Giọng điệu hài hước hóm hỉnh

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 129)

5. Cấu trúc luận văn

3.4.2. Giọng điệu hài hước hóm hỉnh

Văn chương của Vũ Trọng Phụng có ý nghĩa tố cáo xã hội gay gắt. Bên cạnh giọng điệu mỉa mai châm biếm có giá trị phê phán đả kích xã hội thì giọng điệu hài hước hóm hỉnh lại tạo nên tiếng cười nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, thấm thía.

Tiếng cười trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng vang lên ở mỗi tác phẩm mang những sắc thái cung bậc khác nhau. Ở tiểu thuyết Số đỏ, tiếng cười được bật lên từ những ngôn ngữ bình dân suồng sã, đặc biệt là ngôn ngữ vỉa hè được người kể chuyện sử dụng hết sức hữu dụng trong tác phẩm. Ngay mở đầu tác phẩm cuộc đối thoại giữa Xuân với cô hàng nước mía :

-...Cứ ỡm ờ mãi!

- Xin một tị một tị tì ti thôi! - Khỉ lắm nữa!

- Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn...

Cách nói dân giã kết hợp với châm ngôn tục ngữ vừa tạo nên giọng điệu dân giã, sinh động, rất có duyên trong việc miêu tả bản chất đối tượng, mặt khác lại tạo nên được những tiếng cười rất hồn nhiên của tác phẩm. Bên cạnh ngôn ngữ dân giã, giọng điệu hài hước còn được tạo nên bởi thủ pháp so sánh đầy bất ngờ của người kể chuyện. Chẳng hạn, khi miêu tả cái giật mình của ông thầy số khi bị Xuân đánh thức: “ chẳng kém những cảnh sát lúc biên phạt”. Khi tán tỉnh cô hàng nước mía, tiếng cười của Xuân được so sánh “hí hí như ngựa”. Khi gặp VicTor Ban ở khách sạn Bồng Lai, Xuân được miêu tả “ đứng ngây mặt ra như bằng gỗ”. Khi được giục lên phát biểu trong buổi khánh thành sân quần vợt, Xuân ngúc ngắc “như một cái máy có người vặn”. Hoặc khi từ khi bất đắc dĩ Văn Minh phải tẩy sạch cái quá khứ của Xuân để Xuân có địa vị xứng đáng với em gái mình, Văn Minh luôn đứng bên cạnh Xuân “như một con chó trung thành với chủ”. Bà Phó Đoan ôm con chó của

130

mình thì như “ ôm một người tình nhân”, trang phục của bà thì mỏng dính “chẳng khác gì một tín đồ của chủ nghĩa khỏa thân”...Có thể nói cách so sánh trong tiểu thuyết Số đỏ là hết sức đặc biệt. Nó vừa tạo nên những hình ảnh so sánh bất ngờ, đồng thời tạo nên sự liên tưởng thú vị nơi người đọc. Thông qua nghệ thuật so sánh, đối tượng được hiện lên sinh động, hấp dẫn, hình ảnh nhân vật hiện lên rõ ràng sắc nét . Nghệ thuật phóng đại góp phần không nhỏ tạo nên tiếng cười trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Trong chương thứ XV, trong khi gia đình bối rối trước việc ra đi của cụ cố tổ, “thằng bồi tiêm đã đếm được đúng một nghìn tám trăm bẩy mươi hai câu gắt : Biết rồi khổ lắm nói mãi” của cụ cố Hồng. Hoặc ở chương XX, khi đã trở thành một anh hùng, một vĩ nhân, sự sung sướng của cụ cố Hồng được thể hiện “ nằm xuống kéo điếu thuốc phiện thứ chín mươi sáu, và nghĩ cách để bị đấm nữa thì mới thật là mãn nguyện..”. Những con số như “một nghìn tám trăm bẩy mươi hai” hay hút điếu thuốc phiện “thứ chín mươi sáu” là những con số phóng đại nhưng nó lại góp phần khắc họa được chân dung vừa có tính châm biếm vừa có tính kì quặc.

