139
5.1. Kết luận
5.1.1. Kết quả nghiên cứu và bàn luận
Với mục đích, phạm vi, đối tượng và phương pháp nghiên cứu của đề tài, luận án đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Cụ thể, đã thu được các kết quả chủ yếu sau đây:
Luận án đã hệ thống hóa được các vấn đề lý luận về chất lượng và sự hài lòng của khách hàng để vận dụng vào nghiên cứu đánh giá mức độ hài lòng của DN về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH. Trong luận án cũng đã tập hợp được kinh nghiệm của các nước trong việc đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH và sự hài lòng của người sử dụng lao động, từ đó rút ra được các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đây là những cơ sở lý luận quan trọng để tác giả tham khảo khi xây dựng mô hình nghiên cứu của luận án và đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH và sự hài lòng của DN sử dụng lao động.
Luận án đã phân tích một cách cụ thể thực trạng nhân lực trình độ ĐH của các DN hiện nay và trong tương lai, đồng thời đưa ra đánh giá tổng quát về chất lượng đào tạo ĐH dưới các góc nhìn khác nhau (cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý, DN và những người sử dụng lao động khác). Luận án đã chỉ ra rằng bất cập lớn nhất hiện nay là đội ngũ nhân lực do các trường đào tạo ra còn thiếu hụt nhiều kỹ năng và chưa đáp ứng được yêu cầu công việc mà DN đặt ra. Điều này dẫn đến sự hạn chế về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các DN và của cả nền kinh tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mất cân đối cung-cầu về nhân lực và sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của SVTN ĐH.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và đánh giá tình hình thực tế, luận án đã xây dựng được mô hình đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH và sự hài lòng của các DN sử dụng lao động với 22 tiêu chí kỹ năng phản ánh đầy đủ các yêu cầu của DN đối với người lao động có trình độ ĐH. Các kỹ năng này có thể đo lường và đánh giá được một cách định lượng thông qua 3 chỉ số: chỉ số chất lượng, chỉ số chất lượng có trọng số và mức độ đáp ứng chất lượng so với mong đợi. Các tiêu chí và giả thuyết đưa ra trong mô hình đánh giá là hợp lý, đảm bảo tính khoa học và khả thi. Vì vậy, mô hình này có thể áp dụng để đánh giá mức độ hài lòng của DN về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH ở Việt Nam
Mô hình đánh giá đề xuất trong luận án đã được thử nghiệm trong thực tế thông qua việc khảo sát tại 386 DN ở nhiều địa phương, đại diện cho các loại hình DN, địa bàn hoạt động, lĩnh vực kinh doanh, quy mô nhân lực và cơ cấu nhân lực trình độ ĐH khác nhau với 2 nhóm ngành đào tạo là Kỹ thuật-Công nghệ và Kinh tế- Quản lý.
Độ tin cậy và giá trị thống kê của các kết quả thu được đã được kiểm định bằng phân tích nhân tố EFA và đảm bảo bằng hệ số Cronbach alpha nằm trong giới hạn cho phép (>0,80 và <0,95). Các giả thuyết về sự khác biệt trong đánh giá sự hài lòng của DN về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH cũng đã được kiểm định bằng phương pháp t-test và phân tích ANOVA.
Sau phân tích EFA, bộ tiêu chí đề xuất ban đầu đã được điều chỉnh lại cho phù hợp. Cụ thể là đã loại bớt 1 tiêu chí là “Hiểu biết về môi trường doanh nghiệp” và các tiêu chí còn lại được sắp xếp thành 3 nhóm như đề xuất ban đầu là: nhóm kỹ năng kỹ thuật, nhóm kỹ năng nhận thức và nhóm kỹ năng xã hội và hành vi.
Kết quả thu được ở chương 3 và chương 4, cùng với việc phân tích thực trạng ở chương 2, là cơ sở để tác giả luận án đưa ra các khuyến nghị, đề xuất với Chính
140
phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường ĐH, các DN về một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH đáp ứng nhu cầu của DN nói riêng và của thị trường lao động nói chung.
