Ngôn ngữ mang thói quen của nhân vật

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 122)

5. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Ngôn ngữ mang thói quen của nhân vật

Nói về nghệ thuật khắc họa tính cách của nhân vật thì có lẽ chưa có nhà văn nào vượt được Vũ Trọng Phụng ở phương diện sử dụng chính ngôn ngữ của nhân vật để khắc họa nhân vật.

Đành rằng, mỗi nhân vật có những cách thức riêng để khẳng định sự tồn tại của mình. Tuy nhiên, ngôn ngữ được coi là yếu tố chân thực nhất để đánh giá đầy đủ về một con người. Một nhà văn để có thể khắc họa được ngôn ngữ nhân vật, đòi hỏi, nhà văn đó không chỉ có sự am hiểu về nhân vật, mà còn phải biết nghe, biết nhìn một cách chính xác về nhân vật. Miêu tả nhân vật thông qua thói quen, ngôn ngữ nhân vật là một đặc thù trong nghệ thuật trần thuật của người kể chuyện ở tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng.

Trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, người đọc có thể thống kê lên tới hàng chục hàng trăm các nhân vật. Song điều đặc biệt, nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng rất ít được thể hiện thông qua nguồn gốc xuất thân hay ngoại hình. Ngay như trong tác phẩm Trúng số độc đắc, một tác phẩm gần như toàn bộ văn bản xoay

123

quanh nhân vật Phúc. Ấy thế nhưng, đọc đến dòng cuối cùng người đọc cũng chỉ bắt gặp một hình ảnh duy nhất miêu tả về Phúc đó là “cậu áo trắng dài”, tên gọi mà những đứa trẻ lang thang đặt cho anh. Thế nhưng, hàng trăm nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, dù là nhân vật chính hay chỉ là nhân vật xuất hiện thoáng qua cũng để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Dường như, nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng bước ra ngoài phạm vi của một nhân vật cá thể, vươn lên thành nhân vật tính cách. Khép lại những trang tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, người đọc vẫn không khỏi inh tai bởi tiếng cãi vã chửi bới của đám đông dân làng Quỳnh Thôn, cái giọng điệu lạnh lùng xảo quyệt của tên bạo chúa dâm ô Nghị Hách trong tác phẩm Giông tố, cái triết lý sặc mùi sách vở của Phúc trong Trúng số độc đắc, cái phẫn uất và cả những rối rắm trong lòng của Phú trong Vỡ đê, cái căm tức và uất hận xen lẫn với sự chán đời của Huyền trong Làm đĩ...

Làm nên sự thành công trong việc khắc họa tính cách diện mạo của nhân vật chính là nhờ khả năng “nghe và nhìn” của Vũ Trọng Phụng. Nếu như nhiều nhà văn cố gắng tìm ra những ngôn ngữ để miêu tả nhân vật thì Vũ Trọng Phụng “quậy, thả dàn”. Nhân vật Vũ Trọng Phụng tự do bộc lộ theo tính cách của mình, mỗi nhân vật có những dạng có những đặc trưng ngôn ngữ rất khác nhau. Trong Vỡ đê, ngôn ngữ của thầu khoán Khoát : “ Ông ...ông chỉ muốn xoay một vố! Nhân vụ đê điều này, có cái số tre ấy ắt ăn được. Mày để tao thầu cho nhé? Nhất là lụt thì ông hả quá! Mày ạ, tao có hai nghìn tấn gạo sắp mốc, thế có chết không? Với lại bốn nghìn bao gai mà phòng Thương mại nó không lấy nữa, chó thế...Mày thử nghĩ hộ tao xem có cách gì làm tiền...”- một thứ ngôn ngữ đặc mùi con buôn. Thứ ngôn ngữ ấy được nhà văn sử dụng từ những năm 30, vậy mà đến nay, nó dường như vẫn còn mới nguyên trong cuộc sống đời thường. Hoặc như “em chã”, hai tiếng nói mở miệng của “cậu Phước”. Cậu dù đồng ý hay không đồng ý thì hai tiếng “ em chã” vẫn cứ èo ọt vang ra khiến người đọc không thể không hình dung ra một cậu bé bự công tử đầy èo uột. Cái câu “biết rồi! khổ lắm! nói mãi!” là câu cửa miệng được nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần từ miệng cụa cụ cố Hồng, vậy mà cứ mỗi khi ông cụ này

124

nhắc lại là người nghe không thể không ôm bụng cười vì tính chất lẩm cẩm của cụ. Người ta tưởng rằng cụ sinh ra là chỉ để nói vậy và vai trò của cụ trong cuộc đời cũng chỉ có thế. Hai thầy cảnh sát MinĐơ và cảnh sát MinToa, “cái hy vọng của Bắc Kỳ”, mỗi thầy cũng chỉ nói một câu mà thành ra cái tên của mỗi nhân vật. Có thể nói, việc sử dụng ngôn ngữ theo thói quen của nhân vật đã tạo nên một thế giới tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng phong phú, sinh động. Người kể chuyện không chỉ nắm bắt được đặc trưng tính cách, tâm lý của mỗi nhân vật, mà còn bắt nhân vật hiện lên chân thực sắc nét bằng đúng cái giọng thực của nó. Nhân vật của Vũ Trọng Phụng không phải là những nhân vật chung chung mơ hồ, mà là những nhân vật mang tính điển hình sắc nét. Việc khắc họa nhân vật bằng cách sử dụng đúng ngôn ngữ của nhân vật, đôi khi được nhà văn cường điệu phóng đại tạo nên những hình tượng nhân vật quái thai, méo mó. Nhưng càng ngẫm nghĩ, người đọc càng có thể thấy rằng, xã hội càng suy đồi bao nhiêu những quái thai lại càng xuất hiện nhiều bấy nhiêu. Có thể gọi tên những nhân vật theo cái tên mà tác giả đặt nhưng cũng có thể gọi tên chúng bằng những tính cách mà mà Vũ Trọng Phụng thâu tóm thông qua ngôn ngữ của nhân vật. Đó là những bọn lưu manh, những lão hãnh tiến, những thằng bát nháo...Ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cùng với nghệ thuật phóng đại đã tạo nên những nhân vật điển hình cho cả một loại người trong xã hội.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 122)