5. Kết cấu đề tài
3.1.2.1. Chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền và minh bạch thông tin
Dù đã đạt được nhiều thành công kể từ khi pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh vàng đi vào thực tiễn, thực tế cũng đã nảy sinh một số bất cập trong thời gian gần đây. Theo người viết, một hạn chế lớn của pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh vàng là thiếu quy định tuyên truyền thông tin về pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Mặc dù chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thực tế đã có sự thống nhất kể từ khi Nghị định 24 ra đời, nhưng người dân, DN hoàn toàn mù mờ về thông tin, chưa nắm bắt được mục tiêu cũng như nội dung chủ yếu của chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Điều này đã gây nên những hệ lụy đáng tiếc và không đáng có.
Trước hết, ngay khi Nghị định 24 còn đang “phôi thai”, đã có những thông tin không chính xác về việc sẽ chỉ tồn tại một loại vàng duy nhất là SJC khiến không ít
người dân mang vàng các thương hiệu khác không phải SJC đi bán bằng mọi giá. Điều này dẫn đến hệ quả nhiều kẻ được trục lợi về giá khi cố tình thu mua vàng “phi SJC” với giá rẻ hơn vàng SJC từ 2 – 3 triệu đồng/lượng, sau đó chuyển đổi số vàng trên thành vàng SJC với phí gia công 1 lượng vàng chỉ 50.000 đồng. Ngay cả các DN sản xuất vàng miếng “phi SJC”, thay vì phối hợp với các cơ quan quản lý để tuyên truyền cho người dân nắm vững chính sách và pháp luật, các DN này đã cố tình hạ giá mua vào chính loại vàng do mình sản xuất, càng gây thêm tâm lý hoang mang cho người dân. Lợi nhuận từ cách kinh doanh trên là rất lớn, chỉ có người dân do mù mờ thông tin là chịu thiệt hại. Điều đáng nói, trong giai đoạn trên, trách nhiệm giải trình, tuyên truyền thông tin đến với người dân của các cơ quan quản lý là không rõ nét. Rất ít khi thấy người đứng đầu NHNN hoặc Chính phủ xuất hiện để giải đáp thắc mắc của người dân. Và như vậy, ngay từ đầu, mục tiêu đảm bảo và bảo vệ quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân đã không được tuân thủ do yếu kém nêu trên. Hệ quả rất rõ nét, người dân thì thiệt hại khi bán vàng “phi SJC”, rồi xảy ra tình trạng vàng nhái SJC; còn NHNN lại phải tốn công sức chuyển đổi vàng “phi SJC” thành vàng SJC, kể cả phải tính đến giải pháp “tạm xuất, tái nhập vàng” ra nước ngoài để quá trình chuyển đổi được thực hiện nhanh chóng.
Kế đến, một vấn đề nữa nổi cộm trong công tác tuyên truyền và minh bạch thông tin đến với người dân và DN là quy định độc quyền sản xuất vàng miếng của NHNN. Từ quy định trên, đã có nhiều ý kiến trái chiều kể cả trong giới chuyên gia, người dân và DN. Các tranh cãi cũng nổ ra thường xuyên hơn. Và động thái đến từ NHNN là giữ im lặng, tiếp tục ban hành các quy định để hoàn thành khung pháp lý theo con đường đã lựa chọn, hoặc trả lời chưa thỏa đáng. Thị trường vàng tại Việt Nam rất nhạy cảm với thông tin. Khi mà cơ quan quản lý không chủ động cung cấp thông tin cho người dân và DN nắm, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực. Người dân thì nghi ngờ chính sách quản lý, còn DN thì lao đao do không biết nên làm gì tiếp theo, rồi liệu có còn được kinh doanh vàng nữa không… Hiệu quả của chính sách quản lý từ đó sẽ không được như mong muốn, quy định khi ban hành đã gặp thất bại ngay từ bước đầu là nhận được sự chấp nhận, cảm thông rộng rãi từ phía người dân. Thực tế sau gần hai năm quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định mới, đâu đó vẫn xuất hiện những nghi ngờ, tranh cãi về vấn đề nêu trên.
Ngoải ra, hiện nay việc tuyên truyền quy định mới của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để các hộ kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ chuyển đổi thành
DN còn nhiều hạn chế. Có nhiều hộ kinh doanh vẫn còn mơ hồ về quy định pháp luật, hoặc chưa chịu chuyển đổi loại hình kinh doanh thành DN. Lý do chậm chuyển đổi chủ yếu là do vấn đề kê khai thuế phức tạp hơn so với trước đây, cũng như chi phí để quản lý DN sẽ cao hơn. Dù vậy, theo Nghị định 24 và Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các hộ kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ chậm chuyển đổi loại hình kinh doanh thành DN có thể bị phạt đến 100.000.000 đồng kèm các hình phạt bổ sung khác.
Với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động kinh doanh vàng, NHNN cần nhận thức được tầm quan trọng của tuyên truyền và minh bạch thông tin đến với người dân để các quy định của pháp luật phát huy được hết hiệu quả và nhận được sự đồng thuận từ dư luận. Có như vậy, các hoạt động kinh doanh vàng diễn ra trên thị trường mới thực sự ổn định vững chắc.