Điểm nhìn toàn tri

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 41)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.2.1. Điểm nhìn toàn tri

Tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng phần lớn được kể thông qua điểm nhìn toàn tri của người kể chuyện. Trong tác phẩm Giông tố, miêu tả về Nghị Hách, người kể chuyện không chỉ nắm rõ các hành động của nhân vật ở thời điểm hiện tại mà còn thấy được cả những hành động của nhân vật ở thời quá khứ; người kể chuyện không chỉ thấy được những hoạt động rầm rộ của vị dân biểu Tạ Đình Hách mà còn thấy được cả những hành động bỉ ổi, những việc làm đê hèn của một kẻ luôn vỗ ngực đề cao bình dân. Hoặc như trong tác phẩm Dứt tình viết năm 1934, bên cạnh những biểu hiện đau khổ của Tiết Hằng khi phải chạy trốn cái tình yêu mà cô bấy lâu nay theo đuổi, người kể chuyện cũng thấy được cả những mầm hạnh phúc đang nảy nở trong lòng Tiết Hằng đã và đang được chăm sóc bởi bàn tay chu đáo của Huỳnh Đức. Ở tiểu thuyết Vỡ đê, cái nhìn toàn tri của người kể chuyện lại cho người đọc thấy được đằng sau những lo toan của quan huyện trong những ngày đê vỡ là những âm mưu bòn rút chiếm đoạt công sức của người lao động...

Điểm nhìn toàn tri là điểm nhìn được nhiều nhà văn trong văn học truyền thống lựa chọn sử dụng. Ở dạng điểm nhìn này, người kể dễ dàng điều khiển câu chuyện sao cho phù hợp với ý đồ tư tưởng của người kể. Nhưng mặt khác, cách tiếp cận và thể hiện câu chuyện theo điểm nhìn toàn tri đôi khi lại làm cho tác phẩm rơi vào trạng thái khiên cưỡng, áp đặt theo thái độ chủ quan của người kể. Vũ Trọng Phụng đã khắc phục được những mặt hạn chế của hướng tiếp cận này. Vẫn sử dụng điểm nhìn toàn tri như một điểm nhìn chính cho tác phẩm nhưng Vũ Trọng Phụng luôn có

42

sự luân phiên góc nhìn. Cái nhìn trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng không bị cố định hóa, cứng nhắc trong cái nhìn mang tính xuyên suốt như trong văn học truyền thống. Từ điểm nhìn toàn tri, người kể hướng ống kính của mình vào những góc nhìn khác nhau. Có khi góc nhìn đó được hướng từ chính điểm nhìn của người kể chuyện. Nhưng cũng có khi nó lại được hướng qua góc nhìn của nhân vật. Đối tượng được thể hiện trong tác phẩm không được thể hiện dưới góc nhìn một chiều mà được thể hiện dưới góc nhìn đa chiều. Nhờ vậy nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng hiện lên sinh động, chân thực và đầy cá tính. Trong tiểu thuyết

Giông tố, Nghị Hách là nhân vật điển hình, nhân vật trung tâm của tác phẩm nhưng

người kể chuyện cũng chỉ đảm nhận việc miêu tả ngoại hình và dẫn dắt các liên kết xoay quanh nhân vật. Phần lớn tính cách, bản chất cũng như sự đê tiện của nhân vật này được hiện lên thông qua cái nhìn của những nhân vật khác trong truyện. Sự giàu có và tội ác của Nghị Hách được người kể chuyện thể hiện thông qua góc nhìn của hai ông chánh hội và lý trưởng : “Thằng cha có hai chục con vợ lẽ”, “thằng cha bỏ rượu vào ruộng lương dân rồi báo nhà đoan”, “ thằng cha độc ác đánh người làm rồi vứt xuống giếng mà khai người ta tự tử”, “lão Nghị có 500 mẫu đồn điền trên tỉnh, một cái mỏ than Quảng Yên”, “ba chục nóc nhà Tây ở Hà Nội”...Để làm nổi bật sự tồi tệ đạo đức của Nghị Hách, tác giả chuyển góc nhìn vào các nhân vật có quan hệ với nhân vật. Trong ý nghĩ căm phẫn của Mịch, Nghị Hách hiện ra là kẻ : “Một người bằng tuổi bố mình ...mà lại lừa mình làm một việc xấu hổ”. Trong suy nghĩ của chú Sếnh - chủ tiệm hút Mã Mây: Nghị Hách là kẻ “ác bằng Tần Thủy Hoàng”. Sự đồi bại về đạo đức của Nghị Hách khiến Tú Anh, người con trai cả cũng là người mà Nghị Hách nể sợ nhất phải phàn nàn : “ ông đã làm nhiều điều bỉ ổi lắm”. Bản chất tráo trở của Nghị Hách cũng bị chính người vợ cả của hắn vạch mặt: “ Đồ lừa đảo ! Quân giết người! Đồ lừa thầy phản bạn! quân hiếp dâm”....Những chi tiết khác về lối sống xa hoa đồi bại của Nghị Hách cũng được người kể chuyện tái hiện một cách chân thực...Như vậy có thể nói, Nghị Hách là một tính cách nhiều mặt, phong phú và đa dạng. Bản chất gian hùng và dâm dật, đê tiện của Nghị Hách đã được người kể chuyện khách quan hóa tối đa bằng bút pháp tả thực kết hợp với sự luân

