5. Cấu trúc luận văn
2.2.2.4. Sự di chuyển hóa điểm nhìn
Nét độc đáo nhất tạo nên nét sắc sảo trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng chính là cách nhìn đời nhìn người của nhà văn. Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng vậy, nhìn sự vật không bao giờ chỉ nhìn ở bên ngoài mà thông qua sự vật nhà văn thấy được cả những nét ẩn tàng nằm sâu bên trong sự vật. Tạo nên nét độc đáo hấp dẫn ấy chính là nhờ nghệ thuật sử dụng điểm nhìn trong sáng tác của nhà văn. Một trong những nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn nhất trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng chính là sự di chuyển điểm nhìn.
Sự di chuyển điểm nhìn rõ nhất được thể hiện đó chính là sự di chuyển điểm nhìn trên cơ sở của sự luân phiên những góc nhìn khác nhau. Sự luân phiên giữa các góc nhìn tạo nên một thế giới hiện thực sinh động với đầy đủ các mối quan hệ. Nhân vật được nhìn nhận dưới góc độ phức điệu nhiều chiều (điều này đã được chúng tôi thể hiện rất rõ trong mục 2.2.2.1. Điểm nhìn toàn tri ).
Bên cạnh sự di chuyển các góc nhìn, sự đa dạng hóa điểm nhìn của người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng còn được thể hiện ở việc người kể chuyện sử dụng luân phiên các điểm nhìn. Hầu hết trong các tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng, người kể chuyện không bao giờ cố định hóa một điểm nhìn. Các điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn toàn tri luôn được người kể chuyện sử dụng luân phiên có sự kết hợp logic chặt chẽ tạo nên một thế giới chuyện kể phong phú và đầy hấp dẫn. Trong tác phẩm Giông tố, điểm nhìn toàn tri là điểm nhìn mang tính chủ đạo song đọc tác phẩm này người đọc vẫn bắt gặp những đoạn văn được miêu tả bằng cái nhìn bên ngoài. Người kể chuyện chỉ có vai trò ghi lại những gì mà anh ta quan sát được. Đoạn văn miêu tả cuộc họp bàn của các lý dịch trong làng trong việc giục ông đồ thảo kiện: “ Sau nửa giờ vỡ chợ, kẻ khuyên can to tiếng hơn người gây sự, hàng chục cái mồm đàn ông và đàn bà, già và trẻ, phân bè kéo đảng nhau mà nói kháy nhau, chọc tức nhau. Ông chánh hội phải vớ lấy một cái gậy mà rằng: Thôi cả đấy nhé! Cấm không ai được nói nửa nhời đấy, kẻo không có thằng này phang cả cho một lượt chứ chẳng từ ai đâu! Lại không biết người ta bận?
51
lại không biết người ta chốc nữa phải lên quan à. Cút cả đi cho các cụ làm việc!”. Thuần một đám lố nhố, nhốn nháo lộn xộn, của đám ông Chánh, ông Trương, ông Lý. Cuộc họp nghe ra thì có vẻ to tát, nhiệt tình là thế, nhưng nó lại thể hiện sự rỗng tuếch, sự bồng bột của những con người khi có sự thì chỉ biết gân cổ lên mà không biết cần phải giải quyết nó như thế nào. Hoặc như trong cách miêu tả Nghị Hách, điểm nhìn của người kể chuyện cũng không bao giờ mang tính áp đặt theo một cách nhìn cố định. Nghị Hách được soi chiếu trong những góc nhìn khác nhau. Theo cái nhìn bên ngoài Nghị Hách là “một người gần năm mươi, thân hình vạm vỡ, hơi lùn, trước mắtt có một cặp kính trắng gọng vàng, trên môi có ít râu lún phún kiểu tây, cái mũ dạ đen hình quả dưa, cái áo đen bóng một khuy, cái quần đen sọc trắng, đôi giầy láng mũi nhọn và bóng lộn, làm cho lão có vẻ sang trọng mà quê kệch, cái vẻ rất khó tả của những anh trọc phú học làm người văn mình”.Với cái nhìn toàn tri, người đọc còn được biết thêm “lão ta giàu có đến phú gia địch quốc, từ một anh cai phu mỏ lên đến bậc nhân dân đại biểu, thì chưa hề có một sự trái ý lão mà lão lại phải chịu”. Trong con mắt của ông Lý: “lão nghị ấy có năm trăm mẫu đồn điền trên tỉnh này, một cái mỏ than ở Quảng Yên này, ba chục nóc nhà tây ở Hà Nội, bốn chục nóc nhà ở Hải Phòng, bạc nhà nó cứ gọi là gà ăn không hết”. Trong con mắt của Vạn Tóc Mai, một đứa con không được Nghị Hách thừa nhận thì “cụ Nghị ấy thì cũng quá thật. Có con mà lại không nhận con thì thật là phạm vào một tội đại ác. Mà khi ông cụ ấy sợ phải nuôi con như thế thì sao lại còn cứ dâm đãng quá sức”. Còn trong con mắt của Mịch thì một người đàn ông đáng tuổi bố của mình như vậy có khi nào Mịch lại ngờ. ..Như vậy miêu tả Nghị Hách, người kể chuyện không cố định hóa điểm nhìn mà thông qua những điểm nhìn khác nhau, nhân vật hiện lên một cách chân thực, rõ nét.
