Thái độ khách quan với con người

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 59)

5. Cấu trúc luận văn

2.3.1.2.Thái độ khách quan với con người

Trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, người kể chuyện hướng tới nhiều loại nhân vật khác nhau. Song có thể tạm phân chia thành một số kiểu loại nhân vật cụ thể như sau:

Nhân vật dục vọng, ác độc : Xã hội Việt Nam những năm 30 của thế kỉ XX dưới sự tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần hai của thực dân Pháp đã có sự thay đổi lớn về kinh tế, văn hóa cũng như xã hội. Cùng với hàng loạt những thay đổi đó, sự suy đồi về đạo đức trong lối sống của người Việt Nam cũng ngày càng trở nên

60

phổ biến. Lối sống giản dị trọng tinh thần của các nhà nho ta xưa đang ngày càng bị phai mờ. Thay vào đó là lối sống thực dụng, đề cao hưởng thụ vật chất. Vũ Trọng Phụng rất nhạy cảm trong việc phát hiện ra bản chất của giai cấp tư sản với lối sống đầy thủ đoạn, mánh khóe, làm ăn phi pháp cùng với những tội ác của chúng.

Tiêu biểu nhất cho loại nhân vật này phải kể đến nhân vật Nghị Hách trong tiểu thuyết Giông tố. Nghị Hách được miêu tả là một nhà tư bản giàu có tầm cỡ với một tài sản kếch xù: “năm trăm mẫu đồn điền trên tỉnh”, “một mỏ than ở Quảng Yên”, “ba chục nóc nhà tây ở Hà Nội”... Ở Nghị Hách, từ cung cách sinh hoạt, hành động, đến lời ăn tiếng nói đều toát ra bản chất của một ông chủ tư sản “phú gia địch quốc”. Chỗ ở của Nghị Hách là một tòa lâu đài có mười một cô nàng hầu, người thì do quan mua được bằng giá tiền rẻ, người thì do quan đổ thừa tội mà lĩnh không về..., luôn sẵn sàng túc trực để “chủ nhân ông sai bảo việc vặt, hoặc ngứa mồm thì hôn một cái, ngứa tay thì sờ soạng một cái, cấu véo một cái”. Để thỏa mãn dâm tính của mình, Nghị Hách sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn, cùng với một cuộc điện thoại là hắn có thể sở hữu một cô đào đẹp nhất, trẻ nhất Hà Nội. Những thực đơn sang trọng, những buổi chiếu phim khiêu dâm, những hộp thuốc phiện trắng, những chai nước viten đổ vào bể tắm..., tất cả những thứ đó đủ để nói lên sự giàu có và uy quyền của Nghị Hách: “ Buổi tối hôm ấy, gian phòng rộng rãi thênh thang, ở tòa nhà chính trong Tiểu Vạn trường thành, đã biến ra như một nơi thị sảnh ở bên Âu châu để đón tiếp các sứ thần vậy. Tiệc bày trên những bàn phủ vải thêu, xếp thành hình một cái móng lừa. Những chậu hoa khổng lồ ở các góc phòng, những lọ hoa đồ sộ trên bàn tiệc, bốn cây đèn nến mỗi cây có 100 ngọn bạch lạp, làm cho quan khách phải tưởng mình đến dự một bữa tiệc của một bậc vương giả, vào thời trung cổ bên tây phương. Đồ dùng thì toàn bằng bạc, vàng, ngà, pha lê, bồi hầu bàn thì mượn của khách sạn lớn ở Hà Nội...Cái thực đơn in vào giấy Nhật Bản nổi hình rồng ấy, các quan khách xem qua cũng đủ thấy ngon”. Vấn đề đặt ra ở đây là sự giàu có của Nghị Hách gắn với quá trình tích lũy tư bản đầy tội ác: bỏ rượu vào ruộng lương dân rồi báo cho nhà đoan và nhờ thủ đoạn ấy hắn đã tậu được một lúc ba trăm mẫu ruộng với giá rẻ, hoặc lừa đảo người khác được bạc trăm. Nghị Hách liên kết với tư

61

bản Pháp để giành lấy cái độc quyền nước mắm ở Bắc Kỳ và Trung kỳ. Chưa kể những tội ác của Nghị Hách đối với phu mỏ. Để có thể đảm bảo lợi tức cho nhà tư bản khi than hạ giá, Nghị Hách sẵn sàng ra lệnh cho người thừa hành ở mỏ than hạ giá công nhân xuống mỗi ngày hai hào...Có thể nói, đặt trong lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX thì Nghị Hách chính là một điển hình cho giai cấp tư sản mại bản. Không chỉ được đảm bảo bởi sự giàu có của đồng tiền, địa vị của hắn còn được đảm bảo chắc chắn bằng quyền lực chính trị. Dùng đồng tiền để mua địa vị chính trị, Nghị Hách sẵn sàng bỏ ra nghìn rưởi bạc cùng với số gạo phát chẩn để mua bằng được chức nghị viên Bắc Kỳ. Có tiền và có quyền cùng với sự liên kết với giới cầm quyền như quan công sứ Pháp, quan tổng đốc đầu tỉnh...Nghị Hách đã củng cố chắc chắn địa vị của mình tạo nên một sức mạnh ghê gớm trong việc xoay chuyển cán cân công lý. Vụ kiện không thành của Mịch chính là một bằng chứng sinh động thể hiện quyền lực cũng như sự liên kết ma quỷ của Nghị Hách với các giai cấp thống trị trong xã hội.

Không chỉ là sự điển hình cho quá trình tích lũy làm giàu của giai cấp tư sản mại bản, Nghị Hách còn là hình ảnh tiêu biểu cho những kẻ gian hùng trở mặt như trở bàn tay. Trước việc Nghị Hách bị chính đứa con tố cáo về tội ác của mình, chẳng những không lúng túng, Nghị Hách còn tỏ rõ sự tráo trở rất nhanh. Ở chương III, khi bị Tú Anh than phiền về “cái việc bậy bạ” của mình đã bị báo chí rêu rao khắp ba kỳ, Nghị Hách chỉ cúi đầu hổ thẹn chốc lát, xong liền ngẩng mặt lên “trân trân” mà phản ứng: “ Ô hay, sao mày dở hơi thế? Thì tao mua con bé ấy về làm hầu là cùng chứ gì”. Hoặc như ở chương XXVII, khi Nghị Hách bị Hải Vân vạch mặt cái tội lừa bạn, đẩy bạn vào tù rồi thông dâm với vợ bạn, khiến người đàn bà bị chết khi đẻ, thế mà Nghị Hách vẫn trâng tráo mà trả lời: “ Xin bác hiểu cho cái hèn yếu của lòng người”.

Miêu tả Nghị Hách, người kể chuyện đã đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ. Nếu như trên bình diện xã hội, Nghị Hách được miêu tả như một người độc ác, một kẻ gian hùng; thì trên bình diện gia đình, Nghị Hách là một kẻ trâng tráo, vô liêm sỉ. Không phải ở Nghị Hách không có những cái cúi đầu xấu hổ trước nhân cách trong

62

sáng của Tú Anh, cũng không phải Nghị Hách không có những phút giây hổ thẹn trước một người mà Nghị Hách có lúc phải kính nể như Hải Vân, Nghị Hách cũng là một người đàn ông biết ghen khi thấy vợ mình lõa lồ bên thằng cung văn, mặc dù lão đã ngủ với rất nhiều đàn bà con gái. Nhưng có lẽ hành động trâng tráo tuyên bố gả con gái Tuyết cho Long – người mà Nghị Hách đã biết chính là con đẻ của mình, để chứng tỏ cho một luận điệu mị dân mà hắn đang thực hiện để ra tranh cử thì có lẽ trong văn học duy nhất chỉ có một mình Nghị Hách: “ Đẻ ra là bình dân, tôi xin giữ lòng trung thành với bình dân cho đến chết”.

Sự kết hợp tính cách với hoàn cảnh một cách chặt chẽ, chân thực đến từng chi tiết, sự phát triển tính cách của nhân vật một cách nhất quán phù hợp với bản chất của nhân vật, Nghị Hách đã trở thành nhân vật tiêu biểu nhất cho kiểu người đam mê dục vọng, độc ác và dâm loạn.

Bên cạnh nhân vật Nghị Hách, Victor Ban (Số đỏ), thầu khoán Khoát (Vỡ đê) cũng là những nhân vật tiêu biểu mang tính cách của loại nhân vật này. Victor Ban một mặt mở khách sạn để dụ dỗ nam nữ thanh niên vào những cuộc ăn chơi trác táng, mặt khác lại kinh doanh thuốc chữa bệnh giang mai, bệnh lậu – hậu quả của những cuộc ăn chơi trác táng đó. Victor Ban chính là hiện thân cho loại tư sản ở Hà Nội kinh doanh theo kiểu thiếu văn hóa, đặt lợi nhuận lên hàng đầu, bất chấp đạo lý. Nhân vật thầu khoán Khoát trong tiểu thuyết Vỡ đê tuy hình thức kinh doanh khác hẳn nhưng bản chất của loại người kinh doanh không văn hóa cũng khá đậm nét. Trong lúc những người nông dân đang hoang mang trước nạn đê vỡ, Khoát đã móc ngoặt với quan huyện để đổi gạo thường bằng một thứ gạo mốc rẻ tiền cấp cho những người nông dân đang làm nhiệm vụ hộ đê do nhà nước điều động.

Có thể nói từ Nghị Hách đến Victor Ban và thầu khoán Khoát, người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng đã khái quát thành công một loại người gian ác với dục vọng làm giàu bằng mọi cách. Loại nhân vật mới bắt đầu nổi lên trong cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, tuy chưa phải là nhiều nhưng sự ảnh hưởng của nó lại rất lớn và cũng là loại nhân vật báo hiệu cho hiểm họa xã hội về sau. Là người đầu tiên đưa kiểu nhân vật dục vọng, ác độc vào trong sáng tác văn học,

63

thông qua cách kể của người kể chuyện, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện rõ thái độ phê phán, tố cáo mạnh mẽ loại nhân vật này. Đồng thời, tác giả cũng muốn cảnh báo về một loại người bất chính đang nổi lên trong xã hội.

Nhân vật lưu manh, dối trá, bịp bợm: Trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng bên cạnh kiểu nhân vật độc ác, dục vọng, thì loại nhân vật lưu manh dối trá bịp bợm cũng là loại nhân vật được thể hiện khá thành công. Tiêu biểu cho loại nhân vật này, trước hết phải kể đến là nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong tiểu thuyết Số đỏ. Xuất thân từ tầng lớp hạ lưu, trải qua nhiều phương kế kiếm sống trèo me, trèo sấu, bán phá xa, nhặt ban quần...,Xuân đã sớm trở thành một kẻ vô giáo dục, tinh quái thạo đời. Nhờ bản tính dâm đãng của Phó Đoan, Xuân đã từng bước nhảy vào môi trường của xã hội thượng lưu. Cũng từ đây, nhờ bản tính láu cá, thạo đời, Xuân đã nhanh chóng thăng tiến trên con đường danh vọng. Nhờ sự thông minh tính bẩm và tài học vẹt, Xuân đã nhanh chóng góp phần đắc lực đưa tiệm may Âu hóa của Văn Minh ngày càng thịnh vượng. Xuân đã góp phần vào công cuộc cải cách xã hội. Nhờ chút kiến thức về quần vợt có được khi còn là cậu bé nhặt bóng cho sân quần vợt, Xuân được bà Phó Đoan và Văn Minh mời làm hướng dẫn viên tập quần vợt, Xuân được phong làm giáo sư quần vợt. Vì biết một chút về thuốc men học được khi còn là một tay bán thuốc lậu, Xuân đã được mời về chữa trị cho cụ cố tổ và trở thành đốc tờ Xuân. Một chút láu cá trong việc hạ gục hai vận động viên, cùng với lệnh thua để tránh một cuộc chiến tranh lân bang, Xuân được hô thành “vĩ nhân cứu quốc” và được chính phủ thực dân tặng Bắc đẩu bội tinh – huân chương cao quý của nước Pháp....Có thể nói, con đường thăng tiến của Xuân một phần cũng vì cái số đỏ mà Xuân gặp được, nhưng phần lớn chính là ở cái xã hội thượng lưu giả dối đã nâng đỡ Xuân. Việc Xuân từ tầng lớp hạ lưu bước sang tầng lớp quý tộc thực chất cũng chỉ là đi từ môi trường lưu manh này sang môi trường lưu manh khác mà thôi. Lúc đầu khi mới bước vào xã hội thượng lưu, sự giàu có của giai cấp này khiến Xuân không khỏi lúng túng. Khá nhiều lần Xuân đã để tuột mất cơ hội của mình. Nhưng với bản chất thông minh, Xuân đã sớm nhận ra bản chất thực của những con người được đánh phấn bôi môi này. Chính vì vậy, từ một kẻ mà bà Phó Đoan đã từng nói là

64

“kém thông minh”, Xuân đã từng bước làm chủ cái địa vị của mình. Nếu như thời kì đầu, Xuân còn có lúc phải sợ hãi mà tự nhận mình là kẻ vô học xuất thân hạ lưu, thì cuối tác phẩm, Xuân đã trở thành kẻ vỗ ngực mà nổi giận: “tôi mà đã nổi giận thì có người chết! Tôi xấu thì cũng chả ai đẹp” khiến cho “mọi người phải im lặng”, “ai cũng sợ hãi không dám nói gì”. Xuân nghiễm nhiên trở thành “anh hùng cứu” quốc và trở thành “vĩ nhân” trong con mắt của mọi người. Có thể nói để cho Xuân nhanh chóng bước vào xã hội thượng lưu và bước lên đỉnh cao của danh vọng, người kể chuyện đã khéo léo vạch trần bản chất của xã hội. Một xã hội đầy rẫy những kẻ dối trá bịp bợm thì tất yếu sẽ sản sinh ra những con người bịp bợm như Xuân Tóc Đỏ. Xuân chính là sản phẩm của xã hội Âu hóa và chính nó sẽ là kẻ giữ sứ mệnh quan trọng trong việc dẫn dắt xã hội theo con đường Âu hóa văn minh. Vũ Trọng Phụng đã rất nhạy bén trong việc quan sát và nắm bắt chiều hướng xã hội. Trong tiểu thuyết Số đỏ, bên cạnh nhân vật Xuân thì TYPN, Văn Minh, Tú Tân, Phó Đoan cũng là những nhân vật tiêu biểu cho loại nhân vật này. Mỗi nhân vật một tính cách, mỗi nhân vật một kiểu biểu hiện riêng. Song rõ ràng thông qua những hành động, cử chỉ, thủ đoạn của từng nhân vật, người kể chuyện đã vạch trần bản chất hư hỏng, dâm loạn, sự đểu giả bên trong được che đậy bởi cái hình thức giả dối bên ngoài của mỗi nhân vật.

Viết về kiểu người lưu manh dối trá, Vũ Trọng Phụng đã cảnh báo những hậu quả hết sức nặng nề của phong trào Âu hóa: phong trào Âu hóa không chỉ tạo nên những con người lưu manh giả dối mà nó còn đang cuốn phăng tất cả mọi đạo lý tốt đẹp truyền thống của con người Việt Nam. Bản chất hiếu nghĩa, sự thủy chung, trong sáng của con người đang ngày càng biến dạng.

Nhân vật tha hóa, bi kịch (nhân vật nạn nhân): nhân vật tha hóa bi kịch được miêu tả như hệ quả tất yếu của một xã hội giả dối, đầy dục vọng, và ác độc. Nhân vật tha hóa là kết quả tất yếu của một xã hội tha hóa. Trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, bên cạnh nhân vật dục vọng ác độc, người kể chuyện cũng hết sức chú ý trong việc miêu tả nhân vật tha hóa. Tiêu biểu cho loại nhân vật này phải kể đến Long, Mịch, ông Đồ Uẩn trong tác phẩm Giông tố, Huyền trong Làm đĩ, Phúc

65

trong Trúng số độc đắc. Miêu tả loại nhân vật này, người kể chuyện chú ý tới hai bình diện : bình diện xã hội và bình diện tâm lý, bản năng. Theo cách kể của người kể chuyện thì sự tha hóa của con người là sự tác động tổng hòa của cả hai bình diện trên, trong đó bình diện xã hội có vai trò chủ đạo.

Biểu hiện sinh động nhất cho những bi kịch của con người dẫn đến sự tha hóa trước hết phải kể đến nhân vật Long trong tác phẩm Giông tố. Long được xây dựng trong tác phẩm là một nhân vật có học thức, có lòng tự trọng và có một trí tuệ hơn người. Lớn lên trong trại trẻ mồ côi, long đong kiếm bát cơm miếng gạo, cuộc đời đã dạy cho Long bản lĩnh và tính cách của một con người chín chắn. Long đến với Mịch bằng tình yêu chân thành, với chút an ủi được yêu một người con gái quê hiền lành chăm chỉ, với một chút “mộng đẹp trong đầu” về hạnh phúc gia đình. Ấy rồi tai họa ập xuống. Người yêu của Long bị “người ta đè cổ xuống mà lấy đi sự yêu quý nhất của người đàn bà trinh tiết”. Đau đớn trong tình yêu, giày vò trong cảm xúc, Long lao vào trả thù. Nhưng ngay từ khi mới bắt đầu, Long đã rơi vào một mớ những rối rắm: lòng hận thù đối với kẻ đã làm hại cuộc đời của người mình yêu, sự tổn thương của một kẻ bị lòng tự trọng xúc phạm, sự hối hận của một người cảm ơn ân nhân bằng sự trả thù, sự tham vọng của một lời hứa được làm em rể của Tú Anh, cái dục vọng của một người đàn ông được tự do gần gũi bên cạnh hai cô gái đẹp. Người kể chuyện đã tỏ ra hết sức am hiểu tâm lý nhân vật khi để cho Long sống trong trạng thái chông chênh giữa một bên là tham vọng với một bên là lý trí. Sự tổn thương của tinh thần cùng với những lời thuyết phục của Tú Anh đã đưa Long đến một quyết định cuối cùng là từ bỏ Mịch, chấp nhận theo sự sắp đặt của Tú Anh.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 59)