13 Các loại máy khá
2.4.3 Điểm yếu của tổ chức thực thi chính sách
Bên cạnh những thuận lợi có được từ chính sách, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục như sau:
* Về chuẩn bị triển khai chính sách
- Chưa có quy định cụ thể về phân công các thành viên Ban chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh trong việc hướng dẫn cụ thể Ban chỉ đạo và thực thi chính sách Hội Nông dân cấp cơ sở huyện, thành phố, thị xã triển khai kế hoạch hỗ trợ nông dân trong việc tìm hiểu và làm thủ tục được hỗ trợ mua máy móc cơ giới hóa của chính sách đến từng hộ nông dân nên các cán bộ Hội Nông dân các cấp vẫn còn lúng túng trong việc triển khai các kế hoạch thực thi chính sách.
- Một số huyện vẫn chưa thành lập bộ máy chỉ đạo thực thi chính sách, trong khi một số huyện khác lại chưa có quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm của Ban chỉ đạo cấp huyện
- Trình độ cán bộ cơ sở vẫn còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng của các lớp tập huấn và gây trở ngại trong việc phổ biến những chủ trương chính sách và phương pháp tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh. Mạng lưới tuyên truyền viên và báo cáo viên còn hạn chế, các cán bộ truyền thông chưa được đào tạo cơ bản về công tác tuyên truyền, báo cáo. Các cán bộ ở các cấp cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm trong khi công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa được triển khai dẫn đến năng lực và trình độ cán bộ còn yếu cả về chất lượng và số lượng.
- Việc lập kế hoạch triển khai chính sách mới chỉ dừng ở lập kế hoạch về hỗ trợ lãi suất, trong khí đó, nhu cầu của người nông dân còn cần cả về hỗ trợ vốn và hỗ trợ kỹ thuật. Việc lồng ghép các kế hoạch hỗ trợ cùng với thực thi chính sách chưa có hiệu quả mấy.
- Việc ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, huyện, thành phố, thị xã còn thiếu và ban hành chậm, thiếu đồng bộ, một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể nên các huyện, xã khó thực hiện.
Các văn bản đôn đốc chỉ đạo của UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh còn thiếu và chưa kịp thời.
- Tập huấn triển khai chính sách cho các cán bộ Hội Nông dân cấp cơ sở vẫn chưa được triển khai rộng rãi để đảm bảo nguồn nhân lực cho triển khai chính sách như tập huấn kiến thức và kỹ năng phát hiện nhu cầu cộng đồng, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng tập huấn. Bên cạnh đó việc tập huấn cho người dân còn mang tính lý thuyết, ít gắn với thực hành cụ thể.
* Về chỉ đạo triển khai chính sách
- Công tác tuyên truyền ở một số địa phương làm chưa tốt- nhất là cấp cơ sở, việc tuyên truyền chủ trương chính sách chưa đến được với người dân ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, đặc biệt là các cấp Hội, đoàn thể chưa chung tay cùng với các cấp chính quyền tuyên truyền vận động nhân dân hiểu biết về chính sách của Đảng và Nhà nước để tự vươn lên thoát nghèo. Một số hộ nông dân chưa biết chương trình hỗ trợ lãi suất vay vốn Ngân hàng mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp dẫn đến nhiều hộ thiếu vốn cần mua nhưng chưa đăng ký hoặc mua máy cũ, máy không đảm bảo chất lượng, không đúng chủng loại, vẫn còn một bộ phận người dân hoàn toàn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ 100% của Nhà nước... Việc quán triệt nội dung, tư vấn, định hướng thực hiện dự án cho nông dân chưa cụ thể, các nội dung tuyên truyền chưa đầy đủ như thông tin về quan điểm, mục đích, ý nghĩa của việc phát triển cơ giới hóa Nông dân một số nơi mua nhiều máy làm đất công suất thấp (từ 12 ML trở xuống), năng suất và chất lượng làm việc của máy không cao.
- Mặc dù các hình thức tuyên truyền khá đa dạng nhưng chưa được đẩy mạnh và phổ biến rộng rãi tới các thôn, xã vùng sâu vùng xa. Hội Nông dân tỉnh chưa xây dựng được trang thông tin để chuyển tải chính sách đến với từng người dân cũng như các cán bộ làm tổ chức thực thi chính sách ở các Hội Nông dân cấp cơ sở.
- Quản lý hoạt động tuyên truyền còn hạn chế từ xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến tổ chức hoạt động tuyên truyền; chưa phổ biến các mô hình điển hình làm giàu từ cơ giới hóa máy móc nông nghiệp; thiếu các buổi tọa đàm, trao đổi về
phương pháp làm giàu từ việc cơ giới hóa nông nghiệp; sự tham gia của người dân vào tuyên truyền còn hạn chế (các hộ nông dân đã được hưởng lợi từ hỗ trợ của chính sách chưa trở thành lực lượng truyền thông đắc lực).
- Cơ cấu phân bổ mua chủng loại máy của một số huyện, thành phố, thị xã và cơ sở chưa đồng đều. Việc khảo sát, tổng hợp nhu cầu các loại máy thực tế từ các hộ nông dân trong tỉnh còn chưa sát dẫn đến số lượng máy làm đất, ô tô tải nhẹ không đáp ứng được nhu cầu thực tế của các hộ nông dân trong tỉnh. Trong khi đó, 1 số loại máy như máy gặt rải hàng, máy sục khí, máy cấy, máy gieo hạt có giá trị thấp, các hộ nông dân có khả năng tài chính tự mua được, chưa cần sự hỗ trợ của tỉnh, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn các loại máy này kém hiệu quả.
