5. Cấu trúc luận văn
3.2.3. Khai thác tối đa những cái bất thường
Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng có biệt tài trong việc quan sát và phát hiện những cái bất thường trong đời sống xã hội, từ đó phát hiện ra bản chất của nhân vật. Trong tiểu thuyết Số đỏ: Xuân, một kẻ ma cà bông, một kẻ vô lại nhặt ban quần vợt chẳng biết gì về văn hóa hay chữa bệnh vậy mà cuối cùng lại trở thành kẻ góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách văn hóa, trở thành đốc tờ, thi sĩ, thậm chí trở thành anh hùng cứu quốc. Một đám ma được miêu tả là to tát, gương mẫu, sang trọng với đầy đủ những nghi thức, nhưng lại thiếu đi một thứ duy nhất, cũng là quan trọng nhất, đó là tình thương dành cho người đã mất. Một người gây ra cái chết của một ông cụ già thuộc gia đình danh giá, vậy mà không phải là một cái tội mà lại là một cái ơn to. Một người đàn bà thủ tiết với hai đời chồng, hễ
114
nghe hơi ở đâu có hiếp dâm là lập tức lần tới, được phong “tiết hạnh khả phong”...Trong tác phẩm Giông tố, những tình huống bất thường cũng được người kể chuyện sử phổ biến trong tác phẩm: “Không bao giờ Mịch lại tưởng tượng rằng lại có thể có một người bằng tuổi bố mình, lại giàu có sang trọng nữa, lại làm một việc xấu hổ ngay trong xe tu bin, lúc có người ở đằng trước và đằng sau nữa”; một phiên tòa mà ở đó bị cáo là người phán xét và chủ tọa lại là người bị thua cuộc: “Bẩm quan lớn nếu việc xảy ra to thì tôi sẽ chống án lên thượng thẩm, mà bên nguyên đơn thì không có tiền chạy thầy kiện như tôi. Bẩm quan lớn, nén bạc đâm toạc tờ giấy, ngài nên bảo bên nguyên đơn giải hòa”. Và quả thật chỉ vài hôm sau, nguyên đơn là người đưa đơn kiện thì lại bị tra hỏi và kết tội như một tội nhân, quan huyện Cúc Lâm bị buộc từ chức. Cuộc phán xử của quan huyện mới với những người thôn làng Quỳnh Thôn cũng là một cuộc xử án có một không hai. Cách phán xét theo hình thức vừa đấm vừa xoa, dẫn dắt nguyên đơn từ chỗ trình bày sang kết tội và cuối cùng phải im lặng sợ hãi như một người gây tội. Không chỉ ở những sự việc mà cuộc đời con người cũng đầy những bất thường. Mịch từ chỗ là kẻ bị nạn, coi Nghị Hách là kẻ thù là nguyên nhân gây nên sự bất hạnh của đời nàng, bố mẹ Mịch thì bán hết sản nghiệp để kiện Nghị Hách đòi lại danh dự cho gia đình. Ấy vậy mà, chỉ một thời gian rất ngắn sau, Mịch làm vợ lẽ của Nghị Hách, bố mẹ của Mịch thì vênh vênh tự đắc vì có một ông con rể mà “cả làng kiện không nổi”. Và có lẽ cũng chỉ có trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng mới có một đám cưới không bình thường đến thế. Ngày đón dâu chỉ có một mình cô dâu cúi đầu trước bàn thờ tổ tiên, đêm tân hôn “Nghị Hách đứng nhìn Mịch, như một đứa trẻ con lần đầu đứng trước chuồng hổ. Lão gật cái đầu rồi đến ngồi cạnh Mịch”, rồi sau đó chú rể vừa ve vuốt vừa dọa nạt: “Em cứ chịu khó ngoan ngoãn, đừng hỗn láo với bà cả, đừng có ngoại tình, phải, nhất là đừng có ngoại tình, rồi thì ta cũng quý hóa, thì rồi cũng sướng thân. Lấy tao làm lẽ thứ mười cũng hơn làm chính thất người khác ...Nói thế xong, lão mân mó vợ lẽ, làm đủ những trò của người mới cưới vợ, vào buổi tối tân hôn”...Trong tác phẩm, không chỉ có Mịch, cuộc đời của Nghị Hách của Long cũng đầy những điều bất thường. Nghị Hách một kẻ độc ác luôn sống bằng sự tàn nhẫn
115
và dâm dục thì lại được “gắn huy chương”, được làm nghị trưởng và được tôn vình là “một bậc doanh nghiệp hiển hách ít có mà lòng nhân từ bác ái thì đáng treo gương cho dân bảo hộ noi theo”. Đứa con mà Nghị Hách vẫn tưởng là con ruột của mình hóa ra không phải là con mình; đứa con thực sự của Nghị Hách lại chính là Long –người mà luôn coi Nghị Hách là kẻ thù và đang tìm mọi cách để trả thù. Cuộc đời của Long cũng đầy những bất thường: từ một anh chàng thư sinh ghét cay ghét đắng bọn nhà giàu, tham quan ô lại, sống trên mồ hôi nước mắt của những con người lao động, là người có lòng tự trọng và danh dự; ấy vậy mà kết thúc tác phẩm, Long trở thành kẻ chơi bời chác táng, im lặng làm theo lời Nghị Hách đóng vai một thanh niên thuộc tầng lớp bình dân để thể hiện vai diễn mà Nghị Hách là người chủ biên, chấp nhận kết hôn với Tuyết dù đã biết đó là em gái ruột của mình. “Bố hiếp vợ con, con thông dâm vợ bố...rồi thì anh em ruột...” Những điều bất thường ấy, những quan hệ nề nếp bị đảo lộn ấy đắng lòng đến nỗi mà Long không thể nói hết thành lời. Kết thúc tác phẩm Long tự tử vì “sung sướng quá”.
Trong tác phẩm Vỡ đê, những điều bất thường diễn ra khá phổ biến trong toàn tác phẩm. Đó là sự bất thường trong nạn đê vỡ. Hàng nghìn những con người mà “chỉ cầu cho vỡ đê vỡ xá thôi !có thế may ra nhà nước mới xá thuế”, thì nay, “vì phận sự làm dân, thì mỗi người phải mang một cây tre với hai cánh tay ra cứu vớt một hai sào ruộng hay cái lều gianh của họ, hòng cứu vớt hàng nghìn hàng vạn mẫu đồn điền của những ông chủ phưỡn bụng khác, cứu vớt con đường hỏa xa, con đường nhựa của những chiếc xe hơi hình cánh cám, hay những cái cột dây thép mà những ông quan lớn dùng để đánh điện tín cho thân bằng cố hữu lúc các bà lớn đẻ con, hay các cô khuê các tiểu thư hẹn với nhân tình. Trong khi làm việc ích chung đó thì họ không làm nổi cái việc ích nhất cho họ là cái miếng cơm nuốt vào bụng”. Trong khi đó ở nhà quan, những người được cho là phụ mẫu của dân, những người chịu trách nhiệm trước nạn đói khổ của dân, những người mà nếu đê vỡ thì có thể ngập hàng nghìn hạng vạn mẫu ruộng, thì tại tư thất của ông huyện “chưa bao giờ tấp nập rộn ràng đến thế. Những công văn, những lệnh quan , bay đi tứ phía như mưa. Thoắt một cái, từ đê ông đã về tư thất. Lính cơ lính lệ, nha lại, gia nhân, chạy đi tìm ông
116
tới tấp, loạn xạ...”. Trớ trêu thay, sự tới tấp vội vã ở tư thất ở nhà quan huyện không phải là sự vội vàng, lo lắng vì nạn đê vỡ mà là những lo lắng, những mưu toan, những thủ đoạn kiếm chác thật nhiều trong những ngày dân bị nạn này. Bởi lẽ “vô số người sẽ giàu về dịp này! Mình không ăn thì mình dại!..mình không kiếm chác thì chẳng yên được với họ...”. Trong cảnh sống đê vỡ, những điều bất thường cũng có thể trở thành bình thường trong cuộc sống: Phú “lấy làm lạ sao trước một cái tin thương tâm như thế, cụ Cử vẫn cứ ăn uống ngon lành như thường,...cả cô Tuất, người báo tin ấy, cũng vẫn giữ nét mặt thản nhiên, và xem ý ăn cơm vẫn ngon”...
Trong những tiểu thuyết tâm lý, yếu tố bất thường ít sử dụng hơn nhưng không phải là không có. Trong tác phẩm Làm đĩ, một cô gái ngoan hiền, xinh đẹp, thông minh như Huyền thì trở thành “một đời bỏ đi”. Trong khi một quy luật khác rất nghịch lý, nhưng lại rất phổ biến trong xã hội lúc bấy giờ lại là “muốn có rể quý thời này, thì trước hết cần phải có con gái hư”....
Yếu tố bất thường được sử dụng như một phương thức trần thuật độc đáo của người kể chuyện được thể hiện trong tác phẩm. Thông qua hàng loạt những yếu tố bất thường, người kể đã tạo nên một thế giới hiện thực đầy biến động, mà ở đó mọi cái bất thường đều có thể trở thành bình thường trong xã hội. Khai thác và thể hiện câu chuyện thông qua những yếu tố bất thường là một trong những đặc điểm quan trọng tạo nên tính trào phúng độc đáo trong tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng.