Dẫn dắt thông qua tình huống truyện

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 89)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Dẫn dắt thông qua tình huống truyện

Theo Heghen, nhà triết học người Đức, trong tác phẩm nổi tiếng Mỹ học đã nhận định về tình huống như sau: “Nói chung tình huống là một trạng thái có tính chất riêng biệt và trở thành được quy định. Ở trong thuộc tính này của nó tình huống góp phần biểu lộ nội dung cái phần có được một sự tồn tại bên ngoài bằng sự biểu hiện nghệ thuật”.

Như vậy, tình huống thực chất chính là một hoàn cảnh đặc biệt, là một lát cắt của cuộc sống mà ở đó hội tụ những xung đột, những mâu thuẫn buộc nhân vật phải tự bộc lộ. Thông qua tình huống, người kể chuyện để cho nhân vật tự bộc lộ, tự phơi bày.

Sử dụng tình huống truyện trong các tác phẩm là phương thức quen thuộc của các nhà văn giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX. Vũ Trọng Phụng cũng là một trong số những nhà văn sử dụng tình huống truyện làm phương thức để dẫn dắt và thể hiện trong tác phẩm. Tuy nhiên, so với các nhà văn cùng thời có thể thấy Vũ Trọng Phụng là một cây bút tiêu biểu nhất trong việc khai thác, sử dụng tình huống truyện.

Hầu hết các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đều được dẫn dắt thông qua một tình huống truyện có tính xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Ở tiểu thuyết Giông tố, người kể chuyện bắt đầu câu chuyện bằng một tình huống khá thú vị. Đây được coi là tình huống mở màn nhưng có ý nghĩa hé mở về tính cách và bản chất của nhân vật. Câu chuyện được bắt đầu bằng một khung cảnh rất nên thơ ở một vùng quê nghèo hẻo lánh “mặt trăng rất to và tròn, chiếu vằng vặc...cánh đồng lúa chín như

90

một tấm thảm vàng. Con đường quan lộ rải nhựa, như một con rắn nhễ nhại, nằm uốn khúc trên tấm thảm ấy...”, chính trong khung cảnh ấy, xe của Nghị Hách bị chết máy. Giữa cánh đồng “lão phải đi thơ thẩn giữa đồng không mông quạnh ngắm trăng suông, nhìn sương tỏa, nghe giun kêu, dế khóc, bên cạnh những tiếng búa gõ vào sắt cạch cạch, những tiếng sình sịch của một cái xe hơi khó tính cứ muốn chạy lại thôi...mặt trăng lúc này đã bị mây to lướt che đi, thành thử trời tối sầm hẳn lại...” Đúng lúc ấy, một đoàn thợ cấy đi qua. Trong đám thợ cấy phần lớn là những người già chỉ duy nhất có một “cô ả” dưới ánh trăng nổi bật lên với “hai cái má phúng phính, một cặp môi nhỏ và dầy, cái cằm tròn trĩnh và hơi lẹm trong cái vành khăn mỏ quạ bằng láng thâm”. ..Người kể chuyện đã dành gần bảy trang sách chỉ để khắc họa cái hoàn cảnh này. Một hoàn cảnh tưởng như rất bình thường nhưng nó lại mang rất nhiều vẻ khơi gợi lòng người từ đó mà tính cách nhân vật bộc lộ. Thông qua tình huống này, người kể chuyện để cho Nghị Hách hiện ra là một kẻ dâm dật và liều lĩnh. Đó là một người đàn ông độ tuổi gần năm mươi, thân hình vạm vỡ, kính trắng gọng vàng, đôi giày bóng nhọn trông có vẻ sang trọng mà quê kệch ấy trong cái ánh sáng nhòe nhạt của đêm trăng chỉ thoáng nhìn trong đám thợ cấy, lão ta đã phát hiện ngay vẻ đẹp của cô thôn nữ với cái “váy nâu cũn cỡn, do một đường lạt khíu giữa, cho nó chẽn đến nửa đùi, một bộ đùi phốp pháp trắng nõn trông rất đáng yêu”. Và chỉ cần một cái nhìn thoáng nhanh ấy đã khiến cho nhà tư bản đứng “trông theo cái bộ đùi thôn nữ ấy một cách tần ngần trong đến vài phút”. Và chỉ một vài phút đó thôi cũng đủ để hắn nổi tà tâm và âm mưu thực hiện cái tà tâm đó. Không chỉ là một kẻ dâm dục, thông qua tình huống và cách hành động của lão trong hoàn cảnh này còn có thể thấy Nghị Hách hiện ra là một kẻ rất tinh quái. Nắm bắt được sự đói kém của người dân quê, bằng một giọng “rất ân cần”, lão đã đánh đúng vào cái tâm lý của những người nhà quê : “này chị gánh cái gánh lại chỗ xe ô tô kia, tôi muốn mua một ít cho”. Rồi ngay lập tức lão đổi giọng quát những tên tài xế ra điều lão đang rất cần tới gánh rạ. Nói xong “lão khôn ngoan bước nhanh về chỗ cái xe”. Cách nói năng và hành động của lão đã khiến cho những người thợ gặt không mảy may nghi ngờ lên đường cái quan ngồi nghỉ, còn cô Mịch thì thoăn thoắt