Đôi khi tiếng cười trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng lại được bật lên bằng những hiểu nhầm tức cười trong cuộc sống. Ngày khánh thành sân quần vợt, bà Phó Đoan đã mời nhiều người xuống sân:

“Khi xuống đến sân thì ai cũng phải cảm động...Ôi! Thật là một triệu chứng tốt cho thể thao nước nhà, cho tương lai phụ nữ : trên rặng lưới của cái sân quần còn mới nguyên như một cô gái còn tân, người ta thấy một ...hai...ba...bốn ...cái quần, quần đùi, quần ngủ, quần ra phố, quần ở nhà, cái nào cũng bằng lụa, hoặc trơn, hoặc thêu đăng ten, những cái có thể khiến những ông cụ già trông thấy cũng phải lai láng lòng xuân, mà chính lại là của bà Phó Đoan!

Điên người lộn ruột lên, bà Phó Đoan gọi ngay người vú già ra mắng cho một trận kịch liệt, thì vú già cổ hủ và bảo thủ ấy cứ lầu nhầu:

- Ai biết đâu đấy! Gọi là sân quần thì ai chẳng tưởng để phơi quần”

Thực ra trong chi tiết hiểu nhầm bất ngờ này, người kể chuyện không nhằm phê phán hay đả kích một đối tượng nào chỉ nhằm bật lên tiếng cười, đồng thời chế giễu

131

vú già cổ hủ bảo thủ không biết đến môn thể thao rất được ưa chuộng và chế giễu sở thích thời trang của bà Phó Đoan.

Nghệ thuật phóng đại, lối so sánh bất ngờ cùng với lối nói hài hước dí dỏm tạo nên cho tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng một đặc trưng riêng. Đọc tiểu thuyết của nhà văn, người đọc có thể thấy toàn bộ câu chuyệ là sự bịa đặt, người kể chuyện cố tình bịa ra để gây cười. Nhưng điều đặc biệt là, khi gấp trang sách lại thì những điều bịa đặt ấy lại thật hơn cả việc thật. Nghệ thuật phóng đại càng được tô đậm thì tính chất điển hình càng trở nên rõ nét.

Ở các tiểu thuyết khác, giọng điệu hài hước hóm hỉnh tuy không được sử dụng thỏa mái như ở tiểu thuyết Số đỏ nhưng cũng góp phần không nhỏ tạo nên giọng điệu riêng của người kể chuyện trong tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ví dụ ở tiểu thuyết Vỡ đê, sự kết hợp giữa lối so sánh, cùng thủ pháp phóng đại, người kể chuyện đã tạo nên tiếng cười hài hước thật bất ngờ mà cũng không kém phần sinh động khi miêu tả thói quen của quan huyện: “ Quả đất có thể không quay nữa, chứ ông huyện mà không ngủ trưa thì không xong”. Đôi khi, giọng điệu hài hước hóm hỉnh lại được bật lên thông qua những mâu thuẫn nghịch lý được người kể chuyện phát hiện: “Trong khi làm việc ích chung đó thì họ không làm nổi cái việc ích nhất cho họ”....

Trong tiểu thuyết Trúng số độc đắc, tiếng cười lại được bật lên thông qua những tình huống bất ngờ gây cười như đoạn miêu tả: “Phúc lên gác lấy vé, và lúc xuống thang, anh vô ý để cho một chiếu guốc lăn xuống các bậc gỗ kêu lạch cạch. Cả ba người ở dưới cùng vội thất thanh: - Chết nỗi! Có hề gì không...” Hoặc khi miêu tả về cái tính phục tùng của cha Phúc trước oai quyền của đồng tiền, cách nói chơi chữ đã tạo nên hình ảnh hài hước về nhân vật này: “ Sung sướng như một nịnh thần được bạo chúa nghe theo một ý kiến, cụ phán ông chẳng kịp kìm cương được sự lễ phép nó tốc hành ra ngôn ngữ”... Sự hiểu nhầm giữa Phán ông và Phán bà trước việc Phúc hỏi về số tiền cúng biếu khiến cho hai nhân vật ngã ngửa ra mà đổ tội cho nhau: “Hai vị phụ mẫu của nhà tư bản đã bắt đầu lấm lét nhìn trộm nhau. Cụ bà thề ngay với thiên địa quỷ thần quyết không tha thứ cho cụ ông về cái tội dám cho năm

132

trăm bạc còn là nhỏ. Nhưng vốn có cái óc thông minh vặt của những viên chức trung thành không khi nào chịu ông sếp mắng dẫu là quả có tội, cụ ông không run sợ về vẻ mặt hình như thốt nhiên mà sa chữ nãi của cụ bà. Cụ chỉ đau đớn xót xa, muốn ngẫu hứng nên một bài thơ cổ chửi cái thói đời đen bạc một vố chơi”. Cảnh Phán ông kì kèo trả tiền xe cũng được người kể chuyện miêu tả bằng một thứ ngôn ngữ nói ngược hết sức hài hước:“Cụ Phán gọi xe, mặc cả và theo lối đa số các cụ thượng lưu nhân vật, nhất định không chịu thua phu xe một đồng xu”....

