d) Chất lượng là sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng
1.4.2. Kinh nghiệm của Mỹ
Hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng GDĐH của Mỹ đã hoạt động gần 100 năm nay và liên tục phát triển cho đến ngày nay. Tuy nhiên, đây là một hệ thống rất đa dạng và phức tạp, cũng giống như bản thân hệ thống GDĐH của nước này với gần 6.500 trường công và tư, đào tạo ở các trình độ khác nhau, có cấp bằng và không cấp bằng (Lâm Quang Thiệp và các tác giả, 2007)
Điểm nổi bật của hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng GDĐH của Mỹ là phi tập trung hóa, mang tính tự nguyện và do các tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân đảm nhận. Hiện nay có 6 Hiệp hội nhận trách nhiệm kiểm định chất lượng cho các trường ĐH-CĐ thuộc 6 vùng (khu vực) thuộc 50 bang.
Công cụ được sử dụng trong quá trình đánh giá, kiểm định là các bộ tiêu chí bao gồm rất nhiều các chỉ số, bao gồm những yêu cầu và đòi hỏi trong các lĩnh vực mà nhà trường phải đáp ứng. Tuy nhiên, các chuẩn mực để đánh giá lại rất mềm dẻo và được thay đổi phù hợp với sứ mệnh của từng trường. Vì vậy, các bộ tiêu chí để đánh giá thường thiên về định tính, ít có các chỉ số định lượng.
Mặc dù vậy, các nội dung đánh giá cũng bao gồm các yếu tố đầu vào (số lượng và chất lượng giảng viên, nguồn tài chính, quy mô thư viện, …), các yếu tố phản ánh quá trình đào tạo (nội dung, chương trình, cơ hội phát triển của giảng viên và sinh viên, quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, …) và các yếu tố đầu ra (tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo, mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, …).
Do tính chất phi tập trung hóa rất cao nên ở cấp trung ương chỉ có duy nhất một tổ chức đứng ra làm nhiệm vụ điều phối hoạt động của các tổ chức đánh giá, kiểm định
46
khu vực hoặc chuyên ngành. Đó là Hội đồng Kiểm định GDĐH (Council for Higher Education Accreditation – CHEA). Bộ Giáo dục Liên bang không trực tiếp can thiệp và công việc đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo của các trường CĐ-ĐH như ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Liên bang và Chính phủ Mỹ luôn quan tâm đến vấn đề chất lượng đào tạo của các trường vì đó là vấn đề chất lượng NNL-yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế. Chính phủ cũng có những tác động gián tiếp đến công việc này, chẳng hạn như các trường không tham gia kiểm định thì không thể tiếp cận được các nguồn tài chính của Liên Bang hoặc của Bang (các quỹ học bổng, các khoản cho cho sinh viên, các tài trợ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu, …). Chính vì vậy, mặc dù kiểm định là một hoạt động hoàn toàn tự nguyện nhưng hầu hết các trường đều tham gia để chứng tỏ chất lượng đào tạo của trường mình đạt các chuẩn tối thiểu, để có cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ tài chính, và đặc biệt để giá trị văn bằng của trường được công nhận, sinh viên của họ có thể chuyển đổi sang trường khác học tiếp hoặc học cao hơn hoặc có nhiều cơ hội hơn khi đi xin việc.
Để đánh giá chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo, Bộ Lao động Mỹ cùng với Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Mỹ đã đưa ra Bộ chỉ số thực hiện gồm các kỹ năng cơ bản trong công việc của người lao động, với các yếu tố định tính (thái độ, sự hài lòng) được đo bằng các phương pháp định lượng (điều tra, khảo sát). Đối tượng khảo sát là người học đang học năm cuối, hoặc đã tốt nghiệp và người sử dụng lao động. Đồng thời Bộ Lao động Mỹ cũng thành lập Ủy ban về rèn luyện các kỹ năng cần thiết gồm nhiều chuyên gia từ nhiều lĩnh vực để thúc đẩy nền kinh tế bằng người lao động có kỹ năng cao và công việc có thu nhập cao (Nguyễn Bá Ngọc, 2013).
Về phía các trường CĐ-ĐH, nhiều trường đã tiến hành khảo sát, đánh giá các kỹ năng của SVTN thông qua các bộ chỉ số trên. Việc đánh giá này được tiến hành một cách định kỳ, thường là 2 năm/lần. Một số trường cũng tự đề ra các tiêu chí đánh giá của riêng mình. Điển hình là cuộc khảo sát 6.000 SVTN do trường ĐH Michigan thực hiện năm 2001(Dự án Giáo dục Đại học 2, 2012), hoặc gần đây là cuộc khảo sát 948 chủ DN và cựu sinh viên do trường ĐH Bắc Dakota tiến hành vào cuối năm 2010 (Sue Erickson, Carmen Williams & Michel Braget, 2011). Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù về cơ bản SVTN đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động, nhưng các DN vẫn muốn kỹ năng “áp dụng các kiến thức vào thực tế công việc” được nâng cao hơn, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng “giao tiếp và tạo lập quan hệ” trong một số lĩnh vực như đào tạo ngành Y.