Thái độ khách quan với xã hội

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 55)

5. Cấu trúc luận văn

2.3.1.1.Thái độ khách quan với xã hội

Thái độ khách quan của người kể chuyện trước hết được thể hiện thông qua cách miêu tả hiện thực khách quan trong tác phẩm.

Cũng giống như các nhà văn hiện thực giai đoạn 30 – 45, Vũ Trọng Phụng là nhà văn coi trọng đặc biệt tính chân thực của văn học. Đối với ông, tiểu thuyết phải là “sự thực ở đời”. Vũ Trọng Phụng rất chú ý trong việc đưa hơi thở của thời đại vào trong văn học. Tìm hiểu tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, người đọc có thể thấy rất nhiều các vấn đề, các sự kiện, các hiện tượng mang dấu ấn thời đại được thể hiện rõ trong tác phẩm.

Hiện tượng xã hội nổi bật được Vũ Trọng Phụng chú ý trước hết là tình trạng mâu thuẫn giai cấp đang diễn ra căng thẳng quyết liệt và hết sức gay gắt trong toàn xã hội. Trong tác phẩm Giông tố, người đọc có thể bắt gặp hàng loạt những bức tranh xã hội mang tính đối lập nhau. Đó là cảnh sống đối lập giữa dân làng Quỳnh Thôn, đặc biệt là cảnh sống của gia đình Đồ Uẩn, với cảnh sống trong Tiểu Vạn Trường Thành của Tạ Đình Hách, đặc biệt là sau khi vụ kiện không thành. Đó là khung cảnh đối lập giữa hàng trăm con người bồng bế, dắt díu nhau từ khắp các địa phương đứng trước dinh cơ của Tạ Đình Hách để chờ phát chẩn với bữa tiệc đầy

56

sang trọng mà Nghị Hách dùng thết đãi những vị khách được mời đến để tính toán doanh thương tổng kết hàng năm. Trong tác phẩm Vỡ đê, cảnh sống đối lập giữa những người lao động trước nạn đê vỡ và bản chất tham quan ô lại của bọn quan lại luôn tìm cách đục khoét trên nỗi khổ của lương dân.

Mâu thuẫn giai cấp là một thực trạng khá phổ biến trong xã hội nước ta những năm 30- 45 và cũng đã được nhiều nhà văn chú ý thể hiện. Ngô Tất Tố trong tác phẩm Tắt đèn, Nguyễn Công Hoan với tác phẩm Bước đường cùng, hay Nam Cao trong tác phẩm Chí Phèo cũng đều ít nhiều đề cập đến. Tuy nhiên, do sự hạn chế về thể loại và phạm vi của đề tài cho nên hầu hết các nhà văn này mới chỉ dừng lại ở việc miêu tả hiện tượng, chưa đi sâu vào việc lý giải, phản ánh bản chất bên trong của hiện tượng. Vũ Trọng Phụng với ưu thế của thể loại tiểu thuyết phóng sự, nhà văn không chỉ dừng lại ở việc miêu tả hiện tượng, ông còn trực tiếp đi vào vạch trần bản chất, chỉ ra những nguyên nhân sâu xa của những mâu thuẫn xã hội đó.

Theo Vũ Trọng Phụng, nguyên nhân tạo ra các hiện tượng đầy nghịch lý, trước hết là do xã hội bất công và hơn nữa những kẻ thuộc tầng lớp giàu, tầng lớp thống trị không xứng đáng được hưởng cái sự giàu có ấy : “Riêng tôi xã hội này, tôi chỉ thấy khốn nạn, quan lại tham nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt, mà cái xa hoa chơi bời của bọn nhà giàu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê, thợ thuyền bị lầm than bóc lột” [4].

