5. Cấu trúc luận văn
3.3. Ngôn ngữ
Trong sáng tác văn học, ngôn ngữ được coi là công cụ để người nghệ sĩ sử dụng, miêu tả thể hiện cuộc sống. Qua ngôn ngữ, nhà văn thể hiện quan điểm, thái độ của mình. Trong các sáng tác văn bản tự sự, ngôn ngữ tồn tại dưới hai dạng của chủ thể: ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật. Trong đó, ngôn ngữ của người kể chuyện do người kể chuyện tạo ra. Ngôn ngữ nhân vật là sản phẩm của nhân vật nhưng được lựa chọn và thể hiện thông qua người kể chuyện, có vai trò cụ thể hóa ngôn ngữ của người kể chuyện. Sử dụng ngôn ngữ nhân vật thay cho ngôn ngữ người kể chuyện góp phần cụ thể hóa, sinh động hóa câu chuyện. Vì vậy, tìm hiểu ngôn ngữ người kể chuyện cũng là tìm hiểu ngôn ngữ được sử dụng trong toàn bộ văn bản.
118
Ngôn ngữ đối thoại là ngôn ngữ quan trọng tạo nên tính kịch trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.Trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, ngôn ngữ đối thoại được sử dụng ở những dạng thức khác nhau: có khi đó là ngôn ngữ đối thoại trực tiếp; có khi là ngôn ngữ đối thoại gián tiếp, khi nó được kể lại hoặc hồi tưởng lại; cũng có khi đó là ngôn ngữ đối thoại dưới hình thức của độc thoại.
Trong những tình huống đối thoại lệch pha, cuộc nói chuyện giữa Dung, quan huyện và bà vợ quan huyện, ba con người cùng hướng một đề tài nhưng lại có những suy nghĩ khác nhau thậm chí trái chiều nhau, không chỉ thể hiện được bản chất của nhân vật mà còn tạo nên tiếng cười trào phúng đầy mỉa mai, chua chát. Trong khi nước đê đang lên cao, hàng ngàn mẫu ruộng có nguy cơ mất trắng; quan huyện không tránh khỏi sự lo lắng: “ Lo lắm, mợ ạ. Mỗi lần nước lên một ít thì lại một lần nghiệm thấy rằng, đê đắp phần nhiều bằng cát chứ không phải bằng đất. Cái bọn thầu đê láo thật ! Chuyến này mà vỡ thì rồi nhiều người khổ”. Bà huyện cũng tỏ ra lo lắng mà đồng tình với chồng: “ kinh tế thế này mà lại còn vỡ đường nữa thì dân quê ắt rồi trộm cướp tứ tung”. Nhưng thật hài hước và cũng thật bất ngờ điều mà quan huyện lo lại là :“ Khi tôi nói nhiều người khổ không phải là tôi nói dân quê mà là tôi nói hạng quan lại như tôi! Nếu mình có gan thì không kể, nhưng mình lại không có gan, ấy khổ là vì thế! Chứ không thì giàu! Vô số người sẽ giàu về dịp này! Mình không ăn thì mình dại!”. ..Có thể nói với tình huống đối thoại lệch pha này, người kể chuyện không chỉ tạo nên tiếng cười trào phúng, mà qua đó còn bộc lộ được rõ nét bản chất, chân tướng của các bậc vẫn tự xưng là phụ mẫu của dân. Hoặc trong tiểu thuyết Số đỏ, cuộc đối thoại lệch pha giữa Xuân với đốc tờ Trực ngôn cũng không kém phần thú vị. Trong khi Xuân chẳng hiểu gì về thuyết Freud hay bản tính của của sự dâm, thì vô tình việc hắn nhìn thấy và nói chuyện cầm thú yêu nhau lại khiến cho đốc tờ Trực ngôn tưởng Xuân là diễn giả tài ba của Freud mà bắt tay Xuân như một đồng nghiệp....Ngôn ngữ đối thoại lệch pha trong hoàn cảnh này chẳng những tạo nên tiếng cười sảng khoái mà nó còn tạo nên ngòi bút châm biếm sắc sảo khi đi vào thể hiện chân dung, bản chất của nhân vật. Những thói rởm đời, những học thức ngu ngơ của một xã hội lúc nào cũng tự xưng là trí thức là văn minh
119
thông qua những tình huống hiểu nhầm, những cuộc nói chuyện lệch pha đã được hiện lên một cách rõ nét.
