Dẫn dắt thông qua miêu tả những hành động bên ngoài của nhân vật

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 103)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Dẫn dắt thông qua miêu tả những hành động bên ngoài của nhân vật

Trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, người kể chuyện rất ít miêu tả xuất xứ hay ngoại hình của nhân vật, những dòng nội tâm cũng rất hiếm hoi, nếu có, cũng chỉ dành cho những nhân vật chính diện trong những tình huống, những hoàn cảnh đặc biệt. Nói như vậy không có nghĩa người kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng

104

Phụng ít chú trọng tới việc miêu tả khắc họa nhân vật. Trái lại, nhân vật trong sáng tác của nhà văn lại được miêu tả rất sinh động, rõ nét. Nhiều nhân vật đã trở thành nhân vật điển hình cho một loại người, một kiểu người trong xã hội.

Cách miêu tả nhân vật của người kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng khá đặc biệt. Người kể chuyện không đi vào miêu tả, bình luận mà chủ yếu thông qua các hành động, cử chỉ, cũng như ngôn ngữ của chính nhân vật, để nhân vật tự bộc lộ.

Tiêu biểu cho cách dẫn chuyện thông qua miêu tả hành động bên ngoài của nhân vật phải kể đến nhân vật Nghị Hách trong tác phẩm Giông tố và nhân vật Xuân trong tác phẩm Số đỏ. Ở nhân vật Nghị Hách, người kể chuyện dường như không có trang viết nào khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật này. Ấy thế nhưng, từ hành vi đến bản chất của nhân vật đều được bộc lộ rõ ràng. Khác với Nghị Quế trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Nghị Lại trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Nghị Hách trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng không chỉ là một địa chủ mà còn là tư sản cỡ lớn thuộc loại “phú gia địch quốc”, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi. Hai bình diện chủ yếu của con người này được người kể chuyện tập trung khắc họa đó là : sự vô đạo đức loạn luân ghê tởm và sự liên kết giữa đồng tiền với quyền lực chính trị tạo nên “một sức mạnh hắc ám”. Bản chất của nhân vật Nghị Hách được người kể chuyện soi chiếu trên nhiều bình diện, nhưng chủ yếu thông qua miêu tả những hành động bên ngoài của nhân vật. Thông qua những tình tiết, cuộc đối thoại và những hành động của Nghị Hách, có thể thấy quá trình tích lũy làm giàu và tiến thân của Nghị Hách là một quá trình đầy tội ác, đầy âm mưu và thủ đoạn tàn bạo: lừa đảo, phản bạn, cướp vợ bạn, vu cáo, đánh chết người...Nơi hắn ở là một “Tiểu Vạn trường thành” nguy nga bề thế, mười cô nàng hầu luôn luôn sẵn sàng túc trực để hắn sai bảo, “ngứa mồm thì hôn một cái, ngứa tay thì sờ một cái, cấu véo một cái”. Mười cô hầu gái hắn có được chủ yếu là được không hoặc mua với giá rẻ vì gia đình họ hoặc mắc nợ, hoặc bị hắn ép vào đường cùng. Họ khiếp sợ Nghị Hách “như một vị bạo chúa”. Dưới trướng Nghị Hách là những tên Khuyển Ưng làm tay sai đắc lực để hắn gây tội ác bất cứ lúc nào. Sự xa

