Chương trình kiểm toán là những dự kiến chi tiết về các KTV tham gia kiểm toán, các thủ tục công việc kiểm toán cần thực hiện, thời gian thực hiện và hoàn thành các công việc đó; cũng như những dự kiến về thông tin và tài liệu cần thu thập. Trọng tâm của các chương trình kiểm toán là các thủ tục kiểm toán. Mỗi công ty kiểm toán lại thiết kế riêng cho mình những chương trình kiểm toán khác nhau. Tại DFK Việt Nam, chương trình kiểm toán được thiết kế theo mẫu của VACPA Việt Nam. Các khoản mục được chia ra cụ thể và đánh thứ tự từ A đến W và được lưu tại mục 6 của hồ sơ kiểm toán.
Mục 6 của hồ sơ kiểm toán được bắt đầu với danh sách các khoản mục và tên các KTV thực hiện khoản mục đó. Đối với các khoản mục không tồn tại trên báo cáo tài chính của công ty khách hàng thì bên cột người thực hiện sẽ ghi “None” tức là không phải thực hiện chương trình kiểm toán của khoản mục đó.
Chương trình kiểm toán đối với từng khoản mục sẽ được thiết kế sẵn, mặc dù theo mẫu của VACPA nhưng DFK Việt Nam có sự sửa đổi và phát triển của riêng mình, tích hợp qua từng năm dựa trên kinh nghiệm và góp ý của các KTV trong công ty. Chương trình kiểm toán với từng khoản mục sẽ nêu ra các thủ tục thường thực hiện đối với mỗi khoản mục, tuy nhiên, khi cần thiết, KTV vẫn có thể bổ sung những thủ tục khác để thu thập những bằng chứng kiểm toán mong muốn. Những thay đổi về thủ tục kiểm toán trong chương trình kiểm toán mẫu, chỉ được KTV thực hiện trong giai đoạn thực hiện kiểm toán. Tại DFK, mỗi chương trình kiểm toán chỉ được thực hiện bởi 1 KTV và KTV này phải nắm được toàn bộ nội dung phần hành của mình.
Tóm lại, chương trình kiểm toán trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán là chương trình đã có sẵn. Giai đoạn này chỉ thực hiện công việc phân công nhiệm vụ kiểm toán các phần hành cho các KTV và thời gian thực hiện mà thôi. Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, các KTV sẽ quyết định các yếu tố khác liên quan đến chương trình kiểm toán như: thực hiện thêm thủ tục nào, khoản mục được chọn mẫu và quy mô mẫu chọn như thế nào.
Kết cấu của một chương trình kiểm toán khoản mục thường được trình bày gồm 3 phần chính với nội dung như sau:
Bảng 1.4. Bố cục của 1 chương trình kiểm toán khoản mục tại DFK Việt Nam.
Phần Tên Nội dung
Phần 1
Mục tiêu kiểm toán
Nêu ra những mục tiêu kiểm toán đặc thù của phần hành cụ thể. Phần
2 Thủ tục kiểm toán cần áp dụng
Bao gồm tất cả các thủ tục được thiết kế để kiểm toán một phần hành. Được thực hiện bởi KTV chịu trách nhiệm phần hành đó. Ngoài những thủ tục đã có sẵn, KTV có thể thêm các thủ tục để phù hợp với thực tế trong quá trình kiểm toán.
Phần 3 Soát xét của trưởng nhóm và trưởng phòng
Đánh giá và các soát xét cuối cùng của trưởng nhóm và trưởng phòng, thường được thực hiện vào giai đoạn kết thúc kiểm toán.
Phần đầu, nêu lên mục tiêu kiểm toán của khoản mục. Các mục tiêu này là các mục tiêu kiểm toán đặc thù chỉ gắn với kiểm toán một phần hành nhất định mà thôi. Phần tiếp theo sẽ liệt kê danh sách các thủ tục do KTV chịu trách nhiệm kiểm toán phần hành thực hiện. Đây là phần chính trong chương trình kiểm toán và nêu ra tất cả các thủ tục KTV có thể thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải phần hành nào KTV cũng thực hiện tất cả các thủ tục được nêu ra, vì có thể không đủ dữ kiện hoặc điều kiện cơ sở để thực hiện thủ tục. Ngược lại, trong quá trình kiểm toán, KTV nhận thấy cần thực hiện thêm thủ tục kiểm toán nào ngoài thủ tục đã được nêu trong chương trình kiểm toán thì KTV sẽ tự động bổ sung các thủ tục vào chương trình kiểm toán. Khi kiểm toán viên thực hiện các thủ tục, sẽ ghi tên người thực hiện thủ tục, thời gian thực hiện cùng với tham chiếu giấy tờ làm việc vào các cột bên cạnh thủ tục trong chương trình kiểm toán. Tại chương 2 trong giấy tờ làm việc sẽ giải thích rõ hơn phần này. Giai đoạn kết thúc kiểm toán, trưởng nhóm và trưởng phòng sẽ thực hiện thủ tục soát xét và đánh giá vào phần 3 trong chương trình kiểm toán.