tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm xã hội và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo
Đối với các hoạt động đào tạo, các trường ĐH cần được tự chủ nhiều hơn nữa trong việc xác định ngành nghề, quy mô đào tạo và hình thức tuyển sinh, chủ động xây dựng chương trình đào tạo, xác định mức học phí, … phù hợp với năng lực của trường, với yêu cầu của thị trường lao động, khả năng người dân và của nền kinh tế.
Để tăng quyền tự chủ cho các trường, cần giảm bớt đầu mối quản lý và hạn chế sự can thiệp của các cơ quan này vào các hoạt động cụ thể, mang tính tác nghiệp trong nhà trường. Cần sớm xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” theo tinh thần Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP, vì cơ chế này tạo sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước về GDĐH, vừa làm cho các trường ngày càng phụ thuộc vào cơ quan chủ quản, vừa đi ngược lại với xu thế phát triển của GDĐH thế giới. Một số chuyên gia quốc tế đã nhận định: “ở thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong số những quốc gia tương đối đơn độc trên thế giới còn duy trì cơ chế bộ chủ quản và không có một cơ quan điều phối thống nhất cho hệ thống GDĐH của mình” (Dự án Giáo dục đại học 2, 2012:112).
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, các trường mới chỉ quan tâm đến quyền tự chủ chứ ít quan tâm đến trách nhiệm giải trình, còn các cơ quan quản lý cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm này của các trường ĐH. Vì vậy, cần sớm ban hành các văn bản quy định trách nhiệm xã hội/trách nhiệm giải trình của các trường ĐH trên cơ sở 3 nội dung sau:
- Giải trình với các cơ quan quản lý về việc tuân thủ các quy định, chỉ dẫn của cấp trên. Đặc biệt, cần tập trung vào việc giải trình chất lượng đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng cũng như các cam kết về kết quả đầu ra. Cách thức giải trình chủ yếu dựa vào kết quả đánh giá khách quan của cơ quan kiểm toán và cơ quan kiểm định chất lượng đào tạo.
- Giải trình với xã hội, trước xã hội là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo niềm tin của công chúng vào việc phát huy quyền tự chủ của nhà trường, nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội. Yêu cầu cơ bản của giải trình này là phải minh bạch, công khai và trung thực. Điều này được thực hiện trên cơ sở xây dựng và phát triển một hệ thống thông tin về đào tạo với những chỉ số đủ để cung cấp cho sinh viên, phụ huynh, DN và người sử dụng lao động những thông tin tin cậy về chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường.
149
- Giải trình nội bộ là cơ chế kiểm soát bên trong cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo rằng các quyết định của người đứng đầu (Hiệu trưởng) đã được suy tính đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Chính sự hoạt động có hiệu quả của Hội đồng trường là điều kiện thực hiện cơ chế giải trình nội bộ để đem lại kết quả mong muốn.
Như vậy, tính tự chủ và trách nhiệm xã hội của trường ĐH là 2 mặt của một vấn đề, không thể tách rời nhau. Thiếu một trong 2 điều kiện này thì khó có thể nâng cao được chất lượng đào tạo. Quyền tự chủ của cơ sở đào tạo càng cao thì trách nhiệm xã hội của nhà trường càng lớn, không thể chỉ coi trọng mặt này mà xem nhẹ mặt khác.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường với các quy luật phổ biến như quy luật cung – cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị. Tuy nhiên, có thể nói, trong lĩnh vực ĐTĐH chưa có bước chuyển như trong lĩnh vực kinh tế. Rõ rệt nhất là hầu như chưa có cạnh tranh trong nội bộ ngành. Do chưa có cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng, nên cho đến nay chưa có trường ĐH nào phải sát nhập, giải thể do chất lượng đào tạo thấp. Người gánh chịu hậu quả này lại là người học, là các cơ sở tuyển dụng lao động và nói rộng ra là toàn xã hội. Vì vậy, việc thiết lập cơ chế cạnh tranh và tìm ra các giải pháp để thúc đẩy cơ chế này là việc rất quan trọng và cấp thiết. Nó sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và sự phát triển của toàn bộ hệ thống GDĐH.
Để làm được điều này, cần có sự thống nhất về mặt nhận thức, chấp nhận cơ chế thị trường trong đào tạo nhân lực trình độ ĐH, vận dụng các quy luật của cơ chế thị trường để phát triển, như phải biết hướng đến thị trường trong quan hệ cung cầu, phải có cạnh tranh, xem xét bài toán “lợi ích-chi phí”, tính toán đến hiệu quả, … Việc thúc đẩy cạnh tranh cần được thực hiện ở cả 3 cấp độ: trong nội bộ cơ sở đào tạo (ví dụ: giữa các giảng viên, giữa các bộ phận trong trường, …), giữa các cơ sở đào tạo với nhau, và giữa các cơ sở đào tạo của Việt Nam với các trường của nước ngoài.
Ngay đối với công tác phục vụ đào tạo, quản lý sinh viên, cũng cần phải thay đổi tư duy, chuyển từ quan niệm cũ, coi sinh viên là đối tượng quản lý sang quan niệm mới, coi họ là đối tượng phục vụ, là khách hàng của trường ĐH. Điều này sẽ góp phần làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo, từ đó nâng cao được chất lượng đào tạo.