Nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo

Một phần của tài liệu nghiên cứu đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp sử dụng lao động về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ đại học ở việt nam (Trang 66)

Trong những năm gần đây, nhiều trường ĐH đã có những cố gắng trong việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động và tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế cũng như xu hướng chung của GDĐH thế giới. Việc triển khai các chương trình liên kết với các trường ĐH nước ngoài, việc áp dụng một số chương trình đào tạo của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ , kinh tế và quản lý, … bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực. Một số chương trình đào tạo đã được thiết kế theo yêu cầu của DN và thực hiện tại DN, được các DN và người sử dụng lao động đánh giá tích cực.

67

Tuy nhiên, những thay đổi này mới chỉ là bước đầu và chưa mang tính phổ biến, cơ bản. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và ý kiến phản hồi từ các DN, chương trình đào tạo ở các trường ĐH-CĐ ở nước ta nhìn chung còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành và rèn luyện kỹ năng.

Trong báo cáo đánh giá của Đoàn khảo sát thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa kỳ (2006) về GDĐH trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật, điện-điện tử-viễn thông tại một số trường đại học Việt Nam, đã đưa ra đánh giá về những yếu điểm của chương trình đào tạo và các môn học bậc ĐH ở Việt Nam như sau:

- Số lượng các môn học quá nhiều (cần hơn 200 tín chỉ để tốt nghiệp), trong khi thông thường, các trường ĐH trên thế giới chỉ yêu cầu sinh viên từ 120 đến 150 tín chỉ. Để hoàn tất chương trình giáo dục đại học, sinh viên phải mất 4 đến 5 năm, thậm chí là 6 năm. Thời gian lên lớp của sinh viên Việt Nam cao gấp 1,5 đến 2 lần so với sinh viên các nước phát triển, trong khi thời gian tự học, tự nghiên cứu lại quá ít.

- Nội dung của nhiều môn học và chương trình đào tạo đã lỗi thời, không ngang bằng với các trường hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt, ít dạy về các khái niệm và nguyên lý, quá nhấn mạnh vào kiến thức dữ kiện. Nhìn chung, các môn học và chương trình đào tạo được thiết kế không dựa trên những mong đợi rõ ràng về những kiến thức, kỹ năng và thái độ mà sinh viên phải có được khi hoàn tất môn học hoặc khi tốt nghiệp một chương trình đào tạo. Do vậy, sinh viên thiếu các kỹ năng nghề nghiệp thông thường như làm việc theo nhóm, giao tiếp và viết bằng tiếng Anh, quản lý dự án, khả năng giải quyết vấn đề, có sáng kiến tích cực, năng lực học tập suốt đời.

- Tỷ lệ giữa các giờ học lý thuyết (khái niệm và nguyên lý, các kiến thức, dữ kiện) và giờ học thực hành/áp dụng (thực hành phòng thí nghiệm và các kinh nghiệm thực tế) chưa đảm bảo sự cân đối cần thiết. Ngay ở trong các trường kỹ thuật, công nghệ, chương trình đào tạo vẫn nặng về phần cơ bản, mang tính hàn lâm, nhẹ phần ứng dụng. Số giờ dạy các môn khoa học xã hội, chính trị là quá nhiều trong tương quan với các môn khoa học tự nhiên và xã hội. - Chương trình đào tạo nhìn chung thiếu tính hệ thống, thiếu mềm dẻo, linh

hoạt, chưa tạo thuận lợi cho việc liên thông, chuyển đổi giữa các ngành đào tạo.

Những nhận xét này cũng phù hợp với kết quả của một số nghiên cứu và phản ánh từ thực tế, nhất là phản ánh của SVTN và người sử dụng lao động (Đặng Bá Lãm, 2013), Dự án Giáo dục đại học 2 (2012). Riêng kết quả khảo sát của Dự án Giáo dục đại học 2 (2012) cho biết khi được hỏi để đánh giá mức độ hữu ích của các kiến thức, kỹ năng trong chương trình ĐTĐH đối với công việc hiện nay, gần một nửa sinh viên đã tốt nghiệp (47,3%) cho là “có ích”, 10,1% đánh giá là “rất có ích”. Trong khi đó, có tới 42,6% cho rằng chương trình đào tạo không phù hợp, các kiến thức, kỹ năng mà học thu nhận được là “không có ích” đối với công việc của họ.

Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy ở các trường ĐH nhìn chung còn quá lạc hậu, kém hiệu quả, vẫn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa coi trọng đúng mức việc dạy phương pháp tư duy. Ít có sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu mà việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo đặt ra.

Một phần của tài liệu nghiên cứu đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp sử dụng lao động về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ đại học ở việt nam (Trang 66)