ĐẦU TƯ CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG
3.2.2 Nhóm giải pháp cho chỉ đạo thực hiện chính sách
* Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân trong xây dựng và phát triển kinh tế, thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
Trong những năm qua, chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp đã sát cánh cùng các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, các tổ nhóm liên kết… trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng đời sống mới. Tuy nhiên hiệu quả thực thi của chính sách vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân, nông dân là vô cùng quan trọng.
Thực tế cho thấy, người nông dân vẫn còn sản xuất nông nghiệp phần nhiều bằng lao động thủ công, chưa biết đến việc tiếp cận chính sách để được hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất. Trong khi chính sách thực thi là dành cho những hộ nông dân cần có nhu cầu được mua máy móc thiết bị cơ giới, việc tiếp cận để được hỗ trợ và hưởng ưu đãi từ chính sách là rất dễ, không hề khó khăn đối với các hộ nông dân, do đó Hội Nông dân tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để các hộ nông dân có cơ hội được tiếp cận với chính sách.
Đối với các hộ đã được chính sách hỗ trợ mua máy móc cơ giới, nên tuyên truyền, hướng dẫn họ sử dụng máy móc đúng mục đích và có hiệu qủa, vì chỉ khi sản xuất kinh doanh có hiệu quả mới hoàn trả được vốn vay và phát triển kinh tế hộ gia đình. Nếu người dân mua máy nhưng lại bán đi để lấy tiền phục vụ cho mục đích tiêu dùng thì chính sách cũng không thực thi được hiệu quả, hộ nông dân không thể tích lũy để trả nợ vốn vay và cũng không thể giúp cho chính họ thoát nghèo.
Về phương pháp tuyên truyền, có thể kết hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền bằng văn bản đến các thôn, xóm; tuyên truyền qua các cuộc họp thôn hoặc cán bộ chi tổ Hội trực tiếp tuyên truyền đến các hộ gia đình. Biên soạn và phát hành các tài liệu hỏi- đáp về chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, đặc biệt là đối tượng, điều kiện, thủ tục vay vốn, chủng loại máy móc được ưu tiên hỗ trợ… nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động của các Ban, Đảng, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin truyền thông
đến hộ nông dân.
Hội Nông dân tỉnh cần phối hợp với các tổ chức, đoàn thể khác như Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh và các cơ quan thông tin truyền thông để xây dựng kế hoạch hoạt động tuyên truyền và triển khai thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, nội dung thiết thực, đồng thời tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho lãnh đạo, cán bộ các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở, tạo thành lực lượng nòng cốt ở cơ sở để triển khai ra diện rộng.
Các cơ quan truyền thông cần kịp thời phát hiện và biểu dương những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những điển hình tiên tiến trong việc sản xuất nông nghiệp bằng máy móc cơ giới hóa đạt kết quả cao, có hiệu quả.
* Huy động các nguồn vốn cho vay hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp
Nhu cầu về đầu tư máy móc cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân rất nhiều, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh cho thực thi chính sách lại giới hạn về số lượng máy móc được hỗ trợ dẫn đến có nhiều hộ gia đình mặc dù đủ điều kiện được vay vốn để đầu tư máy móc nhưng vẫn chưa được hỗ trợ. Để chính sách đến được với người dân một cách công bằng hơn thì chính quyền tỉnh nên có thêm các hình thức huy động nguồn vốn hỗ trợ từ nhiều quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ xóa đói giảm nghèo, sự ủng hộ hoặc đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Việc huy động thêm nguồn vốn từ các quỹ chính sách cho nông dân cũng nằm trong mục tiêu hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà các quỹ đề ra, do đó việc huy động vốn cũng là việc làm cần thiết mà các quỹ hưởng ứng. Đặc biệt trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương, kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới và kinh phí đóng góp của người dân là tương đối lớn. Cần phải tranh thủ một phần nguồn kinh phí này đầu tư cơ giới hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp
Mặt khác có thể huy động từ các ngân hàng trong tỉnh, chính sách chỉ quy định một ngân hàng cung ứng vốn vay là ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh,
nhưng có thể mở rộng thêm các đối tượng cung ứng để các Ngân hàng cạnh tranh nhau với mức lãi suất cho vay cạnh tranh, dẫn đến chi phí mà Ngân sách tỉnh bỏ ra chi trả lãi suất sẽ giảm hơn, người dân có thể lựa chọn Ngân hàng thuận tiện với nhu cầu của mình nhất, chăm sóc dịch vụ cho họ một cách thõa mãn nhất.
* Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo thường xuyên của các cấp, ban ngành của chính quyền tỉnh đến cơ sở đối với công tác tổ chức thực thi chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp
Công tác tổ chức thực thi chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp được thực hiện tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự lãnh đạo của cấp Uỷ, chính quyền từ tỉnh đến địa phương, nó có ý nghĩa quyết định, đảm bảo cho công tác thực thi chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp đạt kết quả tốt.