Trong Số đỏ, toàn bộ tác phẩm được coi là những trang biếm họa độc đáo. Điểm nhìn bên ngoài được xem là điểm nhìn có tính xuyên suốt toàn tác phẩm. Thông qua điểm nhìn bên ngoài, người kể chuyện được dịp quan sát một cách chi tiết, tỉ mỉ những sự việc hiện tượng mà đời thường không mấy ai để ý: cảnh một đứa trẻ nhỏ uể oải đi nhặt những quả bóng để ném cho hai người tây, cảnh thằng Xuân tán tỉnh
52
cô hàng nước mía “xin một tị ! một tị tỉ tì ti thôi!”, cảnh ông thầy bói ế ẩm đang ngồi ngủ gật....Những cuộc cãi vã giữa những ông lang băm lang tây, cuộc chuyện trò giữa những cảnh sát MinĐơ, Min Toa, cảnh đám ma to tát.. tất cả gợi lên một bức tranh về thế giới hiện thực với muôn màu muôn vẻ. Bên cạnh những đoạn được kể bằng điểm nhìn của người bên ngoài, có những đoạn người kể chuyện lại cho người đọc được đắm chìm trong thế giới hiện thực của câu chuyện thông qua những đoạn kể được nhìn bằng điểm nhìn bên trong. Một trại giam nơi thằng Xuân bị giam giữ “một lão ăn mày và vợ con hắn, một thằng ma cà bông, và một người đàn bà bán hàng rong có một bún gánh chả ế. Người này ngồi dựa tường, hai tay bó gối, giữa hai thúng quà, vẻ mặt đa tư lự, trong khi thằng ma cà bông nằm dài dưới gạch ngáy như kéo gỗ, và ba người của cái gia đình hành khất thì bắt chấy rận cho nhau một cách nên thơ...”. Thằng Xuân đã nhìn tất cả những cảnh tượng ấy bằng con mắt “trịch thượng” và “thản nhiên”. Sở dĩ nó coi thường cái trại giam ấy là vì “Ty cảnh sát này là một ty cảnh sát thuộc bộ thứ 18 của thành phố mà nhà nước mới đặt thêm ra ít lâu nay thôi. Tất cả nhân viên trong sở cẩm chỉ có bẩy người...Trong 16 phố ấy chẳng may có khi xảy ra một sự gì phạm vào trật tự thì phần nhiều lại không thấy bóng vía các thầy cảnh sát đâu cả! Hàng rong, bồi bếp, phu xe, ăn mày, những người ấy chỉ sau khi thầy cảnh sát đã cắm đầu đạp xe đạp khỏi phố thì mới đái đường, thì mới đánh nhau, chửi nhau...Vì lẽ tất cả có bốn thầy lính thôi, nên lúc nào ở sở cẩm cũng phải có hai thầy, chỉ có hai thầy đi tuần ở ngoài đường. Mười sáu phố cho hai người, việc tuần phòng thành ra gần như là việc tập đua xe đạp!”....Sự kết hợp giữa điểm nhìn bên trong với điểm nhìn bên ngoài cùng với sự lý giải hiện tượng thông qua điểm nhìn toàn tri của người kể chuyện làm cho sự vật hiện tượng không chỉ được phơi bày thể hiện mà còn có giá trị định hướng tư tưởng cho người đọc. Trong tiểu thuyết Số đỏ, sự di chuyển điểm nhìn gần như diễn ra liên tục trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Ở chương thứ XII của tác phẩm, với điểm nhìn bên ngoài, người kể chuyện tạo cho người đọc một bức tranh khung cảnh về cuộc sống sinh hoạt thường ngày của một người được coi là tiêu biểu của thế giới thượng lưu. Cái con người luôn đi đầu trong việc cổ vũ nền văn minh của nhân loại. Ông ta kêu gọi
53
mọi người thay đổi trong cách nghĩ cách sống cách ăn mặc, là người lăng xê những mốt quần áo “chờ một tý”, những bộ y phục sát nách hở cả vú, những mốt thời trang y phục dành cho những gia đình đang có hoàn cảnh tang gia bối rối đến mức “người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng nếu không gật gù cái đầu”. Ấy vậy mà, thông qua điểm nhìn bên trong thực chất con người ấy lại “ nhìn thấy cái quần đùi của vợ ông ngắn quá, cứ để phô ra trước mắt một hạng người đáng nghi như Xuân, một bộ đùi nở nang và trắng nõn thì ông cũng thấy nản chí trong việc cải cách xã hội, không còn muốn cấp tiến nữa, và muốn cái quần đùi của vợ ông cũng nên bảo thủ đi thì có lẽ hơn”. Con người ấy luôn cổ vũ cho sự ngoại tình như một cái mốt của thời thượng thì lại là con người sợ nhất bị mọc sừng. Điểm nhìn toàn tri đã cho người đọc thấy rõ cái suy nghĩ đầy mâu thuẫn và cái tình cảnh khó ăn khó nói của ông: “Thấy mẹ nói vợ mình, lòng ghen của ông nhóm lên. Ông sợ nhất cái xấu mọc sừng, và thấy mình trong hoàn cảnh khó xử, vì mọc sừng là một cái xấu của thói cấp tiến chứ không phải của bảo thủ. Đàn bà tân thời mà đứng đắn thì thôi không nói. Đàn bà tân thời mà đa tình, cái đó càng có lợi cho bọn nam nhi vẫn coi phụ nữ là đồ chơi. ...Nhưng nếu những cái đồ chơi mà lại là em gái ông hoặc vợ ông nữa, thì...Không... Không thể được!”