Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa

Một phần của tài liệu nghiên cứu đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp sử dụng lao động về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ đại học ở việt nam (Trang 147)

Đội ngũ giảng viên là nguồn lực quan trọng nhất, có vai trò quyết định đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa cần được xem là nhiệm vụ chiến lược trong toàn bộ sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo, trong đó có việc thực hiện mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao ở trình độ ĐH.

Yêu cầu đặt ra hiện nay này là phải xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức, có lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được các chuẩn mực đặt ra của đổi mới GDĐH trong giai đoạn CNH- HĐH và hội nhập quốc tế.

Để làm được việc này, Bộ và các trường ĐH cần có lộ trình và giải pháp cụ thể để thực hiện quy định của Chính phủ về tỷ lệ sinh viên/1 giảng viên. Theo đó, đến năm 2020, tỷ lệ này phải đạt từ 17-26 sinh viên/1 giảng viên, trong đó số giảng viên có trình độ tiến sỹ chiếm khoảng 21% đối với ĐH và khoảng 4% đối với cao đẳng.

Đối với các trường công lập, ngoài việc tăng chỉ tiêu tuyển dụng hàng năm (thông qua quỹ lương được cấp từ ngân sách Nhà nước), cần mở rộng hơn nữa chế độ giảng viên theo hợp đồng đối với những người được tuyển dụng mới và những người đã nghỉ hưu nhưng vẫn có khả năng và điều kiện tiếp tục tham gia giảng dạy. Các trường cần được quyền chủ động nhiều hơn nữa trong việc quyết định mức lương và nguồn trả lương cho giảng viên từ tổng ngân sách của trường dựa trên khối lượng và hiệu quả công việc để thu hút được những người có năng lực, trình độ và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Đối với các trường ngoài công lập, cần có các quy định cụ thể, mang tính bắt buộc hơn về giảng viên cơ hữu, khắc phục tình trạng một số trường hoạt động chủ yếu dựa vào lực lượng giảng viên từ bên ngoài, chưa quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, hoặc một người lại đăng ký làm giảng viên cơ hữu ở nhiều cơ sở đào tạo ngoài công lập. Đồng thới, cần nhanh chóng xóa bỏ môt số phân biệt không

148

cần thiết giữa giảng viên trường công và trường tư, giữa giảng viên hưởng lương từ ngân sách với giảng viên hợp đồng. Đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng này về nhiệm vụ và quyền lợi.

Các trường cần có chính sách thu hút các chuyên gia giỏi từ các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở trong và ngoài nước để tham gia vào công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung và ban hành mới chế độ thỉnh giảng và kiêm nhiệm giảng dạy. Các trường ĐH cần dành một khoản kinh phí để mời các giáo sư là người nước ngoài, các Việt kiều tham gia xây dựng chương trình đào tạo và trực tiếp giảng dạy.

Cần tạo ra trong các trường ĐH một không khí dân chủ, tự do học thuật, tự do sáng tạo, một môi trường làm việc thuận lợi, để giảng viên phát huy hết khả năng của mình, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, vì sự phát triển của nhà trường và của xã hội.

Một phần của tài liệu nghiên cứu đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp sử dụng lao động về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ đại học ở việt nam (Trang 147)