43

phiên của góc nhìn trần thuật tạo nên một hình ảnh sinh động rõ nét. Trong tác phẩm Giông tố, bên cạnh nhân vật Nghị Hách, nhân vật Hải Vân cũng được người kể chuyện khắc họa rõ nét thông qua sự luân phiên về góc nhìn. Hải Vân xuất hiện ở phần cuối tác phẩm nhưng lại có vị trí như ánh sáng mặt trời xua tan màn đêm giông tố. Ở nhân vật này, người kể chuyện cũng chỉ dừng lại ở vài dòng khắc họa về ngoại hình và một vài nét tiểu sử của nhân vật: “Một ông già độ ngoài năm chục tuổi, vận âu phục (...) hai con mắt tinh tường, lưỡng quyền cao, địa các nở, một đường gân xanh chạy dọc qua trán, tinh thần hãy còn quắc thước, miệng cười tươi”. “Hai mươi sáu năm về trước là một anh thợ kẻ trần nhà, thợ quét vôi, giỏi Hán tự, dòng dõi Trạng Trình. Người làng Cổ Am. Đỗ khóa sinh nên gọi là Khóa Hiền”. Ngoài ra những tính cách khác của Khóa Hiền lại chủ yếu được thể hiện thông qua góc nhìn của các nhân vật khác. Trong con mắt của Nghị Hách, Hải Vân là một con người đặc biệt, một người kỳ tài “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự”. Người trần thuật gọi ông là “ông già”, Nghị Hách tôn ông là “ quan anh”, “tiên sinh”, đôi khi lại gọi ông là “quan bác” hay “ quân sư” tùy vào thái độ, văn cảnh cụ thể. Cách xưng hô của Nghị Hách đối với Hải Vân là cách xưng hô của một người tỏ thái độ thần phục đối với một người thông tuệ về khoa học, tường tận những điều huyền bí. Trong cái nhìn của bà Nghị, Hải Vân hiện lên là một người hết sức được kính trọng: “Suốt một đời tôi, chỉ kính yêu một mình ông mà thôi”. Và đối với Tú Anh, một người mà Nghị Hách cũng phải kính nể, thì lại tỏ ra tự hào vì có một người cha như Hải Vân....Có thể thấy, Hải Vân không được khắc họa đậm nét như Nghị Hách, song rõ ràng thái độ tôn trọng và kính phục của người kể chuyện đối với nhân vật này là rõ nét. Tuy nhiên, người kể chuyện không miêu tả nhân vật thông qua điểm nhìn của mình. Sự luân phiên về góc nhìn, sự nhận xét đánh giá khác nhau của các nhân vật về Hải Vân là những bằng chứng sinh động nhất thể hiện vẻ đẹp và sự ngưỡng mộ của người kể chuyện đối với nhân vật lý tưởng này. Sự luân phiên góc nhìn làm cho nhân vật hiện lên đầy lý tưởng nhưng không hề tạo cảm giác phóng đại hay gượng ép khi miêu tả thể hiện nhân vật.

44

hiện khá độc đáo. Xuân hiện lên qua lời của người kể chuyện là “một đứa vô giáo dục”, “tinh quái”, “thạo đời” nhưng đồng thời cũng thừa nhận hắn “thông minh tính bẩm”. Đó là tất cả những gì mà người trần thuật đã miêu tả trực tiếp. Nhưng mặt khác, tính cách của nhân vật Xuân lại được thể hiện rất rõ thông qua điểm nhìn của các nhân vật khác trong truyện. Trong con mắt của bà Phó Đoan khi thì Xuân “không phải là người thông minh”, nhưng cũng có lúc bà lại nói Xuân là người “ thông minh có học thức”. Bà TYPN khen Xuân là người “có học thức” lại “phong nhã” nhưng cũng bảo nó là “tay đào mỏ đại tài”; bà Văn Minh khen Xuân là “thông minh lắm”, ông Văn Minh cũng thừa nhận hắn là “nhanh mồm, nhẹ miệng, cử chỉ ngộ nghĩnh”. Xuân càng leo lên đỉnh cao danh vọng thì những cách gọi tâng bốc Xuân càng nhiều. Bác sỹ Trực Ngôn gọi Xuân là “bạn đồng nghiệp”, cụ cố Hồng gọi Xuân là “ quan bác sĩ” và Tuyết cũng gọi bạn tình của mình là “anh đốc”. Duy nhất chỉ có bà cố Hồng chửi Xuân là “đồ xỏ lá, đồ ba que, mặt chó chứ không phải mặt người”. Tuy nhiên do Xuân có ơn cứu sống cụ tổ nên bà cũng đành phải nhượng bộ. Ngay cả Xuân cũng có lúc vỗ ngực tự cho mình là “Me sừ Xuân, nguyên sinh viên trường thuốc, giáo sư quần vợt, cây hy vọng của Bắc Kỳ”. Nhưng cũng có khi Xuân lại tự nói mình là kẻ hèn hạ để đe dọa bà cố Hồng buộc bà này phải nhún nhường :“Tôi thì danh giá quái gì. Hạ lưu! Ma cà bông! Nhặt ban quần, không đứng đắn, chỉ đáng nhổ vào mặt”...Có thể nói, sự luân phiên về góc nhìn, hoặc cái nhìn không nhất quán của các nhân vật đối với Xuân đã góp phần tạo nên một cái nhìn hoàn thiện về bản chất lưu manh xảo chá ở nhân vật này.

Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng thể hiện nhân vật, phân tích diễn biến của câu chuyện thông qua điểm nhìn toàn tri, nhưng đó là điểm nhìn toàn tri có sự luân phiên về góc nhìn đối với mỗi sự vật, hiện tượng. Việc nhìn sự vật toàn tri có sự luân phiên về góc nhìn không những làm cho nhân vật hiện lên chân thực, sinh động mà còn thể hiện được tính phức điệu của nhân vật.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)