. Điểm nhìn toàn tri kết hợp với điểm nhìn nhân vật tạo nên một giọng điệu đa phong cách, gợi lên nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc. Cách thay đổi luân phiên liên tục trong điểm nhìn làm cho tác phẩm vừa có vẻ khách quan, lại vừa có vẻ chân thực, sinh động. Người đọc luôn được trải nghiệm trong những cảm giác khác nhau, nhờ đó câu chuyện từ đầu tới cuối là bịa vậy mà người đọc vẫn có cảm giác thật. Thật bởi nó không phải chỉ là cách nhìn của người kể chuyện mà nó còn là cách nhìn của nhân vật. Sự luân phiên trong điểm nhìn tạo nên nét hấp dẫn riêng trong cách kể, đồng thời tạo nên cái nhìn sắc sảo của nhà văn trong việc nhận thức và đánh giá hiện thực tư tưởng của tác phẩm.
Hầu hết các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đều có sự luân phiên điểm nhìn. Ở các tiểu thuyết như Vỡ đê, Lấy nhau vì tình, hay Dứt tình, hoặc Người tù được tha
54
ý thức trong việc kết hợp luân phiên điểm nhìn. Trong tác phẩm Vỡ đê, điểm nhìn khách quan với khung cảnh ở nhà Phú, điểm nhìn của nhân vật trong niềm vui sướng đón nhận anh Minh sắp được tha, điểm nhìn toàn tri với khung cảnh tấp nập trong nhà quan huyện...tất cả những điểm nhìn ấy đã tạo nên một kết cấu tác phẩm chặt chẽ. Người đọc vừa có điều kiện nắm bắt những hiện thực khách quan bên ngoài, vừa có điều kiện đi sâu phân tích những diễn biến diễn ra bên trong tâm trạng của nhân vật. Những tác phẩm mà điểm nhìn bên trong được coi là chủ yếu như
Làm đĩ, hay Trúng số độc đắc, cũng không cố định ở một nhân vật, người kể chuyện luôn lồng ghép vào đó điểm nhìn của các nhân vật khác nhau. Trong tiểu thuyết Trúng số độc đắc, bên cạnh điểm nhìn của Phúc, câu chuyện còn được thể hiện thông qua điểm nhìn của vợ Phúc, của bố mẹ Phúc, của Tấn, của lão phu quét rác. Sự luân phiên điểm nhìn của các nhân vật góp phần bổ sung, hoàn thiện tính cách nhân vật, đồng thời tạo nên cái nhìn đa chiều trong tác phẩm. Có thể nói rằng, sự luân phiên điểm nhìn của người kể chuyện chính là nét đặc sắc làm nên sự hấp dẫn trong nghệ thuật kể chuyện ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.
Trở lại với lịch sử văn học nước nhà, trong văn học truyền thống, các tác giả triển khai tác phẩm chủ yếu bằng một điểm nhìn tương đối ổn định. Người kể chuyện miêu tả, tái hiện đời sống chủ yếu ở ngôi thứ ba. Tuy nhiên, cũng có những hiện tượng “phá chuẩn”, chẳng hạn, Nguyễn Du miêu tả nội tâm Thúy Kiều: “giật mình mình lại thương mình xót xa”. Song hiện tượng “phá chuẩn” này là cực ít. Ý thức về sự dịch chuyển điểm nhìn gần như chưa có. Vũ Trọng Phụng được coi là nhà văn tiên phong trong cách kể chuyện linh hoạt điểm nhìn. Sự dịch chuyển điểm nhìn được nhà văn sử dụng một cách thành thạo không chỉ làm nổi bật giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, thể hiện cái nhìn sắc sảo của nhà văn mà còn góp phần tạo nên một lối kể chuyện linh động, hấp dẫn. Nói về nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng có thể khẳng định được rằng Vũ Trọng Phụng là người có đóng góp lớn trong cách thức kể chuyện đa dạng hóa điểm nhìn.
55