91

gánh gánh rạ tiến đến cái xe hơi. Thực hiện âm mưu một cách bình tĩnh, tự nhiên và đầy già dặn để rồi Mịch đã từng bước bị mắc mưu của lão mà không hay. Lão đã cưỡng hiếp Mịch ngay trước mắt của hai tên tài xế, trong tiếng chan chát của búa gõ vào xe. Để rồi chỉ đến khi “chị nhà quê bị đun ra ngồi phịch xuống đất” thì những người thợ gặt mới hay. Có thể nói với tình huống mở đầu thông qua một vài cử chỉ của Nghị Hách, người kể chuyện không cần bình luận thêm bất cứ điều gì cũng đã đủ để người đọc phần nào thấy được bản chất cũng như sự cáo già của Nghị Hách.Tình huống mở đầu tác phẩm là một tình huống được nhà văn hư cấu. Người kể chuyện bắt đầu câu chuyện bằng một tình huống hư cấu không chỉ góp phần hé mở bản chất của nhân vật mà còn tạo tiền đề để từ đó mở rộng phát triển câu chuyện ra các hướng khác nhau.Tác phẩm Số đỏ được coi là tác phẩm hiện thực thành công nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ngay ở chương mở đầu người kể chuyện đã liên tục dẫn dắt người đọc vào những tình huống dở khóc dở cười: Xuân nhặt ban quần vợt đang lúc rảnh rỗi vì sân quần vẫn còn vắng khách, thất bại trong chuyện tán tỉnh cô hàng nước mía “đêm thu tịch mịch càng làm như gợi khách đa sầu”, thì bất chợt được ông thầy bói xem cho hậu vận “sau này danh phận cũng to cơ đấy”. Nhưng vừa dứt lời ông thầy bói thì Xuân đã phải chịu ngay một chuỗi những lời mắng mỏ của bà Phó Đoan : “Cái anh này ngu lắm”, rồi sau đó, chỉ một lát sau “tự nhiên thấy một người Pháp nắm tóc Xuân, lôi nó sềnh sệch ra sân mà tát, mà sỉ vả”...và bà Phó Đoan sau khi hỏi ra cái cơ sự thì không khỏi ngậm ngùi thở dài :“Rõ khổ tội nghiệp! Đuổi người ta như thế mà đành lòng”. Người kể chuyện bắt đầu câu chuyện bằng hàng loạt những sự việc trái ngược nhau vừa tạo nên những nghịch lý gây cười vừa tạo nên sự tò mò nơi người đọc trước những sự việc bất thường nhưng lại bình thường trong cuộc sống. Tình huống truyện không chỉ bộc lộ tính cách lưu manh vô học của Xuân, bản chất dâm đãng của bà Phó Đoan, mà ngay trong sự gặp gỡ giữa cái lưu manh của Xuân với cái dâm đãng của Phó Đoan đã dần hé mở cái Số đỏ mà ông thầy bói đã xem cho Xuân ở những chương tiếp theo của câu chuyện.

Trong tác phẩm Vỡ đê, tình huống vỡ đê được coi là tình huống mở đầu đồng thời cũng là tình huống xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Xoay quanh câu chuyện vỡ đê