- Nguồn vốn hỗ trợ cho thực thi chính sách vẫn còn hạn chế do toàn bộ đều được cấp từ Ngân sách của tỉnh, trong khi đó nhu cầu được hỗ trợ của người dân rất cao, mục tiêu phát triển cơ giới hóa của tỉnh cũng cần có thêm nguồn vốn để thúc đẩy sự phát triển. Chính quyền tỉnh cũng chưa đưa ra phướng hướng thu hút đầu từ về vốn từ bên ngoài, từ các tổ chức cá nhân và từ chính hộ nông dân, dẫn đến sự thiếu hụt của nguồn vốn ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ giới hóa trong nông nghiệp. Việc phối hợp, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác chưa đạt được những kết quả mong muốn. Tình trạng thiếu vốn ở một số chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp & PTNT các huyện, thành phố vẫn xảy ra trong thời gian thực hiện đề án; Một số chi nhánh ngân hàng cũng chưa "nhiệt tình" xét duyệt các thủ tục tạo điều kiện cho nông dân vay kịp thời hoặc cho vay chưa đủ tỷ lệ 75% tổng số tiền mua máy; có chi nhánh cấp huyện chưa nắm chắc hướng dẫn của liên ngành tỉnh, vẫn yêu cầu nông dân thanh toán lãi vốn vay (trong hạn mức được ưu đãi) hàng tháng hoặc khi xét cho vay yêu cầu phải có tài sản thế chấp...
- Sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành có liên quan chưa chặt chẽ, chưa đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phối hợp sức mạnh của nhiều lực lượng trong triển khai chính sách. Sự phối hợp trong hệ thống Hội Nông dân từ tỉnh tới huyện, xã còn hạn chế như phối hợp thông tin thực hiện, thông tin kiểm tra, đánh giá; ban hành văn bản triển khai hay đề xuất đổi mới chính sách.
- Các dịch vụ hỗ trợ cho cơ giới hóa như vận hành, bảo quản, sửa chữa, bảo dưỡng chưa được để ý, quan tâm nhiều. Cũng do diện tích canh tác còn nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả sử dụng của một số loại máy còn hạn chế, chưa phát huy được hết công suất. Do nhận thức của một số người dân thiếu thông tin nên khi lựa chọn mua máy và thiết bị máy trôi nổi trên thị trường, thương hiệu không rõ ràng, chất lượng không đảm bảo, không có dịch vụ chăm sóc khách hàng sau mua máy, do vậy ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trong sản xuất.
* Về kiểm soát sự thực hiện chính sách
- Công tác kiểm tra, giám sát đa phần chỉ là thủ tục, vẫn còn nhiều lỗi và hạn chế trong việc xử lý sai phạm của cán bộ, công chức thực thi chính sách hay người nông dân mua máy nhưng không sử dụng máy đúng mục đích. Việc kiểm tra ở một vài huyện và cơ sở chưa được tiến hành thường xuyên, có biểu hiện làm lướt nên khi cấp trên phát hiện sai sót phải làm lại hoặc huỷ hợp đồng, tốn công sức đi lại của người dân. Một số huyện gửi thủ tục hồ sơ máy nông nghiệp rất chậm như: Thanh Miện, Chí Linh, Tứ Kỳ; hồ sơ nhiều huyện còn sai, thiếu như: thiếu các biểu mẫu, chữ ký, ngày, tháng … Hồ sơ mua máy, thủ tục thanh quyết toán tiền hỗ trợ lãi suất gửi về tỉnh thiếu hoặc không đúng hướng dẫn, chưa đảm bảo thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân thanh toán với Ngân hàng.
- Chính quyền tỉnh cũng như Hội Nông dân tỉnh cũng chưa áp dụng được đồng bộ hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá chính sách, chương trình, dự án phát triển cơ giới hóa của tỉnh. Cho đến nay cũng chưa có hướng dẫn hay văn bản nào về các kế hoạch giám sát, đánh giá như kế hoạch về thời gian, nguồn lực và các chỉ tiêu giám sát, đánh giá.
- Vai trò của người dân trong việc xây dựng kế hoạch đến giám sát đánh giá sự thực hiện của chính sách cũng chưa thực sự được quan tâm.
- Mặc dù hoạt động đối thoại chính sách để tìm hiểu nhu cầu và phản hồi chính sách là một hoạt động rất cần thiết để nắm bắt nhu cầu của người dân, nhưng những hoạt động này chưa trở thành hoạt động sâu rộng để nâng cao mức độ cơ giới
hóa nông nghiệp trong sản xuất của người nông dân. Trong khi đó, nhu cầu về máy móc cơ giới hóa của người nông dân thì nhiều mà số lượng máy móc cơ giới được chính sách hỗ trợ vẫn còn hạn chế, quyết định của tỉnh về số lượng và chủng loại máy móc chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân về máy móc cơ giới hóa. Chính quyền tỉnh cũng chưa có phương hướng để điều chỉnh bổ sung thêm về số lượng hay chủng loại máy móc cơ giới hóa hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu của người nông dân.
- Bên cạnh đó, còn thiếu những chính sách hỗ trợ cho việc thực thi chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh Hải Dương.