Môi trường kinh tế
Từ năm 1990 đến 2010, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 7,3%, thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp năm lần.
Nhưng Việt Nam đã phải trải qua những cơn sóng gió chưa từng có trong nền kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây, lạm phát hai con số, tiền đồng mất giá, nguồn vốn tháo chạy và suy giảm dự trữ ngoại hối.. làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư. Tăng trưởng nhanh cũng làm bộc lộ những vấn đề mang tính cơ cấu. Chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng vẫn là nguyên nhân gây quan ngại nặng nề do tăng trưởng kinh tế sử dụng quá nhiều tài nguyên, ô nhiễm cao và hàng xuất khẩu thiếu đa dạng và ít có GTGT, tỉ trọng đóng góp của năng suất vào tăng trưởng ngày càng giảm. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang bị đe dọa bởi sản xuất điện không theo kịp nhu cầu, chi phí hậu cần và giá cả bất động sản leo thang, tình trạng thiếu lao động có kỹ năng ngày càng phổ biến. [1]
Môi trường chính trị, pháp luật
Ngày 01/7/2010, Luật Viễn thông tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, qui định chặt chẽ về đầu tư kinh doanh dịch vụ thông tin di động, xây dựng hạ tầng kỹ thụât thông tin di động; quản lý mạng thông tin di động, quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ thông tin di động. Đây là cơ sở pháp lý bắt buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh những bất cập hiện nay trong ngành thông tin di động và tạo ra một sân chơi cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhà nước cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực này theo hướng cổ phần hóa.
Môi trường dân số học
Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 3 ASEAN và thứ 13 trên thế giới. Tổng dân số của Việt Nam khoảng 86 triệu người, trong đó có 65% dân số dưới 30 tuổi. Đây là thời kỳ dân số vàng, nhóm dân số trong độ tuổi lao động cao gần gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc. Cả nước có 43,8 triệu người trong độ tuổi lao động đang làm việc, chiếm 51,1% dân số.
Sự phát triển của xã hội khiến nhu cầu tiêu dùng các dịch vụ công nghệ tiên tiến ngày càng tăng cao. Dịch vụ điện thoại di động không còn là mặt hàng xa xỉ, mà đang dần trở thành thông dụng với mọi đối tượng nhân dân. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho phát triển các dịch vụ.
Người dân ở thành thị có thu nhập và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, số đông sẵn sàng chi trả cho dịch vụ chất lượng cao. Nhưng chênh lệch giàu nghèo giữa người dân ở thành thị và người dân ở nông thôn rất lớn. Vì vậy, ở nông thôn đa số người dân quan tâm nhiều đến hàng hóa cụ thể hơn là dịch vụ vô hình, coi trọng giá rẻ hơn là chất lượng. Để đáp ứng nhu cầu cho các nhóm khách hàng khác nhau, nhà cung cấp dịch vụ phải cân đối giữa dịch vụ gia tăng, chất lượng dịch vụ và chi phí cộng thêm liên quan, thiết kế được những gói dịch vụ phù hợp để được nhiều đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.
Môi trường kỹ thuật công nghệ
Tiến bộ khoa học công nghệ trong Ngành Viễn thông và Công nghệ thông tin tạo điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ, làm nền tảng cho phát triển xã hội thông tin. Lĩnh vực thông tin di động được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại, ứng dụng phát minh và thành tựu khoa học kỹ thuật mới: Tổng đài điện tử kỹ thuật số GSM dung lượng lớn, công nghệ băng thông rộng, tốc độ cao, bảo mật cao và có khả năng phát triển các dịch vụ tích hợp với nhiều tiện ích, các trạm phát sóng chất lượng cao là điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của Dịch vụ thông tin di động.
Môi trường tự nhiên
Việt Nam có hình dạng trải dài và hẹp, nhiều đồi núi, dân cư phân bố không đồng đều nên rất khó bố trí và tối ưu hóa số trạm phủ sóng rộng khắp để đáp ứng được nhu cầu của mọi người dân. Nếu muốn tối ưu phải chấp nhận tốn nhiều chi phí. Đây cũng là vấn đề quan ngại của các nhà mạng.