Tầng lớp quan lại trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng hiện lên thông qua lời kể của người kể chuyện toàn là một lũ tham quan ô lại, bất chấp mọi thủ đoạn để làm giàu cho túi tiền của mình. Tạ Đình Hách trong tiểu thuyết Giông tố, từ một tên cai thợ nề bằng hàng loạt các hành động lừa gạt, móc ngoặc, bóc lột đã nhanh chóng trở thành một tay “phú gia địch quốc”. Tên quan tri huyện trong tác phẩm Vỡ đê giữa lúc nhân dân đang khốn khổ lầm than trước nạn đê vỡ thì hắn lại lo lắng không biết làm thế nào để kiếm chác cho thật nhiều trong cái vụ thiên tai này. Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng không chỉ hướng tới tầng lớp quan lại mà còn đi vào miêu tả, lột trần bản chất của bọn trí thức rởm trong xã hội thành thị lúc bấy giờ. Từ những Văn Minh đến những Tú Tân trong tiểu thuyết Số đỏ đều là những kẻ

57

được coi là đại diện cho tầng lớp trí thức trong xã hội nhưng lại là những hình ảnh đi ngược lại nhất. Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả hay tố cáo, người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng còn hướng tới vạch trần bộ mặt thật của một số hiện tượng, những nhân vật thực đang nổi lên trong xã hội lúc bấy giờ. Đó là quá trình giàu lên của một bọn đầu cơ tích trữ được người kể chuyện thể hiện trong tác phẩm Giông tố; là sự móc ngoặc giữa giai cấp địa chủ quan lại và tư bản thể hiện qua nhân vật Nghị Hách trong tác phẩm Giông tố, thầu khoán Khoát trong tác phẩm

Vỡ đê; là một số những thủ đoạn làm giàu đầy hèn hạ bẩn thỉu của tầng lớp tư sản

mại bản được người kể chuyện thể hiện thông qua nhân vật chủ khách sạn Bồng Lai, trong tác phẩm Số đỏ. Nhân vật chủ khách sạn Bồng Lai để làm lợi túi tiền của mình, một mặt hắn mở khách sạn dụ dỗ nam nữ thanh niên vào ăn chơi trụy lạc để sinh bệnh. Mặt khác, hắn lại sai người nhà kinh doanh loại thuốc chữa bệnh do sự ăn chơi trác táng ấy gây ra. ...Có thể thấy rằng, bằng việc phát hiện, miêu tả, và thể hiện những hiện thực đối lập trong xã hội, người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng không chỉ vạch trần bản chất thực của xã hội mà còn lên tiếng tố cáo đanh thép tội ác của bọn địa chủ, quan lại, phủ nhận tất cả những trí thức đạo đức rởm đang dấy lên trong xã hội lúc bấy giờ.

Miêu tả hiện thực khách quan, người kể chuyện còn nêu lên một vấn đề hết sức nổi cộm trong xã hội lúc bấy giờ, đó là tình trạng tha hóa của con người. Sự tha hóa của con người là kết quả của tình trạng xã hội bị tha hóa. Miêu tả sự tha hóa của con người, người kể chuyện rất chú trọng việc đặt lên hàng đầu những nguyên nhân của xã hội. Trong hầu hết các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng miêu tả sự tha hóa của con người, người kể chuyện đều khắc họa những nguyên nhân xuất phát từ mặt xã hội, từ mặt hoàn cảnh. Trong tác phẩm Giông tố, Long từ một con người nghèo khổ, tự trọng làm việc chăm chỉ theo phận sự, chung thủy trong tình cảm, trở thành kẻ loạn luân, chơi bời trác táng nơi ca lâu tửu quán. Bên cạnh Long thì Mịch, ông Đồ Uẩn cũng là những nhân vật bị tha hóa do hoàn cảnh. Huyền trong tác phẩm Làm đĩ, từ một người con gái ngoan ngoãn thông minh với nhiều phẩm chất tốt đẹp trở thành một đứa con gái hư hỏng với một đời bỏ đi. Lý giải nguyên nhân tha hóa của con

58

người, Vũ Trọng Phụng đã chỉ ra sự tác động rất lớn từ nguyên nhân xã hội. Một xã hội phi lý sẽ tạo ra những con người vô lý trong xã hội.

Miêu tả những mâu thuẫn, những hiện tượng nhố nhăng, đồi bại trong xã hội, người kể chuyện còn thể hiện cảm nhận về sự hiện hữu của nghịch lý xã hội: sự lên ngôi của cái ác, cái xấu. Trong tiểu thuyết Giông tố, quan thanh liêm thì bị giáng chức, loại quan hách dịch thối nát thì được trọng dụng. Trong tác phẩm Số đỏ, trí thức toàn là những kẻ lưu manh giỏi lừa đảo. Đồng tiền trở thành phương thuốc có thể làm biến đổi con người một cách nhanh chóng (Trúng số độc đắc)...Thông qua hàng loạt các nhân vật, các hiện tượng trong xã hội, người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc sự hình dung đầy đủ về các dạng thức của sự tha hóa trong xã hội hiện đại: sự tha hóa về quyền lực, sự tha hóa về đồng tiền và sự tha hóa do lối sống bản năng. Trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, những yếu tố bóng dáng của quyền lực, đồng tiền và lối sống bản năng cứ lặp đi lặp lại. Đó là những ám ảnh về sự tha hóa không thể hãm phanh của con người trong xã hội.

Để có thể nhận diện đầy đủ thái độ của người kể chuyện đối với hiện thực xã hội, người đọc không thể bỏ qua những chi tiết khắc họa hình ảnh đám đông trong một số tác phẩm. Trong tiểu thuyết Giông tố, vào ngày tính sổ doanh thương định kì hàng năm của nhà tư sản kiêm nghị viên của Tạ Đình Hách: “ Trước mắt bậc triết nhân hiền giả, họ là bọn sài lang, mà đối với gia đình của họ, thì họ là những bậc can trường lỗi lạc. Trong bọn ấy, có anh coi đời như canh bạc lớn, làm việc thiện để quảng cáo cho mình, làm điều ác để bắt mọi người phải nhớ ơn, đọc đủ các báo chí mà không biết gì về văn chương mỹ thuật, tủ sách đầy những tập kỷ yếu các hội ái hữu, nhưng kỳ chung thật không có bè bạn trên đời, cầm đến tờ nhật trình chỉ xem tin thương trường, tin gọi thầu, các đạo nghị định, tin xuất cảng nhập cảng, đã từng chủ tọa các cuộc ban giải văn chương mà chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết. Lại có anh vừa cổ vũ kịch liệt cho hội Phật giáo, lại vừa xây hàng dẫy nhà săm, thấy tin ở đâu bị lụt là lập tức mở cuộc lạc quyên, để đi cân gạo, có anh thấy tin ông tổng trưởng thuộc địa qua chơi là viết ngay một bài báo than phiền về nạn hiếu danh và lên kể công với quan doanh thương đầu tỉnh, có anh coi đời là một sự vô nghĩa lý,

59

nhưng đầy tớ đánh vỡ một cái bát cũng bắt đền năm xu....”. Không chỉ ở Giông tố, hình ảnh đám đông trong Số đỏ, Vỡ đê cũng không kém phần sinh động. Trong chương XV của tiểu thuyết Số đỏ, người kể chuyện cũng khá độc đáo trong việc khắc họa chi tiết hình ảnh đám đông: “ Những ông bạn thân của cụ cố Hồng, ngực đầy những huy chương như : Bắc đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tình, Vạn tượng bội tinh, vân vân..trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn, những ông tai to mặt lớn thì sát ngay với linh cữu, khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy cũng đều cảm động hơn với những khi nghe tiếng kèn xuân nữ ai oán, não nùng”...Hình ảnh nhân vật đám đông được người kể chuyện thể hiện trong những tác phẩm là sự khái quát sâu sắc, thể hiện sinh động thái độ của nhà văn đối với những con người công giới và thương giới trong xã hội lúc bấy giờ.

Có thể nói, thông qua hàng loạt nhân vật, hiện tượng khách quan trong xã hội, người kể chuyện đã thể hiện rõ thái độ phê phán kịch liệt đối với một số loại người, phủ nhận bản chất của xã hội thượng lưu trí thức rởm lúc bấy giờ, đồng thời đánh một hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng tha hóa, xuống cấp của xã hội, hiện tượng tha hóa của bản chất con người. Thái độ phê phán mỉa mai, châm biếm, đả kích được thể hiện trong tác phẩm cũng chính là chiều sâu của tinh thần chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác mà Vũ Trọng Phụng gửi gắm qua thái độ người kể chuyện trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 55)