Công tác hướng nghiệp và giáo dục nghề phổ thông ở một số nước trên thế giới có những phương pháp khác nhau, tuy nhiên có thể rút ra những bài học kinh nghiệm chung như sau:
- Xác định rõ mục tiêu của GDNPT. Chỉ khi chúng ta xác định đúng đắn mục tiêu của GDNPT là gì thì chúng ta mới có thể đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp với mục tiêu của GDNPT. Đây chính là giá trị cốt lõi để tổ chức hoạt động có hiệu quả. Như vậy, mục tiêu mà mỗi quốc gia hướng đến trong GDNPT chính là việc phân luồng học sinh, tạo ra sự cân bằng trong bố trí phân bổ nguồn nhân lực cho các ngành nghề trong xã hội và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp thành thạo, phẩm chất đạo đức vững vàng, yêu nghề, gắn bó với nghề, sống bằng nghề phù hợp với bản thân và điều kiện của xã hội.
- Xác định nội dung quản lý GDNPT bao gồm những vấn đề gì? Nội dung quản lý của GDNPT chính là quản lý các nguồn lực tham gia vào quá trình GDNPT. Lực lượng tham gia GDNPT có trình độ, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ thì hiệu quả của GDNPT sẽ được đảm bảo thông qua các phương pháp phù hợp với GDNPT của người giáo dục cũng như của người được giáo dục.
- Kết hợp tốt các lực lượng trong xã hội, huy động xã hội hóa trong GDNPT. Bởi đây là lực lượng có nhiều kinh nghiệm về nghề nghiệp chuyên sâu, đồng thời giảm thiểu các chi phí không cần thiết trong quá trình tổ chức GDNPT, cần nắm bắt các vấn đề về tâm lý lứa tuổi, điều kiện của địa phương, truyền thống gia đình và các xu hướng trong xã hội tương lai cũng như dự báo
về hướng phát triển nghề nghiệp, nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương, đất nước và quốc tế.