Phân loại điểm nhìn

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 39)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.1.2.Phân loại điểm nhìn

Có rất nhiều cách khác nhau để phân loại điểm nhìn. Căn cứ vào trường nhìn nghệ thuật, trong cuốn Lý luận văn học (giáo sư Phương Lựu chủ biên), điểm nhìn được chia thành 2 loại : trường nhìn tác giả và trường nhìn nhân vật. Trong trường nhìn tác giả, người trần thuật đứng ngoài câu chuyện để quan sát đối tượng. Kiểu

40

trần thuật này mang tính khách quan tối đa cho lời trần thuật. Ở trường nhìn nhân vật, người trần thuật nhìn nhìn sự vật hiện tượng theo quan điểm của nhân vật trong tác phẩm. Trần thuật theo điểm nhìn nhân vật mang đậm sắc thái tâm lý, chất trữ tình hoặc châm biếm do sự chi phối trực tiếp bởi địa vị, hiểu biết lập trường của nhân vật. Căn cứ theo bình diện tâm lý, có thể chia điểm nhìn thành điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài. Trong đó điểm nhìn bên trong : người trần thuật nhìn thấy đối tượng qua lăng kính của một tâm trạng cụ thể, dễ dàng tái hiện diễn biến bên trong nhân vật; còn điểm nhìn bên ngoài : chủ thể trần thuật giữ cái nhìn khách quan từ vị trí bên ngoài có khoảng cách nhất định đối với đối tượng trần thuật[43]

Theo cách phân chia của giáo sư Trần Đình Sử, điểm nhìn trần thuật được chia thành 5 loại: điểm nhìn của người trần thuật, tác giả hay của nhân vật trần thuật ; điểm nhìn không gian, thời gian; điểm nhìn bên trong bên ngoài; điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc; điểm nhìn ngôn từ [67].

Như vậy, dựa vào các tiêu chí khác nhau có thể phân chia điểm nhìn thành nhiều loại khác nhau. Trên cơ sở của mỗi loại phân chia, người đọc sẽ có những hướng tiếp cận riêng về giá trị nội dung cũng như nghệ thuật được nhà văn thể hiện trong tác phẩm.

Căn cứ vào cách phân chia của các nhà nghiên cứu, căn cứ vào đặc trưng điểm nhìn của người kể chuyện, trong luận văn này, chúng tôi thống nhất cách phân chia điểm nhìn thành ba kiểu nhìn như sau: điểm nhìn toàn tri - kiểu điểm nhìn mà ở đó người kể chuyện có vai trò toàn năng với cái nhìn thông suốt tất cả; điểm nhìn bên trong- người kể chuyện là nhân vật. Người kể chuyện hạn chế điểm nhìn tự sự của mình vào điểm nhìn của nhân vật. Người kể chuyện theo điểm nhìn bên trong thường có hai dạng cơ bản: dạng thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi tự thú nhận, bộc bạch về tâm trạng của mình, kể về thái độ cảm giác mà mình nếm trải. Dạng thứ hai, người kể chuyện đứng ở ngôi thứ ba từ bên ngoài nhưng lại tựa vào điểm nhìn của nhân vật để kể. Do vậy khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật bị thu hẹp; điểm nhìn bên ngoài: người kể chuyện theo điểm nhìn bên ngoài hoàn toàn xa lạ với thế giới mà anh ta kể. Anh ta chỉ có thể kể về những hành động, lời nói

41

bên ngoài nhân vật chứ không có khả năng am hiểu nội tâm nhân vật.

Việc phân chia các dạng thức của điểm nhìn như trên là cơ sở để chúng tôi đi vào nghiên cứu điểm nhìn trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên sự phân chia trên đây chỉ mang tính tương đối. Bởi vì hầu như không có tác phẩm nào chỉ sử dụng một điểm nhìn. Ứng dụng khái niệm điểm nhìn và các dạng thức điểm nhìn vào tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng chúng ta có thể thấy sự linh hoạt của nhà văn trong cách kể chuyện.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 39)