NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ QUẢN LÝ NGUỒN THU CỦA CƠ QUAN BHXH VIỆT NAM
1.2.1. Nguồn hình thành
Ở Việt Nam hiện nay, nguồn hình thành nên quỹ BHXH (bao gồm cả quỹ BHXH, BHTN, BHYT mà gọi chung là quỹ BHXH) đã được quy định trong điều lệ BHXH hiện hành.
a) Nguồn thu BHXH (cả BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BH thất nghiệp) được hình thành như sau:
Thứ nhất, đó là phần đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự đóng góp hoặc hỗ trợ của Nhà nước trong một số trường hợp. Phần đóng góp này gọi chung là phí BHXH, là nguồn chiếm tỷ trọng lớn nhất và cơ bản của quỹ. Sự đóng góp của các bên phụ thuộc vào chính sách BHXH, vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi nước và phụ thuộc vào việc thiết kế các chế độ BHXH.
- Sự đóng góp của người lao động : người lao động đóng góp BHXH (nộp phí BHXH) để bảo hiểm cho chính mình, trên cơ sở trích một phần từ tiền lương/thu nhập nhận được trong quá trình làm việc. Sự đóng góp của người lao động là thực hiện dàn trải « rủi ro » theo thời gian.
- Sự đóng góp của người sử dụng lao động : người sử dụng lao động hàng tháng, trích từ quỹ lương của doanh nghiệp để đóng góp BHXH cho tổng số lao động mà doanh nghiệp thuê mướn. Sự đóng góp của người sử dụng lao động do luật quy định, thể hiện trách nhiệm của họ đối với người lao động. Mặt khác, sự đóng góp của người sử dụng lao động còn vì chính lợi ích của họ. Ở đây, những người sử dụng lao động đã thực hiện chia sẻ rủi ro lẫn nhau, để khi rủi ro xảy ra đối với người lao động mà họ thuê mướn, thì họ không phải chi phí những khoản tiền lớn để bồi thường cho người lao động, mà những chi phí này đã chuyển sang cơ quan BHXH, và vì vậy, tiến trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.
- Sự đóng góp của Nhà nước : BHXH không thể thiếu được sự đóng góp của Nhà nước. Trước hết, Nhà nước tham gia vào BHXH bằng cách Nhà nước đặt ra các luật lệ về BHXH, đó là những chuẩn mực pháp lý mà cả người lao động và người sử dụng lao động phải tuân theo. Hơn nữa, dưới nhiều hình thức, biện pháp và mức độ can thiệp khác nhau, Nhà nước không chỉ tham gia đóng góp và hỗ trợ thêm cho quỹ mà còn trở thành chỗ dựa để đảm bảo cho hoạt động BHXH ổn định và chắc chắn. Trong một số hệ thống BHXH, Nhà nước có thể đóng góp BHXH trực tiếp hoặc gián tiếp. Trường hợp tham gia trực tiếp vì Nhà nước cũng là người sử dụng số lượng lớn lao động là công chức làm việc ở khu vực quản lý nhà nước, khu vực sự nghiệp và được nhận lương từ ngân sách. Ngoài ra, với tư cách quản lý nền kinh tế, quản lý xã hội, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm giá trị của quỹ BHXH và hỗ trợ cho quỹ trong những trường hợp cần thiết.
Thứ hai, là phần tăng thêm do bộ phận nhàn rỗi tương đối của quỹ, được tổ chức BHXH chuyên trách đưa vào hoạt động đầu tư để sinh lợi. Do tính chất của các rủi ro xã hội và cac sự kiện xã hội phát sinh không đồng đều theo thời gian và không gian, nên trong quá trình hoạt động, có một bộ
phận của quỹ chưa sử dụng đến. Phần nhàn rỗi tương đối được đầu tư vào thị trường tài chính, hoặc thị trường bất động sản, hoặc các hoạt động đầu tư khác để sinh lợi.
Thứ ba, là phần thu từ tiền nộp phạt của những cá nhân và tổ chức kinh tế, do vi phạm luật lệ về BHXH. Theo quy định của pháp luật BHXH ở nhiều nước, đến một thời hạn quy định, nếu doanh nghiệp và người sử dụng lao động không nộp phí BHXH, sẽ phải chịu một khoản tiền phạt bằng một tỷ lệ nào đó trên tổng số tiền phải nộp ; đồng thời vẫn phải nộp phần phí BHXH theo quy định. Như vậy, tiền nộp phạt cũng là bộ phận tạo ra nguồn thu cho quỹ BHXH.
Thứ tư, là các khoản thu khác.
Như vậy, nếu gọi Qt là tổng quỹ BHXH thì cơ cấu của quỹ theo các nguồn thu như sau :
Qt = Qlđ + Qsdld + Qnn + Lđt + Tnp + Tk (3) Trong đó :
Qlđ : Là khoản đóng góp của người lao động
Qsdld : Là khoản đóng góp của người sử dụng lao động Qnn : Là khoản đóng góp hỗ trợ của Nhà nước.
Lđt : Kà khoản lợi nhuận do hoạt động đầu tư sinh lời từ phần nhàn rỗi của quỹ BHXH.
Tnp : Là khoản tiền nộp phạt của các cơ quan, doanh nghiệp chậm nộp BHXH theo quy định của pháp luật.
Tk : Là các khoản thu hợp pháp khác cho quỹ BHXH.
b) Nguồn thu BHYT, khác với BHXH, BHYT là loại hình bảo hiểm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì vậy quỹ BHYT hình thành được sử dụng cân đối thu-chi, khả năng kết dư quỹ thấp (vì phải chi trả tiền KCB cho các
đối tượng). Mặt khác, ngoài đối tượng lao động thuộc diện bắt buộc phải đóng BHYT, người sử dụng lao động đóng góp 1 phần tương tự như BHXH, BHYT còn được mở rộng về đối tượng đóng, hưởng đến hầu khắp dân chúng. Cụ thể, Luật BHYT 2008 của Việt Nam đã quy định 25 nhóm đối tượng thuộc diện đóng BHYT, phần lớn được Ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT (hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi…) Có thể nói, nguồn thu BHYT phần lớn là từ Ngân sách nhà nước hỗ trợ.