92

người kể chuyện một mặt để cho nhân vật tự bộc lộ tính cách mặt khác đi vào phản ánh bản chất của những hiện tượng xã hội. Tác phẩm Dứt tình lại được đặt trong tình huống Tiết Hằng và Việt Anh yêu nhau không lấy được nhau. Để rồi từ đó bao đau khổ, bao oan ức cứ chồng chéo lên nhau. Kết thúc tác phẩm, Tiết Hằng quyết định chấm dứt mối tình đau khổ của mình chấp nhận tình yêu mà Huỳnh Đức đã trao cho nàng. Trong tác phẩm Làm đĩ, câu chuyện cũng được xây dựng bởi một tình huống khá hấp dẫn. Nhân vật tôi cùng người bạn rủ nhau đi hưởng cái thú nguyệt hoa. Nhưng chính tại cái nơi mà người kể chuyện tưởng rằng chỉ dành cho những hạng đàn bà hư hỏng thì thật bất ngờ khi đối mặt với tình huống người phục vụ nhân vật tôi trong đêm hôm đó lại chính là người con gái trong mơ của bao nhiêu chàng trai, là hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ, là người mà bạn của nhân vật tôi đã từng đơn phương thầm yêu biết bao nhiêu năm nay. Chính trong tình huống ấy, người kể chuyện mới có dịp được nghe nhân vật Huyền kể về chính cuộc đời mình, mới có dịp được ngẫm nghĩ cái sự đời xô đẩy con người ta vào vòng tội lỗi. Trong tác phẩm Trúng số độc đắc, câu chuyện lại xoay quanh tình huống Phúc đang là một kẻ thất nghiệp, một kẻ sống bám (mặc dù luôn giữ lối sống thanh bạch với những ý nghĩ tốt đẹp), và lại luôn bị mọi người khinh rẻ, bỗng bất ngờ trúng số độc đắc mười vạn và thành ra một đại quý tử. Xoay quanh tình huống Phúc trúng số mười vạn, người kể chuyện đã thể hiện được bản chất của xã hội trước ma lực của đồng tiền.

Mỗi tiểu thuyết là một câu chuyện được xây dựng trên nền tảng của những tình huống khác nhau. Dẫn dắt câu chuyện bằng một tình huống có tính xuyên suốt, người kể chuyện đã tạo nên cách vào đề hấp dẫn, tạo cảm giác căng thẳng, gây hứng thú cho người đọc.

Trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, bên cạnh việc thể hiện nhân vật xoay quanh một tình huống chính, người kể còn hết sức chú ý trong việc khắc họa, thể hiện nhân vật ở những tình huống có liên quan. Đây là một đặc điểm khá nổi bật và mang tính đặc thù trong nghệ thuật dẫn chuyện của người kể chuyện ở những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Dường như trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ

93

tình huống nào, người kể chuyện cũng cố tình để cho nhân vật hiện lên một cách trực tiếp thông qua những tình huống truyện. Trong tiểu thuyết Giông tố có rất nhiều các tình huống khác nhau, song có thể tạm chia thành các loại tình huống sau:

Tình huống bàn luận, tranh luận. Tình huống bàn luận, tranh luận được hiểu là tình huống mà ở đó các nhân vật được đặt trong một hoàn cảnh cần phải tranh luận, bàn bạc để cùng nhau giải quyết một vấn đề chung nào đó. Trong tiểu thuyết Giông tố có hai lần tình huống bàn luận, tranh luận được người kể chuyện khai thác để phản ánh bộc lộ nhân vật. Thứ nhất phải kể đến cuộc tranh luận của các lý dịch chức sắc trong làng:

Ngoài số thân bằng cố hữu đến hỏi thăm cô Mịch bị nạn đêm hôm trước. Lại có cả bọn lý dịch trong làng đến thúc dục ông đồ thảo đơn kiện lên trình quan trên. Bà đồ phải nghỉ việc đồng áng ở nhà bếp nước thết khách...ông lý trưởng trầm tĩnh làm ra mình hiểu pháp luật: mình có nhớ đích xác thì hãy khai số xe...ông phó hội tức khắc nổi giận mà rằng: việc gì mà khốn cả ? ông bảo việc gì mà khốn cả? Tôi thì tôi tưởng nếu ông Trương đã nhìn như thế thì cứ việc khai trong đơn cả hai số xe, mà không rõ đích xác là số nào?...ông chánh hội xắn tay áo, giơ một quả đấm lên trần nhà hăng hái nói: “ thôi các ông không phải bàn ra tán vào! Nói lắm chỉ nát chuyện... ông đồ nhảy trên mặt đất, như giẫm phải đống kiến lửa tru tréo: thôi đi, tôi xin con gái già! Con gái già đừng thêm điều bẻ chuyện, không có tôi điên tiết nên bây giờ đấy

Bên cạnh tình huống tranh luận của những chức dịch nơi thôn quê, cuộc tranh luận của Nghị Hách với một tên đại diện cho bọn tư sản ở bên Pháp cũng không kém phần hấp dẫn:

- Tôi muốn ông Nghị nói cho tôi hiểu rằng khóa này ông có ra tranh cử nữa không...

Nghị Hách nghĩ mãi mới đáp :

- Điều ấy tôi cũng chưa quyết định.

- Nếu ngài ra tranh cử, thì nên quyết định ngay đi vì chỉ còn có hai tháng.

