5. Cấu trúc luận văn
2.2.2.3. Điểm nhìn bên trong
Nếu như điểm nhìn bên ngoài được nhà văn sử dụng chủ yếu trong các tập tiểu thuyết phóng sự thì điểm nhìn bên trong lại chủ yếu dành cho những trang viết biểu hiện thế giới nội tâm của nhân vật.
Ở kiểu điểm nhìn bên trong, người kể chuyện có thể là nhân vật xưng tôi trong tác phẩm kể về chính cuộc đời mình, nhưng cũng có thể người kể chuyện là nhân vật đứng bên ngoài tác phẩm, người kể chuyện ở ngôi thứ ba nhưng lại kể chuyện thông qua điểm nhìn của nhân vật. Tác phẩm Làm đĩ và tác phẩm Trúng số độc đắc
là hai sáng tác tiêu biểu của nhà văn Vũ Trọng Phụng được kể ở dạng thức này. Ở tác phẩm Làm đĩ, câu chuyện được kể thông qua điểm nhìn của những nhân
47
vật bên trong tác phẩm: điểm nhìn của nhân vật tôi, nhân vật có vai trò dẫn dắt đồng thời có vai trò phụ họa; điểm nhìn của nhân vật Huyền, nạn nhân chính trong câu chuyện. Hai điểm nhìn khác nhau nhưng có vai trò bổ sung, hỗ trợ cho nhau và cùng hướng tới một câu chuyện, câu chuyện về cuộc đời của Huyền.
Tác phẩm Làm đĩ được kể bằng lời kể của nhân vật chính trong truyện. Với cách kể chuyện thông qua điểm nhìn của nhân vật ngôi kể thứ nhất, người kể có thể kể một cách tỉ mỉ, lý giải một cách tường tận con đường sa ngã của mình. Phải đặt lời kể từ chính người trong cuộc, tác giả mới cho người đọc thấy hết được cái căn nguyên trong sự sa ngã của một đời con người. Quá trình từ một người con gái lương thiện bước sang nghề làm đĩ cũng chẳng bao xa. Chính tác giả dưới hình thức của nhân vật tôi - người dẫn dắt câu chuyện trong đoạn cuối của cuốn sách đã nói với nhân vật chính của mình: “Đối với thiên hạ thì đời một người như em, đương ở chốn yên lành mà vào nơi chông gai, chỉ có đoạn ấy là đáng nói thôi. Tại sao con nhà tử tế hẳn hoi, con nhà quý phái nữa, mà rồi đến nỗi...trụy lạc, ấy người đời chỉ cần biết rõ những nguyên nhân ấy...chứ một quyển sách tả một đời trụy lạc kể từ lúc trụy lạc trở đi thế thôi, thiết tưởng lại chẳng có ích gì cho đời.” Như vậy, viết tiểu thuyết Làm đĩ, ngay từ đầu nhà văn đã gắn tác phẩm với một trọng trách lớn đó là giáo dục giới tính cho nam nữ thanh niên cũng như cảnh tỉnh những bậc làm cha làm mẹ, trách nhiệm của những người lớn trong việc giáo dục con trẻ. Viết Làm đĩ, tả con đường “làm đĩ” của Huyền, người kể chuyện cũng đã khẳng định : đẩy Huyền vào con đường ấy là hai kẻ đàn ông: anh chồng và thằng cha tình nhân, cả hai đều bỉ ổi, khốn nạn, ích kỉ đến cùng cực. Và họ cũng chính là những nhân vật tiêu biểu cho cái thời kỳ mà Vũ Trọng Phụng gọi là “thế kỷ đắc thắng cho chủ nghĩa cá nhân”.
Trúng số độc đắc được coi là tác phẩm tâm đắc của nhà văn Trọng Phụng. Tác
phẩm đã thể hiện một con đường rất biện chứng biến một anh ký kiết thành ra một tay cự phú, với các hoàn cảnh gia đình, xã hội vây quanh anh ta. Ánh sáng của kim tiền như một tấm gương phản chiếu để từ đó nhà văn soi vào đó mà thấy được bản chất thật của con người.
48
Với ngôi kể thứ ba nhưng phần lớn câu chuyện lại được thể hiện thông qua điểm nhìn của nhân vật Phúc, Vũ Trọng Phụng đã tập trung tất cả bút lực để theo dõi, mô tả, phân tích những thay đổi trong đời và trong lòng chỉ ở một nhân vật. Hơn ba trăm trang của cuốn tiểu thuyết, không trang nào không có Phúc, các nhân vật khác chỉ có mặt để đối thoại và làm nền cho nhân vật Phúc xuất hiện. Thông qua điểm nhìn của nhân vật Phúc bức tranh xã hội hiện lên chân thực, rõ nét.
Thất nghiệp, Phúc ngày ngày ra ngồi vườn hoa đọc sách để tu thân, sửa chí thì bị vợ sỉ vả, bố mẹ chửi Phúc là đồ ăn hại, em gái bỡn cợt. Đi xin một chân thư ký hãng buôn thì bị lão chủ Tây ném lá đơn xuống đất. Viết bài báo được đăng lên trang nhất , nhưng khi hỏi tiền nhuận bút thì bị tòa báo nhục mạ và ăn quỵt. Ấy thế mà chưa đầy nửa tháng, nghe tin Phúc trúng số độc đắc thì các nhà báo kéo đến chụp ảnh, bố mẹ cung phụng, nịnh nọt Phúc khiến cho Phúc phải cay đắng nhận ra rằng : “khi đứa con trúng số mười vạn cố nhiên là bất thình lình cả bố lẫn mẹ nó cũng đều thấy nó biến ra là đại quý tử”. Cái lão nhà buôn hôm nào ném lá đơn của Phúc xuống đất thì thành thực xin lỗi “ lấy làm hối hận, thật thế vô cùng hối hận” khiến cho Phúc phải chợt nhả một câu: “Xin phục ông đấy, ông có cái mõm khiếp quá”. Cái tin trúng số độc đắc hóa ra lại có ma lực đến thế. Nó có thể làm cho trắng biến đổi thành đen, xanh có thể biến đổi thành đỏ trước mắt người đời.
Viết Trúng số độc đắc ở ngôi kể thứ ba nhưng thông qua điểm nhìn của nhân vật, người đọc không chỉ thấy được hiện thực bên ngoài nhân vật, mà còn thấy được cả những thay đổi diễn ra bên trong chính nhân vật. Phúc khi chưa có tiền là một người hiền lành, tốt bụng, giàu lòng thương người. Phúc biết thương những người bất hạnh, ghét những thói ăn chơi đàng điếm. Đối với đồng tiền, Phúc tỏ ra coi khinh ngay cả khi anh nhận thấy đồng tiền cũng rất quan trọng. Phúc coi thường bố mẹ vì cái cách bố mẹ anh phục tùng đồng tiền. Ấy vậy mà, chỉ trong một thời gian rất ngắn khi trong tay đã sẵn đồng tiền, Phúc đã thay đổi một cách nhanh chóng. Phúc bắt đầu biết trù tính những cuộc doanh thương. Phúc biết cách hiến tế thế nào vừa che mắt được thiên hạ vừa thu được những khoản lời kếch xù. Phúc chà đạp lên lòng nhân ái. Biết người cô ruột của Tấn – người bạn thân thiết của mình đang gặp
49
hoàn cảnh khó khăn, Phúc tìm mọi cách để ép giá. Nghĩ lại những tư tưởng ngày xưa, Phúc tự trả lời đó chỉ là suy nghĩ của kẻ vong bần. Phúc đã nghiệm ra cái lẽ sống của cuộc đời và thực hành nó một cách thành thục “Mình lạc đạo vong bần thì ai cũng khinh bỉ là ăn hại, là gàn dở, cho dẫu bạn thân, cho dẫu vợ, cho dẫu bố mẹ. Đến lúc ăn hại đời thực sự té ra ai cũng quý hóa sợ hãi mình! Người đời quây quần quanh một bàn tiệc, thằng nào ăn khỏe dám ngoạm những miếng to thì ai cũng kính nể, còn kẻ nào nhút nhát rụt rè, không dám gắp thì bị chế nhạo, bị giày xéo, thôi thì cứ việc chết đói quanh năm...trong cái cướp cháo chúng sinh, cứ thằng nào khỏe, đẩy được nhiều đứa khác, thì chính nó là anh hùng, là vĩ nhân...”. Hóa ra đời chỉ là một sự cướp giật, thằng nào cướp giật được nhiều thằng ấy mạnh, thằng nào nhiều tiền thì thằng ấy được nể. Thông qua điểm nhìn, thông qua cách suy ngẫm, triết lý của Phúc người đọc có thể thấy được bản chất của loài người cũng chỉ là những kẻ ham tiền hám của mà thôi. Mọi phẩm chất mọi đạo đức đều được đo đếm cân đong bằng tiền.
Khi đọc tác phẩm Trúng số độc đắc, nhiều người cho rằng tác phẩm thể hiện tinh thần bi quan của nhà văn trong việc nhìn nhận đánh giá phẩm chất con người. Ý kiến đó không phải là không có cơ sở đối với một nhà văn mà cuộc sống hàng ngày “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Những thất bại trong cuộc đời, những hy vọng và thất vọng đã từng trải khiến Vũ Trọng Phụng không tránh khỏi cái nhìn bi quan về cuộc đời. Nhưng sau tất cả, ngẫm lại từng trang viết của Vũ Trọng Phụng, người đọc hẳn phải đặt ra một câu hỏi tại sao nhà văn lại trân trọng cuốn sách này đến vậy, tại sao ngay cả đến lúc nằm trên giường bệnh nhà văn vẫn còn mong mỏi được nhìn thấy cuốn sách đó và cố xin mấy tờ bản thảo làm giấy lót quan tài khi chết. Điều đó cho thấy hẳn Vũ Trọng Phụng phải là con người hết sức trăn trở với cuộc đời. Viết Trúng số độc đắc, nhà văn muốn cho người đọc thấy rõ bản chất của con người, nhận thức rõ những mặt trái của con người từ đó nhìn lại bản thân và có một thái độ sống cho đúng đắn. Vũ Trọng Phụng dù có cái nhìn bi quan về cuộc đời nhưng đằng sau mỗi trang viết là ý thức, trách nhiệm lớn lao của nhà văn trong sự nghiệp cầm bút.
50