Các kết quả trên cũng chính là những điểm đóng góp mới của luận án. So với các công trình nghiên cứu khác có liên quan (đã được đề cập đến ở phần Tổng quan nghiên cứu, chương 2, chương 3), các đóng góp mới trong nghiên cứu của luận án tập trung vào 2 nội dung lớn là việc xây dựng mô hình đánh giá và phân tích các kết quả khảo sát, cụ thể như sau:
Trước hết, mô hình đánh giá trong nghiên cứu của luận án được xây dựng trên
cơ sở kết hợp mô hình “Kỳ vọng-Cảm nhận” của Oliver, mô hình chỉ số hài lòng của khách hàng CSI và ý kiến thực tế của các DN tại Việt Nam về những kỹ năng mà họ cần ở SVTN khi tuyển dụng vào làm việc ở DN, có tính đến những nhân tố đặc thù trong lĩnh vực đào tạo nhân lực trình độ ĐH ở Việt Nam. Các nghiên cứu trước thường chỉ dựa vào một mô hình cụ thể nhất định, thậm chí chỉ khảo sát trực tiếp, không sử dụng mô hình, không giải thích về các căn cứ lý luận trước khi đưa ra các tiêu chí khảo sát. Ngoài ra, trong mô hình nghiên cứu của luận án còn bổ sung thêm một nhân tố tác động là “thời gian đáp ứng công việc” dựa trên ý kiến thực tế của các DN. Chính vì vậy, theo đánh giá của tác giả luận án, mô hình này có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn, đảm bảo cho việc đánh giá được đầy đủ, toàn diện và có độ tin cậy cao hơn.
Thứ hai là về kết quả đánh giá. Cũng như các nghiên cứu khác, kết quả của luận
án đã khẳng định sự thiếu hụt các kiến thức, kỹ năng của SVTN so với yêu cầu của người sử dụng lao động và các DN thể hiện mức độ hài lòng không cao với chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH hiện nay ở nước ta. Điểm nổi bật là sự yếu kém về khả năng ứng dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế, tiếp theo là trình độ ngoại ngữ và một số kỹ năng kỹ thuật khác. Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu, đánh giá này chỉ mang tính định tính. Một số nghiên cứu khác, tuy có đưa ra những đánh giá định lượng nhưng vẫn còn ít và chưa có sự phân tích cụ thể, chi tiết. Nghiên cứu của luận án đã khác phục được những “khoảng trống” này. Cụ thể, kết quả khảo sát đã cho thấy:
Mong đợi của các DN sử dụng lao động về các kỹ năng của SVTN hiện đang lớn hơn khá nhiều so với thực tế mà họ cảm nhận được. Điều đó dẫn tới các chỉ số chất lượng đều âm và mức độ thiếu hụt chất lượng tổng thể khoảng gần 20%.
Nhóm Kỹ năng kỹ thuật bị đánh giá chất lượng thấp nhất trong 3 nhóm và “Khả năng ứng dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế” là tiêu chí có trọng số về tầm quan trọng cao nhất nhưng lại có chất lượng thấp nhất trong nhóm và trong tổng thể.
Các kỹ năng khác được đánh giá chất lượng thấp tiếp theo là trình độ ngoại ngữ, khả năng tư duy logic. Riêng đối với SVTN khối Kinh tế-Quản lý, còn có cả kiến thức chuyên ngành và khả năng cập nhật kiến thức mới cũng được đánh giá là còn thiếu hụt nhiều so với mong đợi của các DN sử dụng lao động.