Việc thực thi chính sách là trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp cơ sở, ban ngành và toàn thể cộng đồng, vì vậy cần sự chỉ đạo, định hướng chính xác đúng đắn các phương pháp, mục tiêu để huy động được toàn bộ mọi tiềm năng, nguồn lực trong cộng đồng vào việc thực thi chính sách. Và để thực hiện tốt công tác tổ chức thực thi chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp cần được sự quan tâm, chỉ đạo hơn nữa của ban ngành cấp trên, từ đó sẽ thực hiện được nhiều kế hoạch, chương trình hỗ trợ cho nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kinh tế hộ gia đình có hiệu quả.
Cùng với đó giữa các cấp phải có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, để từ xã đến huyện và đến tỉnh đều nắm được kế hoạch thực hiện, nắm bắt cụ thể chính sách. Và việc đôn đốc, kiểm tra thường xuyên từ tỉnh đến huyện cũng đòi hỏi phải có sự kết hợp, làm việc thường xuyên giữa các ban ngành.
* Vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ
Đào tạo công nhân, cán bộ kỹ thuật sử dụng, chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, máy phục vụ sản xuất, đào tạo kỹ năng quản lý cho các tổ dịch vụ nông nghiệp để tổ chức dịch vụ hiệu quả. Tổ chức đào tạo công nhân vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị cơ giới hóa tạo đội ngũ công nhân lành nghề, hoạt động dịch vụ
cơ giới hóa có hiệu quả. Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn tạo việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định hỗ trợ việc thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Đối với nhân lực lái máy, ước tính toàn tỉnh Hải Dương cần tối thiểu 3000 đến 5000 nhân lực kỹ thuật nhằm quản lý sử dụng và khái thác máy móc nông nghiệp. Nguồn lao động này phải được đào tạo về kiến thức sử dụng máy, kiến thức quản lý và khai thác máy móc dịch vụ cơ giới hóa, tiến đến cấp chứng chỉ riêng.
Nếu lấy con số tham khảo về đào tạo lái xe, để đào tạo 01 lao động này cần chi phí 5,0 triệu đồng, thì nhu cầu kinh phí đào tạo có thể lên đến 15- 25 tỷ đồng, nguồn kinh phí trên có thể được hỗ trợ một phần từ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phần còn lại huy động từ ngân sách hàng năm của tỉnh và một phần kinh phí từ các nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhưng khó nhất là tìm đâu ra giáo viên và các cơ sở trường lớp để dạy cho họ do đào tạo nghề phải có các máy móc thực hành.
- Đào tạo kỹ thuật viên cơ khí: Xã hội hóa công tác đào tạo nghề theo hướng đào tạo ngắn hạn, gắn với chuyển giao máy móc, công nghệ. Người học nghề sử dụng, vận hành máy nông nghiệp, bảo quản nông sản được hưởng các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, được cấp “Thẻ học nghề” với mức hỗ trợ tối thiểu 700.000 đồng cho một kháo huấn luyện.
Về tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ- TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập khá đầy đủ từ chương trình, giáo trình đến việc mở trường, lớp, trang thiết bị và giáo viên v.v. Tuy vậy, một vấn đề lớn được đặt ra là làm sao cho việc dạy nghề đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của mỗi địa phương, có kết quả thiết thực, tránh tình trạng dạy cái ta có, không dạy cái thị trường cần. Chẳng hạn như việc đào tạo nghề thủ công cần được thực hiện theo ba cấp độ khác nhau: 1) đào tạo cho những lao động phổ thông chưa biết nghề để họ có ít nhất một nghề thông thạo; 2) bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới cho những người đã có nghề nhưng tay nghề chưa đủ mức thành thạo, để
họ trở thành thợ giỏi; 3) bổ túc kiến thức khoa học, công nghệ mới cho nghệ nhân để những người này cập nhật được kiến thức mới, công nghệ mới. Do đó cần chương trình, giáo trình phù hợp với những phương thức dạy nghề linh hoạt. Tùy theo điều kiện từng xã hoặc thôn, tỉnh Hải Dương có thể sử dụng một trong ba mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn như sau:
- Mô hình 1: Đào tạo nghề, tổ chức việc làm để xây dựng làng nghề mới. Đây là mô hình được áp dụng cho những địa phương thiếu ruộng đất, có nhiều lao động nhưng thiếu việc làm, chính quyền địa phương có nhu cầu quy hoạch hình thành làng nghề mới. Sau khi tốt nghiệp, học viên về địa phương hành nghề dần dần hình thành làng nghề.
- Mô hình 2: Đào tạo nghề, tổ chức việc làm kết hợp phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương. Đây là mô hình được áp dụng đối với các nghề đào tạo gắn với nguyên liệu địa phương, giao cho đơn vị có khả năng tổ chức, xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức đào tạo và bao tiêu sản phẩm; học viên là lao động trong vùng quy hoạch trồng nguyên liệu.
- Mô hình 3: Đào tạo nghề, tổ chức việc làm cho lao động nông thôn để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống. Đây là mô hình áp dụng cho các làng nghề hiện có; địa phương có lao động nhưng chưa có nghề, không có việc làm hoặc ít việc làm, lại đang có nguyện vọng học nghề để có việc làm ngay tại địa phương. Ưu tiên tổ chức dạy những nghề truyền thống đang phát triển hoặc có triển vọng phát triển bền vững.