Có thể thấy ở các tiểu thuyết khác nhau, ở dạng này hay dạng khác, người kể chuyện đều xen vào đó ít nhiều ngôn ngữ giọng điệu hài hước. Sự đan xen ngôn ngữ, giọng điệu hài hước trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, một phần tạo nên tính nhẹ nhàng khách quan trong nghệ thuật kể chuyện, mặt khác chính ngôn ngữ hài hước này tạo cho tính chất điển hình của nhân vật, ý nghĩa tố cáo của tác phẩm càng trở nên sâu sắc thấm thía hơn.

3.4.3.Giọng điệu giễu nhại

Giọng giễu nhại được coi là một trong những thủ pháp cơ bản của nghệ thuật trào phúng. Theo sách Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan : “nhại là nhắc lại, là bắt chước lời nói của người khác để trêu chọc, bỡn cợt, là sự miêu tả những sự vật hiện tượng với bề ngoài có vẻ bóng bẩy, mực thước, khuôn mẫu nhưng nhằm mục đích phê phán, đả kích, chế giễu, phơi bày cái thối nát mục rũa bên trong”[62;139]. Người kể chuyện đã sử dụng giọng điệu giễu nhại vừa với mục đích gây cười vừa nhằm mục đích phê phán đả kích xã hội.

Giọng điệu giễu nhại được người kể chuyện sử dụng khá thành công trong việc miêu tả quá trình thăng tiến của Xuân. Khi còn là một thằng ma cà bông, được bà Phó Đoan giới thiệu vào tiệm may Âu hóa, đã đọc thuộc tên những bộ y phục do Văn Minh dậy như kiểu con vẹt:

- Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì! Anh đọc thật to lên! Xuân nhắc lại như một con vẹt học một bài học thuộc lòng:

- Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì! Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì! Nhà mỹ thuật gật gù hài lòng và lôi Xuân ra một cái ma nơ canh khác*

133

- Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Đọc cho quen mồm đi! lại đọc theo :

- Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ!

Với giọng điệu giễu nhại, Vũ Trọng Phụng đã chế giễu khả năng học vẹt của Xuân, đồng thời chế giễu luôn cả cái mỹ học lãng mạn của Phương Tây. Xuân chỉ là một kẻ vô học, học thuộc theo lối kiểu con vẹt. Ấy thế nhưng ngay từ khi bước vào tiệm may Âu hóa, hắn đã mang trên mình trách nhiệm của kẻ cải cách tân thời phụ nữ.

Là một kẻ giỏi học thuộc, trong buổi khánh thành sân quần, Xuân đã phát huy tài năng nhớ ngôn ngữ và cử chỉ của người khác: “Sau ba phút trầm tư mặc tưởng, vốn thông minh tính bẩm, nhớ ngay đến những ngôn ngữ và cử chỉ của ông bà Văn Minh và ông Típ Phờ Nờ vẫn dùng đến, mà nó đã nghe quen tai ngay từ hôm nó nhảy vào gánh vác trách nhiệm Âu hóa xã hội”. Khả năng bắt chước và ứng khẩu ngày càng trở nên thành thạo mỗi khi Xuân tự giới thiệu về mình: “Me sừ Xuân, giáo sư quần vợt, cái hy vọng của Bắc Kỳ!”...

Có thể nói Số đỏ là tác phẩm giễu nhại từ đầu tới cuối. Giễu nhại trên nhiều cấp độ: nhại giữa trào lưu này với trào lưu khác (nhại văn học lãng mạn trong cuộc thi tài giữa Xuân và thi sĩ lãng mạn); nhại ngay những thói hư tật xấu của con người ngoài đời; nhại giữa nhân vật này với nhân vật khác ngay trong tác phẩm, nhại giữa người kể chuyện với nhân vật...Tính giễu nhại được thể hiện trong toàn tác phẩm tạo nên những hình tượng lập lờ trong tiểu thuyết của nhà văn. Nhờ vậy, người kể thỏa mái châm biếm đả kích đối tượng mà không ai có thể công khai kết tội.