105

hoa và tàn ác của Nghị Hách đã được nhân vật Long nói rất rõ thông qua bức thư mà Long gửi cho Tú Anh: “ Tôi đã được dịp tai nghe mắt thấy cái thế lực của ông cụ, cái ấp đồ sộ, những tòa nhà nguy nga, bề thế như trong cung điện, với bọn nàng hầu như trong cung vua, với hàng nghìn mẫu đồn điền, với hàng nghìn người làm công. Tôi đã trông thấy rõ những cử chỉ của phái tư bản mà ông cụ Nghị làm tiêu biểu, đã nghe thấy những phút chuông điện thoại gọi, do đó số phận hàng nghìn người bị định đoạt qua một cơn giận dữ”. Có thể thấy sự vô đạo đức, loạn luân ghê tởm, cùng với tính cách bạo chúa của một kẻ nắm trong tay đồng tiền và thao túng quyền lực chính trị ở Nghị Hách được thể hiện thông qua hàng loạt những hành động, cử chỉ của nhân vật. Để có thể thực hiện được mục đích, bằng mọi thủ đoạn, Nghị Hách nhúng tay vào tội ác mà không hề run sợ. Hai mươi năm trước, khi còn là một tay thợ nề, Nghị Hách đã thể hiện là một con người bất nhân, tàn ác, lừa thầy phản bạn. Để làm giàu, Nghị Hách đã dùng mọi thủ đoạn như: “lén bỏ rượu vào ruộng lương dân và báo nhà đoan, và chỉ bởi một thủ đoạn ấy đã tậu được ba trăm mẫu ruộng rất rẻ”. Nghị Hách cũng đã từng “ đánh chết người làm rồi vứt xác người ta xuống giếng mà khai người ta tự tử”. Theo lời của ông già Hải Vân, Nghị Hách đã từng “thông dâm với vợ người”, “ hiếp dâm”, “cướp vợ bạn”, “lừa người được số bạc trăm”, “giết người”...Ngay cả đối với mười cô nàng hầu, Nghị Hách cũng không hề có một chút lòng thương nào. Hắn bí mật cho kinh phẩm, thủy ngân vào thuốc cho những cô nàng hầu uống để mười một cô nàng hầu không cô nào chửa đẻ được. Hắn thản nhiên nhìn Tài Nhì quằn quại dưới ngọn roi trừng phạt của thằng Xuân...Có thể nói, tính cách dâm dục và tàn bạo của Nghị Hách được khắc họa sinh động thông qua hàng loạt những hành động tội ác mà hắn đã gây ra. Nét độc đáo trong cách thể hiện nhân vật của người kể chuyện ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng cũng chính là đó. Vũ Trọng Phụng có biệt tài trong việc lắng nghe và quan sát hiện thực đời sống. Những hành động của nhân vật được người kể chuyện quan sát một cách tỉ mỉ, đầy ấn tượng. Khắc họa bản tính dâm dục, trong tác phẩm văn học những năm đầu thế kỉ XX có lẽ không chỉ có Vũ Trọng Phụng, nhưng hiếp gái lành ngay trên xe ô tô trước mặt tài xế, lạnh lùng ra lệnh cho tài xế phóng ô tô chẹt chết

106

người trương tuần làng Quỳnh Thôn và sau đó trâng tráo bào chữa tội lỗi của mình trước mặt quan huyện Cúc Lâm: “dẫu người tai to mặt nhớn đến thế nào đi nữa thì cũng phải có lúc giăng gió một chút, cái ấy là trời sinh ra...” thì chỉ thấy duy nhất ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Nghị Hách vừa dâm đãng lại vừa trâng tráo. Sở dĩ sự trâng tráo của Nghị Hách có được cũng chính là bởi sự nắm giữ sức mạnh của đồng tiền, cũng như khả năng thao túng chính trị của hắn. Đứng trước mặt quan huyện Cúc Lâm, hắn trắng trợn nói một cách công khai : “bẩm quan lớn, nếu việc xảy ra to thì chúng tôi sẽ chống án lên thượng thẩm, mà bên nguyên đơn thì không thể có tiền chạy thầy kiện như tôi. Bẩm quan lớn nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Và quả đúng như hắn nói, sau vụ điều đình với quan huyện Cúc Lâm không thành, mấy hôm sau cả làng Quỳnh Thôn đã phải điêu đứng vì truyền đơn, cờ đỏ ở đâu xuất hiện trong làng, quan huyện Cúc Lâm thì buộc phải từ chức. Không dừng lại ở bản chất dâm dục và tàn ác, Nghị Hách còn hiện lên với bản chất chính trị phản động của tầng lớp tư sản địa chủ thối nát đương thời. Bản chất này được người kể chuyện thể hiện khá rõ ở chương IV và chương XXI của tác phẩm. Ở chương IV, người kể chuyện tập trung thể hiện một cuộc hội kiến đầy tính toán của Nghị Hách. Lão đến dinh Công sứ, “chắp tay vái dài lưng cúi thật khom” để bẩm báo với ngài về cái phong trào cộng sản sắp sửa lan đến tỉnh như một hành động rào trước cho đòn phủ đầu mà hắn đang rắp tâm thực hiện ở làng Quỳnh Thôn. Hắn đến dinh Tổng đốc để vun vào việc thông gia của quan với “chú Tuần nó”, đồng thời để xúi quan trị quan huyện Cúc Lâm. Sau đó, lão lên xe trở về Tiểu Vạn để sai tay chân làm cái việc mà hắn cho là cần làm. Như vậy, chỉ một vòng cua rất nhẹ, mọi vướng mắc trong vụ kiện ở làng Quỳnh Thôn như vậy đã được giải quyết cơ bản là xong, mà phần thắng ắt thuộc về Nghị Hách. Hoặc như ở một chương khác, sự móc ngoặc giữa Nghị Hách với nhà tư bản đại diện cho một hội lý tài mới thành lập ở bên Pháp để cùng nhau làm một cái áp phe lớn “độc quyền nước mắm ở Trung kì và Bắc kì” cũng thể hiện rất rõ bản chất phản động chính trị của hắn. Vì lợi nhuận kinh tế và những lợi nhuận khác, Nghị Hách nhảy ra tranh cử theo sự giật dây của tên cáo già thực dân, chỉ bằng “250 tạ gạo và một nghìn đồng bạc” phát chẩn cho dân nghèo, Nghị Hách đã được báo

107

chí ca ngợi là “công đức nhà triệu phú có óc bình dân”, được quan công sứ gắn cho huy chương, trở thành một người công dân xứng đáng, “một bậc doanh nghiệp hiển hách ít có mà lòng nhân từ bác ái thì lại đáng treo gương cho dân bảo hộ soi chung”. Trâng tráo và ghê sợ hơn, để che đậy cho cái địa vị của mình thêm vững vàng, ở chương XXIX Nghị Hách đã “ quảng cáo cho y bằng việc công nhận sự loạn luân” của hai đứa con mình “giữa một bữa tiệc khoe mề đay, sau một cuộc phát chẩn giả nhân giả nghĩa”...

Nếu như Nghị Hách là nhân vật điển hình cho giai cấp tư sản mại bản ở nước ta vào những năm đầu thế kỉ XX, thì lại là nhân vật tiêu biểu cho loại người lưu manh trong xã hội. Bằng hàng loạt các chi tiết miêu tả hành động bên ngoài của nhân vật, người kể chuyện đã dẫn dắt thể hiện câu chuyện sinh động. Xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng lại có tính cách và lối sống không hề bình dân chút nào. Hoàn cảnh không cha không mẹ, “lấy đầu hè xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố các hồ Hoàn Kiếm làm cơm”, lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề : trèo me, trèo sấu, bán phá xa, nhật trình, cầm cờ chạy hiệu ở rạp hát, bán thuốc lậu...đã biến hắn thành kẻ vô giáo dục, tinh quái, thạo đời. Nhưng chính nhờ bản chất lưu manh, vô lại, vỉa hè, Xuân đã nhanh chóng bước vào xã hội trưởng giả thành thị đồi bại, dâm ô, giả dối và bịp bợm trở thành điển hình cho những kẻ vô học, nhố nhăng mang bản chất gian manh thuộc loại cặn bã của xã hội, gặp thời nhờ cái xã hội “chó đểu”, “khốn nạn” mà phất lên nhanh chóng. Thông qua nhân vật cùng với bước đường thăng tiến của hắn, người kể chuyện đã chỉ cho người đọc thấy rõ bản chất của xã hội thượng lưu lúc bấy giờ. Từ một kẻ ma cà bông nhặt ban quần, Xuân đã leo lên thành sinh viên trường thuốc, trí thức Hà Thành, anh hùng cứu quốc...Sở dĩ có được những nấc thang xã hội đó chính là nhờ bản chất lưu manh, đểu giả, bịp bợm của Xuân đã gặp được môi trường thuận lợi nên mới gặt hái được những thành công nhanh chóng đến vậy. Bản chất của Xuân được ngòi bút trào phúng và lối kể phóng đại của người kể chuyện thể hiện rõ nét thông qua từng cử chỉ, hành động, lời nói của nhân vật. Khi còn là một cậu bé, lúc mới 9 tuổi, khi còn ở nhà một người bác họ, Xuân đã từng bị đánh một trận và bị đuổi đi vì đã khoét một lỗ trên phên nứa để nhìn trộm

