Quản lý nhà trường

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý giáo dục nghề phổ thông của Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Phụ Dực huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình (Trang 25)

Nhà trường là một dạng thiết chế tổ chức chuyên biệt, nó mang tính đặc thù của xã hội. Từ khi xã hội loài người phát triển, một quốc gia, lãnh thổ dù nằm dưới bất cứ chế độ nào thì chế độ ấy vẫn phải phát triển giáo dục để

phục vụ cho lợi ích của giai cấp mình. Nhà trường là nơi tổ chức các hoạt động nhằm truyền thụ và lĩnh hội tri thức của nhân loại để duy trì, phát triển và tồn tại từng cá nhân, từng cộng đồng trong xã hội. Việc tổ chức truyền thụ và lĩnh hội ấy được thông qua một quá trình sư phạm. Khi xã hội phát triển, quá trình này được thực hiện một cách khoa học hơn, hoàn thiện hơn. Như đã nói ở trên, mục tiêu giáo dục mang tính giai cấp, do vậy nó phục vụ cho giai cấp ấy, nó thể hiện ở việc chịu sự tác động bởi các chế định xã hội, nhưng ngày nay trong xu thế toàn cầu, giáo dục đều hướng đến hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực về phẩm chất, năng lực khoa học. Hiện nay, nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình: trường công lập, trường dân lập, trường tư thục, nhưng dù theo loại hình nào thì cũng được thành lập theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục nên nó là đơn vị trực tiếp giáo dục thế hệ trẻ, trực tiếp tham gia quá trình thực hiện mục tiêu "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài"cho đất nước. Theo tác giả Nguyễn Phúc Châu thì: "Quản lý nhà trường (hiểu theo góc độ quản lý một cơ sở giáo dục) là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống và hợp quy luật) của chủ thể quản lý nhà trường (Hiệu trưởng) đến khách thể quản lý nhà trường (giáo viên, nhân viên, người học…) nhằm đưa các hoạt động giáo dục và dạy học của nhà trường đạt tới mục tiêu giáo dục”.[ 14, tr52]

Quản lý nhà trường bao gồm nhiều mặt khác nhau và được thể hiện thông qua các thể chế của Nhà nước giao quyền hạn, nhiệm vụ cho Hiệu trưởng. Như vậy xét từ góc độ quy định của Nhà nước thì Hiệu trưởng quản lý nhà trường trên các mặt cơ bản sau:

- Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình; xác nhận; cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền.

- Tuyển sinh, quản lý người học.

- Quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ cho dạy, học và giáo dục - Xây dựng, quản lý sử dụng các trang thiết bị, cơ sở vật chất của nhà trường theo tiêu chuẩn quy định.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng, ban ngành tham gia công tác xã hội hóa giáo dục và tham gia giáo dục.

- Phối hợp với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục học sinh. - Kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định, thanh tra, kiểm tra về hoạt động của nhà trường, về chất lượng giáo dục.

- Thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước khi có yêu cầu.

Như vậy ta có thể hiểu, quản lý nhà trường thực chất là tác động có định hướng, có khoa học, có mục tiêu của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý, nhằm đảm bảo sự vận hành một cách tối ưu các hoạt động của nhà trường để đạt được mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ thành con người lao động mới có đủ đức, trí, thể, mỹ đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương, đất nước.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý giáo dục nghề phổ thông của Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Phụ Dực huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình (Trang 25)