Có thể nói, giọng điệu của người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng có vai trò vô cùng to lớn trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Bằng nhiều giọng điệu khác nhau, người kể chuyện không chỉ tạo nên sự phong phú phú sinh động trong nghệ thuật kể chuyện mà còn tạo nên ý nghĩa giá trị nghệ thuật sâu sắc

134

KẾT LUẬN

Giáo sư Lê Ngọc Trà viết: “Chủ thể tường thuật là một mặt của vấn đề tác giả trong văn học. Nghiên cứu vấn đề người kể chuyện vừa tạo điều kiện để nhận thức quá trình cá thể hóa và cá nhân hóa trong sáng tạo văn học, vừa mở ra cách tiếp cận với sự thể hiện của ý thức nghệ thuật, với cái nhìn của nhà văn trong tác phẩm[90;155]Thực hiện đề tài Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, chúng tôi tiếp thu, kế thừa những thành tựu nghiên cứu quý giá của những người đi trước, vận dụng lí thuyết thi pháp học và phương pháp nghiên cứu chuyên ngành như phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp lịch sử xã hội và lý thuyết tự sự học để làm sáng tỏ các hình thức xuất hiện của chủ thể kể chuyện, phương thức kể của người kể chuyện, từ đó xác định nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng.

Thông qua nghiên cứu người kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng có thể rút ra những kết luận như sau:

1. Vũ Trọng Phụng là nhà văn tiêu biểu cho văn học hiện thực Việt Nam những năm trước cách mạng. Là một nhà văn hiện thực, Vũ Trọng Phụng luôn có ý thức tìm tòi, phát hiện và thể hiện chân thực những hiện thực đời sống xã hội. Thông qua người kể chuyện, nhà văn đã bóc trần hiện thực giả dối, phi nhân đạo của xã hội Việt Nam những năm trước cách mạng; đồng thời thức tỉnh tâm hồn những con người Việt Nam đang đắm chìm trong những danh từ điêu trá mà quên đi thực trạng xã hội Việt Nam đang bị xuống cấp về đạo đức, lối sống một cách trầm trọng.

2. Vũ Trọng Phụng tham gia sáng tác nhiều thể loại như: phóng sự, truyện ngắn, kịch, dịch thuật, phê bình ... Nhưng thể loại thành công nhất của Vũ Trọng Phụng là thể loại tiểu thuyết. Ở thể loại tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng không chỉ cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, mà ông còn có công lớn trong việc cách tân đổi mới nghệ thuật kể chuyện, tạo ra một thể loại tiểu thuyết mang tính đặc trưng riêng – tiểu thuyết phóng sự.

3. Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng có nhiều sáng tạo độc đáo trong cách kể chuyện : sáng tạo trong cách sử dụng ngôi kể, sáng tạo trong việc

135

lựa chọn điểm nhìn, sáng tạo trong cách dẫn chuyện, sáng tạo trong cách trần thuật cũng như trong cách lựa chọn ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật...Với việc xây dựng thành công người kể chuyện, Vũ Trọng Phụng đã góp phần không nhỏ trong việc cách tân nền văn học nước nhà.

4. Thông qua người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, người đọc có thể nhận thức, hiểu rõ hơn quan điểm, thái độ của nhà văn đối với hiện thực xã hội cũng như đối với con người. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để nhìn nhận, đánh giá chính xác khách quan hơn về những đóng góp cũng như những mặt còn hạn chế ở nhà văn Vũ Trọng Phụng.

5. Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng được thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau và tồn tại dưới nhiều phương thức kể chuyện khác nhau. Nhưng dù tồn tại ở bất cứ một dạng thức hay phương thức nào, thì người kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cũng thể hiện được những đóng góp mới mẻ, những thành công trong nghệ thuật kể chuyện.

Luận văn “Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng” là một cố gắng trong sự đúc kết và mở rộng những khía cạnh mới trong quá trình đi sâu nghiên cứu nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi coi chủ thể trần thuật là một mặt của vấn đề tác giả trong văn học, đồng thời là phạm trù quan trọng của tự sự học và đã tiến hành nghiên cứu với tinh thần khoa học nghiêm túc. Chúng tôi hy vọng rằng, với bài nghiên cứu này sẽ góp thêm một cơ sở cho việc tìm hiểu, đánh giá đúng những thành tựu cũng như những hạn chế còn tồn tại trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.

Với phạm vi của một bài luận văn, dựa trên việc nghiên cứu người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, bài luận văn này cũng là cơ sở để mở ra một

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 129)