108

bác gái tắm. Khi làm nghề nhặt ban quần, vẫn tính nào tật ấy, Xuân đã bị bắt quả tang khi đang nhìn trộm một cô đầm lúc cô này thay váy. Cách tán tỉnh của Xuân cũng thể hiện bản chất của một kẻ lưu manh. Xuân không tỏ tình một cách bình dân, chân tình như người khác, hành động tán tỉnh của Xuân thực chất là cướp giật ái tình một cách sỗ sàng. Khi có cơ hội là hắn tìm mọi cách lả lơi tán tỉnh, tìm cách chòng ghẹo, từ cô hàng nước mía đến bà mệnh phụ bằng những cái “cấu véo”, “phóng tay sờ soạng”, “ôm xốc lấy”, suồng sã thô bỉ...Ngôn ngữ cửa miệng của Xuân đặc mùi lưu manh vỉa hè. Bất cứ lúc nào hắn cũng có thể văng ra những câu đại loại như “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì” nào là “tình bỏ mẹ ra ấy”..., ngay cả khi hắn được cho là thượng lưu trí thức, được tôn lên làm anh hùng cứu quốc thì bản chất vô học, lưu manh của hắn cũng không thể che giấu được. Hắn không hiểu gì về văn minh, về âu hóa nhưng lại có khả năng nghe lỏm rất nhanh. Cứ hễ mở mồm ra là hắn lại trơ trẽn lặp lại những câu như “ chúng tôi rất được hân hạnh” của nhà mĩ thuật TYPN. Hắn vênh váo với giới thượng lưu trí thức hạ thành trong buổi khánh thành sân quần vợt của bà Phó Đoan : “ tôi từ hôm nay trở đi, là đã được dự một phần vào việc cải cách xã hội rồi...Vậy tôi phải chăm chỉ, nhất là những việc tôi làm...Chưa được tiến hóa mấy, một sự trở ngại trên đường tiến hóa thể thao...nòi giống hạnh phúc là cái gì khác nếu không là sức khỏe vợ chồng; gắng sức anh em luyện tập, không phải là cải cách bề ngoài như lối cổ hủ...giữa buổi canh tân này, cái hủ lậu ta đào thải đi...Chúng tôi rất được hân hạnh...”. Vô tình nói đúng một số câu y học, Xuân vênh vang tự nhận cái chức đồng nghiệp với đốc tờ Trực ngôn, vỗ vai thân mật đầy láu cá khi ông nó về lý thuyết Freud: “ Chỗ anh em mình với nhau cần gì còn phải giảng giải”. Không biết tiếng tây, Xuân đóng vai trọng tiếng mẹ đẻ “làm ra vẻ mặt khinh khỉnh” mà khinh bỉ những kẻ cứ giao dịch bằng tiếng Pháp. Không chỉ lưu manh trong hành vi cử chỉ, Xuân còn dùng nhiều thủ đoạn đê tiện để trục lợi cho bản thân và để leo lên tột đỉnh nấc thang danh vọng. Hắn hợp tác với sư ông để làm tiền, “ngồi im cho nhà sư vẽ những chuyện tốn tiền cho bà vợ tây”. Và càng lưu manh hơn khi Xuân đút truyền đơn vào túi quần hai nhà quần vợt Hải và Thụ để loại họ ra khỏi trận đấu quần vợt nhằm đạt được giải quần vợt quán quân...Có thể

109

nói rằng, đã bất chấp, dùng bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình. Có thể nói rằng, thông qua miêu tả hành động bên ngoài của nhân vật, người kể chuyện đã tuân thủ tuyệt đối nghệ thuật miêu tả ngoại hiên. Thông qua nghệ thuật miêu tả ngoại biên, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng hiện lên chân thực, sinh động. Miêu tả nhân vật thông qua hành động bên ngoài, người kể chuyện đã thể hiện rõ nét thế giới bên trong đầy uẩn khúc của nhân vật, tạo nên một thế giới hiện thực đầy biến động mà ở đó dường như tất cả đều xô bồ, giả dối, lưu manh, độc ác.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 103)