranh Pháp, ngoài các thành viên Hội đồng còn có các báo cáo viên. Báo cáo viên đóng vai trò như các điều tra viên của Cục Quản lý cạnh tranh. Trong một số trường hợp, thông qua các báo cáo viên Hội đồng có thể tự tiến hành điều tra hoặc tự điều tra bổ sung trên cơ sở những chứng cứ sơ bộ mà Tổng Vụ cạnh tranh và trấn áp gian lận Pháp gửi lên. Một trong những điểm yếu lớn nhất của mô hình hai cơ quan như Việt Nam hiện nay là do các thành viên của các cơ quan xử lý không theo sát được quá trình điều tra vụ việc. Do đó, chỉ dựa vào các báo
150
cáo điều tra cuối cùng của các điều tra viên, họ sẽ khó đưa ra được các quyết định chính xác về hành vi vi phạm. Ví dụ, tại Uỷ Ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ, trước khi quyết định có điều tra chính thức một vụ việc cạnh tranh hay không, các điều tra viên phải trình bày các lập luận trước các Uỷ viên (người đóng vai trò như các thành viên Hội đồng cạnh tranh Việt Nam). Trong trường hợp các điều tra viên đưa ra chứng cứ thuyết phục được các Uỷ viên, họ sẽ có quyết định cho phép điều tra chính thức vụ việc. Cơ chế này giúp giảm thiểu các trường hợp yêu cầu điều tra bổ sung hoặc kịp thời có quyết định đình chỉ điều tra khi thấy cần thiết, và như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn lực và kinh phí cho cơ quan điều tra.
Theo kinh nghiệm của hầu hết các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, EU, Đức..., trong giai đoạn tới, Việt Nam nên nhập Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh thành một cơ quan trực thuộc Chính phủ.
3.4.2.2. Tiếp tục xây dựng đội ngũ điều tra viên
Theo quy định tại Điều 52 Luật cạnh tranh thì điều tra viên vụ việc cạnh tranh là những người do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm phải có đầy đủ các tiêu chuẩn:
- Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan; - Có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân kinh tế, tài chính;
- Có thời gian công tác thực tế ít nhất là năm năm thuộc một trong các lĩnh vực luật, kinh tế và tài chính;
- Được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.
Thực thi pháp luật cạnh tranh là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi các điều tra viên khi tiến hành tố tụng phải có kiên thức chuyên sâu không chỉ về pháp lý mà còn bao gồm cả những kiến thức về kinh tế. Phân tích kinh tế đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu khi áp dụng các quy định pháp luật cạnh tranh trong các vụ việc cụ thể.
151
Đối với pháp luật cạnh tranh, khi tiến hành điều tra các hành vi hạn chế cạnh tranh (bao gồm: thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền và tập trung kinh tế), cơ quan điều tra phải xác định thị trường liên quan, thị phần của doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Để xác định thị trường liên quan, các điều tra viên phải tiến hành nhiều phân tích kinh tế khác nhau: từ điều tra xã hội học để thăm dò ý kiến, phản ứng của người tiêu dùng, đến việc xác định các khả năng thay thế cho nhau của các sản phẩm cùng loại cũng như phân tích các số liệu, doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường để kết luận về cấu trúc thị trường và tính chất của sản phẩm... Thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan là yếu tố quyết định để kết luận hành vi do một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp thức hiện có phải là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không.
Ngoài những kỹ năng về tài chính, kinh tế, luật, các điều tra viên cạnh tranh còn phải được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ điều tra. Cũng giống như các điều tra viên hoặc kiểm soát viên trong tố tụng dân sự, điều tra viên cạnh tranh có quyền sử dụng các nghiệp vụ điều tra như: lấy lời khai, khám xét, thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm để làm chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của đối tượng bị điều tra.
Vì vậy, để xây dựng đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp, Việt Nam cần thực thi một chiến lược phát triển nguồn nhân lực hợp lý.
- Xây dựng chương trình đào tạo toàn diện cho nhóm các điều tra viên cạnh tranh.
- Phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan cạnh tranh nước ngoài tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn về kỹ năng điều tra cho các điều tra viên của Việt Nam
- Tích cực và tạo điều kiện cử các cán bộ của mình ra nước ngoài tham gia các khoá đào tạo ngắn và dài hạn.
152
Bộ công an, Viện kiểm soát cũng như các Trường đại học để bồi dưỡng nâng cao các kiến thức về kinh tế, tài chính, luật và kỹ năng điều tra cho các điều tra viên.
- Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho các điều tra viên.
- Nên đưa các nội dung, kiến thức của pháp luật cạnh tranh vào trong công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học chuyên ngành luật, tài chính, kinh tế... hoặc các Viện nghiên cứu. Đây chính là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu và chuyên nghiệp về lĩnh vực này cho cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan hữu quan sau này.