Đặc điểm kinh tế xã hội huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA HIỆU TRƯỞNG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ HUYỆN TỨ KỲ, TỈNH HẢI DƯƠNG (Trang 47)

Tình hình kinh tế xã hội trong nhiệm kỳ 2010 - 2015

- Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng cao, đạt bình quân 11,1%/năm. Nông nghiệp phát triển tương đối ổn định, dịch vụ tăng trưởng khá, công nghiệp- xây dựng phát triển mạnh, có bước đột phá. Cơ cấu kinh tế năm 2010 nông nghiệp 38,5% - công nghiệp, xây dựng 31,5% - dịch vụ 30% (mục tiêu: 38% - 32% - 30%). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 3,1%/năm (mục tiêu 4%/năm); công nghiệp- xây dựng 28,5%/năm (mục tiêu 27,6%/năm); các ngành dịch vụ 11,7%/năm (mục tiêu 13,2%/năm). Thu ngân sách huyện tăng bình quân 18,5%/năm. Chi ngân sách huyện tăng bình quân 8%/năm. Hoạt động thu chi ngân sách cơ bản đảm bảo theo quy định và đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện; hoạt động tài chính, tín dụng, ngân hàng mở rộng. Cơ sở hạ tầng được tăng cường; nguồn lực về đất đai và tiềm năng, thế mạnh tiếp tục được khai thác, sử dụng có hiệu quả.

- Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, trợ giúp các đối tượng khó khăn… được quan tâm và có nhiều tiến bộ. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nâng cao, chủ trương xã hội hóa, công bằng trong giáo dục được thực hiện tốt, công tác giáo dục đạo đức, hướng nghiệp, dạy nghề được quan tâm hơn; huyện đã có 28 trường đạt chuẩn quốc gia. Các chương trình y tế quốc gia được thực hiện có hiệu quả, công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, xây dựng xã đạt 10 chuẩn quốc gia về y tế được quan tâm thực hiện.

Các chỉ tiêu giảm sinh, giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 cơ bản được thực hiện. Chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được nâng lên. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đạt kết quả tốt, số làng, tỷ lệ gia đình, cơ quan văn hóa được công nhận vượt chỉ tiêu đề ra. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đảm bảo quy định, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhiều lao động được giải quyết việc làm, hoạt động từ thiện, nhân đạo đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức và cá nhân.

- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các tai, tệ nạn xã hội cơ bản được kiềm chế; các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo theo luật định.

- Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, công tác chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" được quan tâm chỉ đạo. Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Quy chế dân chủ ở cơ quan được triển khai, thực hiện đạt kết quả.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy dân chủ; thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh.

Các chủ trương phát triển giáo dục của Đảng bộ, chính quyền địa phương:

Ngay sau khi Trung ương Đảng có Nghị quyết 02 khóa VIII về giáo dục và đào tạo thì Tỉnh ủy Hải Dương cũng có Nghị quyết số 02 về phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó đề ra những chủ trương phát triển nhanh hơn để sớm đạt các mục tiêu của toàn quốc. Năm 2000 toàn tỉnh đã đạt phổ cập giáo dục đúng độ tuổi ở tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Tỉnh ủy có Nghị quyết về phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực (số 18/ KL/TU ngày 17/ 11/ 2004); chương trình về kiên cố hóa trường học. Đến nay toàn tỉnh đã xóa phòng học 3 ca, phòng học tranh tre. Tốc độ kiên cố hóa trường học diễn ra nhanh chóng chưa từng có.

Gần đây, ngày 28/ 01/ 2005 Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết và có thông báo về chủ trương phát triển các trung tâm hướng nghiệp và phổ cập giáo dục bậc trung học. Ngày 6/ 4/ 2005 ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương có Nghị quyết số 1500/QĐ-UB phê duyệt đề án phổ cập bậc trung học, trong đó giai đoạn 2005-2010 huy động 95-97% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và học trung học.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Huyện ủy Tứ Kỳ có chương trình tiếp tục hoàn thiện, xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia. Đó là một trong 9 chương trình Huyện ủy tập trung chỉ đạo trong giai đoạn 2010 - 2015. Ủy ban nhân dân huyện Tứ Kỳ tiếp tục triển khai đề án xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia. Trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2015 có 90% trường tiểu học, 20% trường trung học cơ sở trong huyện đạt chuẩn quốc gia. Đại hội Đảng bộ huyện Tứ Kỳ khóa 23 (năm 2010) đề ra mục tiêu đến 2020 xây dựng 100% trường tiểu học, 30% trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.

Trong các năm học từ 2010 - 2015 Huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện Tứ Kỳ chỉ đạo 4 trọng tâm phát triển kinh tế xã hội: Cánh đồng 50 triệu/ ha/ năm; Kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông; Xây dựng trường chuẩn quốc gia; Xây dựng làng văn hóa.

Trong ba năm qua Huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện Tứ Kỳ chỉ đạo các địa phương bán đấu thầu quyền sử dụng đất để dùng tiền cho xây dựng trường chuẩn quốc gia. Ngoài ra nghiêm cấm dùng tiền này vào mục đích khác.

Đảng bộ và chính quyền các xã đang tập trung cao nhất khả năng của mình cho việc thực hiện đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Sự quan tâm của toàn dân đến giáo dục cũng đang ở thời kỳ tốt nhất. Giáo dục và đào tạo đã được toàn Đảng, toàn dân và các bậc phụ huynh ý thức được là "Quốc sách hàng đầu". Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã phát triển thành phong trào. Kết quả xây dựng cơ sở vật chất trường học trong 5 năm qua đã đạt được cao hơn 20 năm trước đó.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA HIỆU TRƯỞNG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ HUYỆN TỨ KỲ, TỈNH HẢI DƯƠNG (Trang 47)

w