Trong các tình huống đối thoại ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng thì ngôn ngữ đối thoại tranh luận mang tính cãi lộn là loại ngôn ngữ được người kể chuyện sử dụng thường xuyên trong tác phẩm: trong tác phẩm Giông tố, những cuộc tranh luận giữa các chức sắc trong làng Quỳnh Thôn, cuộc cãi lộn giữa Mịch và Long, cuộc cãi lộn giữa Nghị Hách và bà Nghị... ; trong tác phẩm Trúng số độc đắc, đó là cuộc cãi vã giữa bố và mẹ Phúc, giữa Phúc và vợ Phúc, giữa anh trai Phúc và bố ...;trong Số đỏ
là cuộc tranh cãi không khoan nhượng giữa các cụ lang ta và lang tây, giữa cụ ông và cụ bà...; trong tác phẩm Dứt tình, cuộc xung đột giữa Tiết Hằng và Việt Anh, giữa Việt Anh, Tiết Hằng và Huỳnh Đức; trong tác phẩm Lấy nhau vì tình, hàng loạt các cuộc cãi vã giữa Liêm và Quỳnh....Ngôn ngữ đối thoại trong những tình huống này được đẩy lên tới đỉnh điểm căng thẳng, các nhân vật dường như chưa vượt qua biên giới của việc tự chủ, quên mất bản thân, quên mất vị trí mà đối thoại, thậm chí cãi lộn nhau để bảo vệ quan điểm của mình. Trong những tình huống đối thoại này, người kể chuyện đã để cho nhân vật được sống thực với con người mình. Đồng thời với hàng loạt những ngôn ngữ bị đẩy lên căng thẳng, người kể chuyện đã tạo nên một không khí rất riêng trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Đó là không gian của hiện thực với đầy những mâu thuẫn, đầy những bất hòa. Nhân vật trong thế giới của Vũ Trọng Phụng dường như lúc nào cũng phải gồng mình lên và bất cứ lúc nào cũng có thể nhẩy bổ vào nhau, xung đột lẫn nhau.
Trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, ngoài ngôn ngữ đối thoại được thể hiện thông qua những cuộc đối thoại giữa các nhân vật, thì đôi khi ngôn ngữ đối thoại còn được tồn tại dưới hình thức của ngôn ngữ trần thuật của chính người kể chuyện. Người kể chuyện như hóa thân vào nhân vật để đối thoại với chính nhân vật, tranh luận với nhân vật, từ đó dẫn dắt lý giải hành động của nhân vật trong từng tình huống cụ thể. Trong tiểu thuyết Giông tố miêu tả tâm trạng của Long khi được tiếp xúc tự do với hai người con gái của Nghị Hách: “ Lòng căm hờn xưa nay vẫn mạnh hơn ái tình. Dục tình càng mạnh hơn ái tình... Khốn nạn, sự trưởng giả vẫn có nhiều
120
thứ hào quang đủ làm người ta lóa mắt lắm...”; hoặc trong tác phẩm Trúng số độc đắc, cuộc đối thoại giữa nhân vật Phúc -Tấn, đồng thời cũng là cuộc đối thoại mang tính thuyết giảng giữa người kể chuyện với bên kia người nghe là Tấn... không chỉ tạo nên một sắc thái kể chuyện mang tính tranh luận, triết lý, mà qua đó người kể chuyện còn góp phần thể hiện, bộc lộ quan điểm thái độ của mình.
Có thể nói rằng ngôn ngữ đối thoại là loại ngôn ngữ được người kể chuyện nhạy bén nắm bắt và sử dụng khá linh hoạt trong những tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Với việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại trong những tình huống khác nhau, người kể chuyện không chỉ thể hiện được bản chất của nhân vật, bản chất của xã hội, mà còn tạo nên không khí truyện căng thẳng, kịch tính, có khả năng lôi cuốn, kích thích người đọc. Với ngôn ngữ đối thoại, người kể chuyện đã tạo nên nên một không gian hiện thực rất riêng, với đầy những bất trắc dữ dội mà bất cứ lúc nào cũng có thể xô ngã cuộc đời của mỗi con người.
Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại cũng là ngôn ngữ được sử dụng khá hiệu quả trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Khác với ngôn ngữ đối thoại thường được người kể chuyện sử dụng dưới hình thức trích dẫn trực tiếp, ngôn ngữ độc thoại chủ yếu tồn tại thông qua ngôn ngữ gián tiếp của người kể chuyện. Chương V của tiểu thuyết Giông tố, ngôn ngữ độc thoại được sử dụng gián tiếp có hiệu quả đặc biệt trong việc khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật Mịch: “Mười tám tuổi ấy, cô vẫn ngây thơ khờ dại như gái mười lăm. Cô không biết đời là gì cả. Cô thấy đời là sự nghèo khổ và sự nhẫn nhục của cha mẹ, là sự siêng năng làm ăn của cô mà thôi. Nhưng dẫu nghèo khổ cha cô cũng là một ông đồ. Mà trong một làng, mà cả người làng chưa ai trông thấy một lọ nước hoa, chưa ai nghe thấy một cái máy hát thì ông đồ cũng là một cái danh giá...”. Gần bốn trang sách, người kể chuyện miêu tả tâm trạng của nhân vật thông qua những dòng nội tâm mang tính độc thoại của nhân vật đã thể hiện rõ những đau khổ về nội tâm cũng như những diễn biến tâm lý phức tạp trong tâm hồn nhân vật. Ở một đoạn văn khác, người kể chuyện lại để cho nhân vật tự nói lên những xúc cảm của chính nhân vật: “ Vá xong cái áo. Mịch ngồi thừ người ra. Tự nhiên Mịch nhìn xuống bụng sự trông thấy
121
những kết quả ấy, khiến Mịch nhớ lại nguyên nhân. Mịch thấy hiện ra rõ ràng trong óc cái hình ảnh một lão Nghị Hách phũ phàng nhưng mà nay mai lấy Mịch chắc phải ăn ở khá hẳn. Mịch cũng chợt nhớ đến lúc con gái mà trở nên đàn bà, trên chiếc xe hơi. Cái lúc ấy thật là gớm ghiếc, thật là bẩn thỉu, thật là đau đớn, nhưng không phải là trong cơn đau đớn không phải là không có một thứ khoái lạc trong xác thịt nó làm cho đỡ thấy đau...”. Ngôn ngữ người kể chuyện được thể hiện thông qua ngôn ngữ độc thoại của nhân vật tạo nên một sắc thái ngôn ngữ đa giọng điệu. Trong tác phẩm Trúng số độc đắc, nhiều đoạn người kể chuyện thể hiện diễn biến nội tâm của nhân vật bằng chính ngôn ngữ độc thoại của nhân vật . Sự đan xen giữa ngôn ngữ của người kể với ngôn ngữ độc thoại của nhân vật không chỉ tạo nên tính liền mạch trong cảm xúc mà còn tạo điều kiện để người kể chuyện đi sâu khám phá, lý giải và thể hiện những diễn biên nội tâm uẩn khúc trong lòng của nhân vật. Sự xâm nhập giữa ngôn ngữ người kể và ngôn ngữ nhân vật tạo nên tính đa thanh trong giọng điệu. Ngôn ngữ nửa trực tiếp của tác giả đôi khi được điểm vào đó là những dòng độc thoại trực tiếp của nhân vật vừa như một minh chứng cho sự dẫn dắt vừa giúp người đọc hiểu sâu hơn thế giới tâm hồn của nhân vật.
Ngôn ngữ độc thoại trong tiểu thuyết của Vũ Trong Phụng tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau: Có khi đó là ngôn ngữ độc thoại nửa trực tiếp vừa diễn giải, vừa tạo nên sự liên kết trong mạch chuyện, bắt gặp ở hầu hết các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng; có khi là lời độc thoại nội tâm thuần túy của nhân vật như: những suy nghĩ của Phúc trong Trúng số độc đắc, hoặc những suy nghĩ thoáng qua của Long khi nhìn thấy sự lả lơi của Tuyết trong tác phẩm Giông tố: “ thế thì con yêu này đã lả lơi với ta là người đàn ông thứ mấy rồi, để mà kinh nghiệm như thế được”; cũng có khi ngôn ngữ đối thoại bật lên thành tiếng như khi Long nghĩ về sự giả dối của Mịch trong tác phẩm Giông tố: “Đồ khốn nạn! Bố khốn nạn! con khốn nạn!”. Trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, người đọc thường xuyên bắt gặp ngôn ngữ độc thoại dưới dạng những bức thư. Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng rất hay đưa những dòng suy nghĩ của nhân vật vào tác phẩm thông qua ngôn ngữ độc thoại dưới dạng bức thư. Thực ra, viết thư không hẳn là độc thoại mà thực chất
122
nó cũng mang dáng dấp của một lời đối thoại nhưng những cuộc đối thoại dạng này có phần hơi khác biệt, người phát ngôn dường như không cần quan tâm tới thái độ cũng như suy nghĩ của người tiếp nhận mà người phát ngôn trong hình thức bức thư chủ yếu nhằm bộc lộ thái độ cảm xúc của mình. Vì vậy, xét về tính chất, ngôn ngữ bức thư cũng là một dạng của ngôn ngữ độc thoại. Trong tiểu thuyết Giông tố,bức thư Long gửi cho Tú Anh; trong Trúng số độc đắc, bức thư Phúc gửi cho tòa báo; trong Lấy nhau vì tình, bức thư gây sóng gió cho mối tình Quỳnh và Liêm, bức thư gửi lại trước khi Quỳnh đi tự sát; trong Dứt tình, những dòng nhật ký của Huỳnh Đức; trong Làm đĩ, những dòng thư Huyền viết gửi lại cho người chồng của mình...Những bức thư mang những nội dung và cách thức khác nhau, góp phần tạo nên cho người đọc cảm nhận được phong cách cá tính, hoàn cảnh của mỗi nhân vật. Thông qua các bức thư, người kể chuyện giúp người đọc cảm nhận được những diễn biến nội tâm đầy uẩn khúc, đầy phức tạp của nhân vật, từ đó lý giải, hình dung sự thay đổi trong tính cách và hành động của nhân vật.