94

khóa này tôi thôi.

Người Tây trợn tròn hai mắt:

- Ngài thôi ? Ngài nói?

- Phải, có lẽ tôi thôi.

- Ngài thôi vì công việc của ngài đang tiến bộ?

- Vâng.

Người Tây cười nhạt một hồi rồi khẽ nói:

- Ngài nên nói vì ngài đầy túi rồi thì hơn. Nghị Hách đứng lên nghiêm trang mà rằng:

Tôi xin thề với ông rằng, tuy chính phủ có cho tôi hai trăm mẫu đồn điền thật, nhưng tôi mất theo cái ấy có đến sáu vạn bạc, mà vẫn chưa thu về một xu nào cả!

- Không phải vì thế mà ngài không thay mặt dân nữa.

- Vả lại, tôi cũng không giúp ích được dân điều gì.

Người Tây lại cười gằn một hồi lâu, rồi ghé vào tai Nghị Hách:

- Khi mình làm nghị viên thì người ta hãy nghĩ đến cách giúp ích cho mình trước đã.

Nghị Hách cũng cười trừ, và chìa tay ra bắt tay người Tây, sau khi nháy mắt mấy cái ranh mãnh...”

Hai cuộc tranh luận được miêu tả bằng hai sắc thái hoàn toàn khác nhau, thể hiện hai đẳng cấp hoàn toàn khác nhau. Kể chuyện xoay quanh tình huống bàn luận, tranh luận, người kể chuyện đã thể hiện tính cách, bản chất của từng đối tượng một cách chân thực, rõ nét.

Tình huống cãi lộn cũng là tình huống khá độc đáo trong tiểu thuyết Giông tố. Trong tiểu thuyết Giông tố, hàng loạt tình huống cãi lộn được người kể thể hiện trong tác phẩm. Đó là cuộc cãi vã giữa ông đồ với những chức dịch trong làng trước việc gả con gái cho cái người mà “làng này kiện không nổi”; cuộc cãi lộn giữa Long và Mịch khi chất vấn nhau về hành động và cách đối xử của nhau; cuộc cãi vã và chửi bới giữa vợ chồng Nghị Hách...Có thể thấy rằng cảnh chửi bới, gây gổ lẫn nhau là một tình huống được người kể chuyện rất biết kết hợp trong việc thể hiện

95

dẫn dắt câu chuyện. Nói về tình huống cãi lộn trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận xét : “ông quả là có biệt tài dựng nên những màn cãi cọ rất sinh động hài hước giữa các nhân vật”. Thông qua một loạt tình huống cãi lộn, người kể chuyện đã tạo nên một thế giới hiện thực mà ở đó con người luôn bức xúc, sẵn sàng nổi xung với nhau bất cứ khi nào và bất cứ vấn đề gì. Và chính ở những dòng cãi vã đó, tư tưởng, thái độ của nhà văn gián tiếp được gửi gắm, thể hiện thông qua tác phẩm.

Tình huống tra hỏi cũng là tình huống khá hấp dẫn được người kể chuyện khai thác, sử dụng trong việc dẫn dắt, thể hiện câu chuyện của mình. Trong một phiên tòa chỉ có quan tòa và người đi thưa kiện, bị cáo hoàn toàn vắng mặt. Và trong tình huống đó, người đi thưa kiện lại được xét hỏi như người bị kiện. Cảch xét hỏi diễn ra một cách ngoạn mục. Ngay từ đầu bằng một lối dẫn dắt, quan đã lái câu trả lời theo đúng ý đồ của mình.

“ - Mày có nhận của người ta cái 5 cái giấy bạc một đồng, có phải không? - Bẩm quan lớn vâng

...

- Mày nói láo ! Người ta đi xe đến đấy thì người ta mua rạ của mày để làm gì? - Bẩm người ta mua rạ để chữa xe.

Quan huyện ngồi dựa vào ghế, ngửa cổ ra cười một hồi dài mà rằng :

- Mua rạ để chữa xe ô tô !...Mày nói đến trẻ con nó cũng không thể tin được . Họ chữa xe bằng rạ của mày thế nào ?

- Bẩm con không biết ạ.

...

Sao mày lại lấy tiền ? thế mày có bằng lòng ngủ với người ta không?...”

Dẫn dắt đối tượng đến con đường không có lối thoát, rồi bất ngờ vặn lại tra hỏi làm kẻ bị tra hỏi không có cách chống đỡ, đó là chiêu bài mà quan huyện dùng để hỏi đối tượng của mình. Biến kẻ bị hại thành kẻ gây hại, quan tòa đã khiến cho đối

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 89)