Luôn gắn câu chuyện với những hiện thực đời sống

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 109)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Luôn gắn câu chuyện với những hiện thực đời sống

Cách trần thuật luôn gắn câu chuyện với những hiện thực đời sống là phương thức kể chuyện độc đáo của người kể chuyện trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Đành rằng tiểu thuyết chính là sự hư cấu của nhà văn. Nhưng một tác phẩm sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu đi bóng dáng của hiện thực đời sống. Đọc tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng người đọc có thể thấy người kể chuyện luôn có ý thức đưa hiện thực đời sống vào trong tác phẩm. Trong tiểu thuyết Giông tố, người đọc có thể cảm nhận rõ không khí của thời kỳ mặt trận bình dân những năm 1936- 1939. Người kể chuyện đưa vào tác phẩm hàng loạt những từ như: “óc bình dân”, “hạng bình dân”, “xã hội bình dân”. