Sự di chuyển ngôi kể

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 36)

5. Cấu trúc luận văn

2.1.2.3. Sự di chuyển ngôi kể

Di chuyển ngôi kể là đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện và là đóng góp lớn của Vũ Trọng Phụng cho sự phát triển của nền văn học nước nhà. Như trên chúng tôi đã trình bày, trong giai đoạn đầu của thế kỉ XX, người kể chuyện lựa chọn ngôi kể thứ ba là phương thức chủ yếu trong nghệ thuật kể chuyện. Ngôi kể thứ nhất còn rất ít được các nhà văn sử dụng, và nếu sử dụng thì cũng vẫn còn rất hạn chế. Nhưng đến với tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, người đọc có thể thấy một sự

37

sáng tạo đến kì tài trong cách sử dụng ngôi kể của nhà văn. Không chỉ là người tỏ ra rất thành công trong việc lựa chọn ngôi kể, phát huy hết khả năng đặc điểm của ngôi kể vào việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm, Vũ Trọng Phụng còn khéo léo chuyển đổi linh hoạt ngôi kể trong cách kể chuyện.

Sự chuyển đổi linh hoạt trong ngôi kể thứ ba trước hết thể hiện thông qua việc linh hoạt vận dụng đan xen giữa ngôi kể thứ ba với ngôi kể thứ nhất. Trong tiểu thuyết Giông tố, tiểu thuyết Lấy nhau vì tình, hoặc tiểu thuyết Dứt tình, sự linh hoạt ngôi kể được thể hiện qua sự đan xen giữa ngôi kể thứ ba với ngôi kể thứ nhất. Thông thường sự đan xen của ngôi kể thứ nhất ở những tác phẩm này thường xuất hiện dưới hình thức của những bức thư hay những dòng nhật ký. Trong tiểu thuyết

Giông tố, câu chuyện được kể chủ yếu bởi ngôi kể thứ ba. Nhưng trong tác phẩm,

bức thư của nhân vật Long gửi cho Tú Anh chiếm gần như trọn vẹn chương VIII của tác phẩm lại được thể hiện dưới hình thức ngôi kể thứ nhất. Sự im lặng của người kể chuyện ngôi thứ ba nhường chỗ cho sự lên tiếng của người kể ngôi thứ nhất là nghệ thuật kể chuyện tạo nên tiếng nói hô ứng giữa người kể chuyện và nhân vật. Sự xuất hiện ngôi kể thứ nhất trong tác phẩm tạo nên hình thức kể phong phú, đồng thời tạo nên tính chân thực cho câu chuyện.

Ở những tác phẩm khác như Dứt tình hay Lấy nhau vì tình, tác giả cũng luôn có ý thức sử dụng đan xen các ngôi kể. Tuy nhiên sự đan xen này không nhiều và không được sử dụng đặc sắc như ở tiểu thuyết Giông tố.

Trong tiểu thuyết Trúng số độc đắc, sự luân phiên ngôi kể có nhiều điểm khác biệt so với các tiểu thuyết khác. Trong tiểu thuyết này, ngôi kể thứ ba và ngôi kể thứ nhất đôi chỗ đan xen khó có thể tách biệt. Đoạn văn “Những tư tưởng bên cạnh mỹ nhân” (Chương 3; tr.74 : “Nhưng Phúc dễ thường không được liệt vào hạng ấy. Cái gì nhỉ? Một thiếu nữ, chỉ vì vào mua sơn nhằm lúc ta ngồi trông hàng thay người khác, mà rồi bây giờ đã thành ra vợ ta! Chỉ vì tiếp thay gia đình một thiếu nữ vào mua hàng, chỉ có nhìn qua loa đủ biết rằng ấy là một cô gái không đẹp cũng chẳng xấu, mà ngẫu nhiên bây giờ ta đã là người bạn ăn đời ở kiếp với cô gái ấy! Ôi một việc cỏn con tưởng chừng như vô nghĩa lý vậy mà có thể ảnh hưởng rất to tát, đến

38

mức có thể thay đổi cả cuộc đời con người ta !Một chuyến đò, một người tình cờ ta gặp trên đường đời, một sự nhỡ giờ tàu, những điều vụn vặt ấy chính ra là lại hệ trọng vô cùng, và dám chắc đó là những cái huyền bí mà tạo hóa muốn an bài cho thế nhân....”. Trong đoạn văn này câu văn thứ nhất có thể hiểu là lời của người kể chuyện ngôi thứ ba, câu văn thứ hai, thứ ba, thứ tư có thể hiểu là câu văn của người kể ngôi thứ nhất. Nhưng câu thứ năm thì hoàn toàn trung tính, vừa như lời của nhân vật vừa như lời của người kể chuyện ngôi ba... Trong tiểu thuyết Trúng số độc đắc

có rất nhiều đoạn văn được thể hiện dưới dạng như vậy. Sự đan xen giữa các ngôi kể thậm chí sự xóa nhòa ranh giới của ngôi kể khiến cho người đọc đôi lúc cảm giác nó hoàn toàn là lời tự bạch, là cuộc hội kiến giữa người đọc với nhân vật. Tác phẩm

Trúng số độc đắc thể hiện một cái nhìn khá bi quan, mang đậm tính chủ quan của

tác giả. Nhưng với việc luân phiên ngôi kể, đặc biệt việc xóa nhòa ranh giới của ngôi kể làm cho tác phẩm chủ quan mà vẫn khách quan. Sự đan xen giữa các ngôi kể trong tác phẩm đã giúp cho tác phẩm dù mang đậm tính chủ quan thể hiện tư tưởng bi quan của nhà văn, song người đọc vẫn có thể chấp nhận bởi nó được đặt trong dòng nội tâm suy nghĩ của nhân vật.

Trong tiểu thuyết Làm đĩ, sự luân phiên ngôi kể lại được thể hiện dưới một hình thức khác. Sự chuyển đổi từ ngôi kể tôi (trong văn bản 1) sang người kể chuyện “em” (trong văn bản 2) vừa tạo nên sự liên kết giữa hai truyện đồng thời tạo nên tính tự nhiên trong cách kể chuyện. Người kể chuyện “tôi” trở thành người dẫn dắt để nhân vật “em” (trong văn bản 2) đi vào bộc bạch tâm sự.

Vũ Trọng Phụng là nhà văn đi đầu trong thể loại tiểu thuyết hiện đại. Nhưng ngay ở những tác phẩm có tính tiên phong này, nhà văn đã tỏ ra là một cây bút tài năng trong cách kể chuyện. Ngôi kể và những đặc trưng của ngôi kể được nhà văn phát huy mạnh mẽ để tạo ra những hướng mở khác nhau trong nghệ thuật kể chuyện. Sự kết hợp linh hoạt lồng ghép các ngôi kể khác nhau trong cùng một tác phẩm góp phần tạo nên những tình tiết truyện phù hợp cách diễn tả, trình bày diễn tiến câu chuyện; đồng thời nó còn tạo nên sự phong phú, linh hoạt trong cách kể chuyện, nhờ vậy câu chuyện không bị rơi vào trạng thái nhàm chán, mà tư tưởng của chuyện

39 cũng vì thế được phát huy.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)