Giọng điệu mỉa mai, châm biếm

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 125)

5. Cấu trúc luận văn

3.4.1. Giọng điệu mỉa mai, châm biếm

Giọng điệu mỉa mai châm biếm là giọng điệu mang đậm tính chủ quan của người kể. Giọng điệu này ở mỗi tác phẩm lại được thể hiện dưới các dạng thức khác nhau. Trong tiểu thuyết Số đỏ, đối tượng đả kích trong tác phẩm là toàn bộ những thói hư tật xấu, những thói rởm đời của xã hội thượng lưu. Chính vì vậy, sử dụng ngôn ngữ mang tính nói ngược kết hợp thủ pháp phóng đại là một trong những biểu hiện quan trọng thể hiện giọng điệu châm biếm, đả kích của người kể chuyện. Đọc tiểu thuyết

Số đỏ, người đọc có thể phát hiện hàng loạt các từ ngữ, các hình ảnh, được người kể

chuyện sử dụng khai thác ở ý nghĩa trái chiều.Ví dụ như ở chương thứ XV trong tiểu thuyết Số đỏ, giọng điệu mỉa mai được bật lên ngay trong nhan đề của chương “Hạnh phúc của một tang gia văn minh nữa cũng nói vào một đám ma gương mẫu”. Một đám ma được coi là gương mẫu với đầy đủ những nghi thức sang trọng, nhưng soi ống kính vào đó, người ta thấy một đám ma nhưng thực chất là một đám rước. Từ lũ con cháu của cụ cố tổ đến những người tham gia đưa đám, mỗi người đều có niềm vui riêng. Câu văn “ đám cứ đi” đã nói lên hết thảy tính chất vô nghĩa lý của sự việc. Trong chương này, giọng châm biếm đả kích của người kể đôi khi chĩa mũi nhọn thẳng vào từng đối tượng để lột trần bản chất thật của lũ con cháu bất hiếu:

126

“cụ cố Hồng đã nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: “Úi giời con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”. Cụ đã mười phần rằng ai cũng phải ngợi khen một đám ma như thế một cái gậy như thế”. Hoặc như hình ảnh của cậu Tú Tân, “cậu Tú Tân luộm thuộm trong chiếc áo thụng trắng dài để bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau mắt như thế này thế nọ...để cậu chụp ảnh kỉ niệm lúc hạ huyệt....Cũng có khi, giọng điệu mỉa mai châm biếm chuyển thành những lời bình luận phê phán, vừa gây cười, lại cũng hết sức sâu cay : “Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu..”. Giọng điệu mỉa mai châm biếm của người kể chuyện còn được thể hiện thông qua hàng loạt phép nghịch lý về ngôn ngữ xuất hiện trong toàn tác phẩm : “vạn tuế ! Sự đại bại vạn tuế”; hay như câu reo khá ngơ ngẩn của Tuyết :“ Âu hóa vạn tuế, vú cao su vạn tuế”.... Đoạn văn người kể chuyện kể về việc Văn Minh đưa Xuân đến tổng cục thể thao hội quán để ghi tên vào bảng các tài tử, gặp một người và người này nói bằng tiếng Pháp, người kể chuyện đã thể hiện bằng câu văn: “một nhà trí thức vội vàng sủa một tràng tiếng tây vào mặt Xuân”. Thái độ coi thường và mỉa mai đối với những kẻ vô học nhưng lại thích thể hiện được người kể chuyện miêu tả thông qua từ “sủa”. Ngay trong từ “sủa” cũng đã thể hiện bản chất của đối tượng và thái độ của người kể. Hoặc khi người kể miêu tả về con đường thăng tiến của Xuân, càng thăng tiến thì giọng điệu của nó càng hách dịch. Khi còn là thằng ma cà bông Xuân làm nghề nhặt ban quần, trước mặt Phó Đoan giọng điệu của Xuân thật nhũn nhặn : “ Bẩm bà lớn, sao bà lớn lại thương con như thế”. Nhưng khi Xuân đã có một địa vị, giọng điệu của Xuân cũng trở nên kiêu ngạo : “Tôi thì danh giá quái gì! Hạ lưu! Ma cà bông! Nhặt ban quần, không đứng đắn, chỉ đáng nhổ vào mặt...”, “ Tôi mà đã nổi giận thì có người chết! Tôi xấu thì chẳng ai đẹp!...Và khi leo lên vị trí của anh hùng cứu quốc, Xuân vỗ ngực xưng ta và gọi dân chúng là mi...Thông qua giọng điệu của Xuân và miêu tả đám đông công chúng mù quáng cổ vũ cho Xuân, cho sự đại bại vạn tuế,

127 ngu dốt.

Nếu ở tiểu thuyết Số đỏ, hình thức nói ngược được coi là biểu hiện chủ yếu cho giọng châm biếm đả kích, thì ở tiểu thuyết Giông tố, việc bóc trần bản chất thực của đối tượng được coi là tiêu biểu cho loại giọng điệu này. Trong tiểu thuyết Giông tố, đối tượng trung tâm được người kể chuyện hướng tới là nhân vật Nghị Hách. Nghị Hách là nhân vật tiêu biểu cho bản chất giai cấp địa chủ tư sản, sự cấu kết giữa địa chủ tư sản cùng quan lại tạo nên một thế lực đen tối ghê gớm, đè nén, áp bức con người. Trong cái xã hội mà sự cấu kết giữa bọn có tiền, có quyền trở nên chặt chẽ, thì số phận con người chỉ như con kiến củ khoai, bất cứ lúc nào cũng có thể bị đè bẹp. Ở chương XXIX trong bữa tiệc phát chẩn được Nghị Hách tổ chức tại Tiểu Vạn trường thành, bằng giọng điệu mỉa mai châm biếm, người kể chuyện đã ghi lại những hình ảnh hết sức đối lập nhau: một bên là cảnh sống của “bốn nghìn người”, những người trong vùng và những người ngoài vùng hay tin phát chẩn lục đục kéo nhau đi từ sáng sớm mà trông vào “cảnh tượng ấy đủ tiêu biểu cho hết thảy mọi sự thống khổ của loài người”; với một bên là “gian phòng rộng rãi thênh thang, ở tòa nhà chính trong Tiểu Vạn trường thành...những chậu hoa khổng lồ ở các góc phòng, những lọ hoa đồ sộ trên bàn tiệc, bơn cây đèn nến mỗi cây có 100 ngọn bạch lạp...đồ dùng toàn bằng bạc, vàng, ngà, pha lê, bồi hầu bàn thì mượn ở khách sạn lớn ở Hà Nội...”. Người kể chuyện không phê phán hay miệt thị bất cứ bữa tiệc nào, nhưng chỉ cần thông qua sự đối lập ghê gớm giữa hai cảnh sống cũng đủ để toát lên bản chất, mối quan hệ của con người trong xã hội. Ở chương thứ XXIX, bằng giọng điệu mỉa mai, người kể chuyện đã lột trần bản chất thật của Nghị Hách thông qua lời phát biểu đầy giả dối của lão nói với quan khách: “ Tôi muốn đem cái tài trí ra làm việc công ích nên tôi tranh cử nghị viên....Tôi đã thấy những cảnh lầm than, những cảnh ai oán, những cảnh não lòng ! Tôi...tôi cũng là người, tôi không thể...không thể...không sao... Nghị Hách nghẹn ngào hậm hực, hai tay đưa lên giữ cổ, không nói được nữa. Mấy tay phóng viên vội lấy sổ tay và bút máy ra bàn, dùng chữ tốc ký mà ghi những câu thương xót nòi giống ấy! Cử tọa Nam cũng như Pháp đều một cách kính cẩn, nhịn thở mà giữ lặng im...Nghị Hách để hai tay chống bàn,

128

cúi mặt xuống. Trong óc lão hiện ra cái cảnh tượng vợ lão lõa lồ thân thể nằm ôm thằng cung văn. Lão nghĩ đến Long là con lão, đến Tú Anh là con riêng của vợ lão, đến những câu nói của Khóa Hiền...Bất giác nước mắt lão ở đâu ứa ra lã chã. Nghị Hách lắc đầu một cái, không lau nước mắt, ngẩng cao mặt. Các quan khách sụt sùi cảm động đánh trống ngực mà nghe lão nói tiếp...”. Để đạt được danh vọng và quyền lực, Nghị Hách bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả việc cho hai đứa con ruột của mình kết hôn với nhau. Thông qua việc lật tẩy bản chất của Nghị Hách, người kể chuyện đã tố cáo, châm biếm cả một xã hội từ quan công sứ đến những quan khách, những giới báo chí, ông đại phú, nhân dân đại biểu đến các bà xơ...Dường như có một sự cấu kết vô hình đang ngự trị trong toàn xã hội.

Ở tác phẩm Làm đĩ, giọng điệu mỉa mai châm biếm lại mang một màu sắc hoàn toàn khác biệt. Người kể chuyện cũng chính là nạn nhân trong câu chuyện. Chính vì vậy, giọng điệu mỉa mai có hàm chứa cả thái độ căm tức của người kể chuyện: “ bên ngoài trời mưa rả rích, me em ngồi ôm đứa bé mà sì sụt khóc, chị em thì cãi nhau với đầy tớ dưới bếp, anh em khoác áo lấy mũ ra đi theo bọn con giai mất dạy mà bỏ cả sách đèn, thầy em cũng vừa lên xe với mấy ông bạn già phá gia chi tử, em ngồi cặm cụi viết một bài Pháp văn tả một cảnh hạnh phúc gia đình trong đó có bố ngồi đọc báo, anh ngồi học, em bé chơi ngoan, me đan áo, mình làm bài...” . Cũng có khi giọng điệu mỉa mai, châm biếm ấy bật thành những tiếng nói đầy phẫn uất công kích của người kể chuyện : “Cái phong trào vật chất đến với ta bằng những danh từ điêu trá: tiến bộ, duy tân, tân sinh hoạt...Nó có một sức mầu nhiệm là lường gạt nổi hầu hết mọi người. Bao nhiêu lề thói, bao nhiêu nề nếp đã bị lôi cuốn đi theo trận cuồng phong. Một trật tự xã hội thuần túy trọng tinh thần đã bị vật chất đảo lộn ngược cả...”.

Có thể nói rằng giọng điệu mỉa mai, châm biếm là một giọng điệu khá nổi bật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Ở mỗi tác phẩm, giọng điệu mỉa mai châm biếm lại được thể hiện dưới các dạng thức khác nhau. Bằng giọng điệu mỉa mai, châm biếm, người kể chuyện đã bộc lộ rõ thái độ căm tức, sự lên án gay gắt đối với những hiện tượng bất công trong xã hội, những thói rởm đời trong xã hội. Thông qua giọng

129

điệu mỉa mai châm biếm được sử dụng trong tác phẩm, người đọc phần nào hiểu thêm thái độ, tính nhân đạo và ý thức đấu tranh của nhà văn Vũ Trọng Phụng gửi trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 125)