Thứ ba, trong các nghiên cứu trước đây về sự hài lòng, chất lượng và sự hài lòng
có mối quan hệ thuận chiều. Chất lượng là tiền đề cho sự hài lòng và là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng. Hay nói cách khác, một sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao thì cũng đồng nghĩa với sự hài lòng của khách hàng càng cao. Mô hình nghiên cứu của luận án đã đi vào chứng minh mối quan hệ tương quan cùng chiều này trong lĩnh vực đào tạo nhân lực trình độ ĐH, mà cụ thể là đã khẳng định được có mối quan hệ tương quan cùng chiều giữa chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH và và sự hài lòng của DN sử dụng lao động trong điều kiện ở Việt Nam.
141
Bên cạnh đó, nghiên cứu của luận án còn bổ sung thêm một nhân tố có mối quan hệ tương quan không cùng chiều với sự hài lòng là thời gian đáp ứng công việc. Nếu SVTN càng mất thời ít thời gian, ngay sau khi được giao việc, để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc, thì DN sẽ tốn ít thời gian và chi phí hơn cho việc thuê lao động. Khi đó, DN sẽ hài lòng hơn về chất lượng đào tạo ra các lao động này.
Thứ tư, khác với các nghiên cứu trước, nghiên cứu của luận án không chỉ đưa ra
kết luận về chất lượng và sự hài lòng nói chung trong lĩnh vực đào tạo nhân lực trình độ ĐH, mà còn phân tích chi tiết theo các nhân tố ảnh hưởng đến việc đánh giá của các DN theo địa bàn hoạt động, loại hình DN, lĩnh vực hoạt động, quy mô nhân lực, tỷ lệ cán bộ có trình độ ĐH và khối ngành đào tạo. Mặc dù mức độ hài lòng tổng thể của các DN đều cao hơn mức trung bình (khoảng gần 3,5/5 điểm), nhưng chính các nhân tố ảnh hưởng nói trên đã dẫn đến sự khác biệt trong đánh giá giữa các DN, cụ thể như sau:
Các DN ở Hà Nội đánh giá chất lượng và sự hài lòng thấp hơn các DN ở miền Trung và Nam Bộ
Các DNNN và các DN FDI đánh giá chất lượng và sự hài lòng thấp hơn công ty TNHH và DN tư nhân đối với SVTN khối ngành Kỹ thuật-Công nghệ
Các DN ĐTVT-CNTT đánh giá chất lượng và sự hài lòng thấp hơn các DN SX- CB-XD và DN TM-DV-VT.
Có sự khác biệt trong đánh giá chất lượng và sự hài lòng theo quy mô nhân lực đối với SVTN khối ngành Kỹ thuật-Công nghệ, nhưng không có sự khác biệt đối với khối ngành Kinh tế-Quản lý
Các DN có tỷ lệ cán bộ có trình độ ĐH từ 30% trở lên có đánh giá chất lượng thấp hơn các DN có tỷ lệ này từ 20% đến 30% đối với khối ngành Kỹ thuật-Công nghệ và thấp hơn các DN có tỷ lệ này dưới 20% đối với khối ngành Kinh tế-Quản lý.
Chất lượng và sự hài lòng đối với SVTN khối ngành Kinh tế-Quản lý được đánh giá thấp hơn khối ngành Kỹ thuật-Công nghệ.
Thứ năm, trong luận án còn đưa ra một số nhận xét, đánh giá cụ thể khác liên
quan đến sự hài lòng về chất lượng, chẳng hạn như:
Về thời gian đáp ứng công việc, đa phần các SVTN chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc sau khi nhận việc từ 1 đến 3 tháng. Vẫn có đến gần 20% số DN thuộc mẫu nghiên cứu cho rằng phải cần đến hơn 1 năm, thậm chí là lâu hơn, SVTN mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Do chất lượng đào tạo vẫn còn thấp, nên các DN phải tốn nhiều thời gian và chi phí cho việc đào tạo lại, đào tạo bổ sung để những người mới được tuyển dụng có thể đảm đương được các công việc được giao. Kết quả khảo sát đã cho thấy đa phần các khóa đào tạo này có liên quan đến yêu cầu bổ sung kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, khả năng thực hành và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Việc đào tạo bổ sung các kỹ năng mềm cũng được các DN hết sức quan tâm, đặc biệt đối với SVTN khối ngành Kinh tế-Quản lý.
Sự thiếu hụt hoặc không phù hợp về các kỹ năng mà trường ĐH đào tạo cho sinh viên so với yêu cầu của DN đang đặt các trường ĐH vào tình thế cấp bách phải đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, đồng thời đảm bảo các điều kiện để thực hiện việc đổi mới thành công. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ, từ việc thay đổi nhận thức, hoạch định các chính sách vĩ mô đến các hoạt động tác nghiệp cụ thể trong từng trường ĐH và DN. Ở đây, sự liên kết chặt chẽ giữa trường ĐH và DN có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở
142
vững chắc cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu DN và làm cho họ hài lòng.
5.1.2. Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu
Các kết quả nghiên cứu trên đây vừa có ý nghĩa về mặt lý luận vừa có ý nghĩa thực tiễn. Nó góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề về đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH cũng như mối quan hệ giữa chất lượng với sự hài lòng của DN sử dụng lao động và sự khác biệt trong đánh giá chất lượng và sự hài lòng của DN theo các nhân tố ảnh hưởng khác nhau.
Việc đánh giá này đã được lượng hóa bằng các chỉ số cụ thể dựa trên bộ tiêu chí và mô hình đánh giá đề xuất, qua đấy đã góp phần trả lời được câu hỏi: Các kiến thức và kỹ năng SVTN ĐH thu nhận được trong quá trình đào tạo ở nhà trường có đáp ứng được các yêu cầu mà DN đặt ra và có làm cho DN hài lòng hay không? Mức độ đáp ứng với từng kỹ năng cụ thể ra sao? Với các đối tượng DN khác nhau và với các khối ngành đào tạo khác nhau thì mức độ đáp ứng chất lượng và mức độ hài lòng có khác nhau hay không?
Đấy là những thông tin hữu ích đối với các cơ quan quản lý, các trường ĐH, các DN và bản thân sinh viên và người lao động trong DN, trong việc hoạch định chính sách, xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp cho một nền kinh tế thị trường đang phát triển.
Bộ tiêu chí đánh giá đề xuất của luận án, cũng như phương pháp khảo sát, xử lý kết quả, có thể là một gợi ý tốt để các trường ĐH, các cơ quan quản lý, các hiệp hội DN tham khảo để tiến hành các đánh giá tương tự.
5.1.3. Một số hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo
Đề tài nghiên cứu của luận án tập trung vào việc đánh giá mức độ hài lòng của DN đối với chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH. Đây là một đề tài rất rộng và phức tạp, đòi hỏi phải thu thập nhiều thông tin, có nhiều số liệu cập nhật, phạm vi khảo sát phải rộng và mang tính bao quát.
Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian và điều kiện thực hiện (đây chỉ là một nghiên cứu cá nhân trong phạm vi đề tài của một luận án) nên kết quả nghiên cứu không thể tránh khỏi một số hạn chế như tính khái quát chưa cao, phạm vi khảo sát chưa đủ rộng và đại diện, các nhân tố tham gia vào mô hình chưa thật đầy đủ.
Chính vì vậy, các hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài có thể tập trung vào việc mở rộng phạm vi khảo sát (chọn mẫu DN không chỉ theo loại hình DN mà còn kết hợp theo địa phương hoặc lĩnh vực hoạt động), bổ sung thêm các khối ngành đào tạo khác (ngoài 2 khối ngành Kỹ thuật-Công nghệ và Kinh tế-Quản lý), bổ sung thêm các nhân tố tham gia vào mô hình (chẳng han như loại hình đào tạo, loại hình trường và uy tín của cơ sở đào tạo) hoặc có thể xác định mức độ ảnh hưởng cụ thể của từng nhân tố đến mức độ hài lòng của DN sử dụng lao động.
Bộ tiêu chí phản ánh các kỹ năng cần có của SVTN ĐH cũng như mối quan hệ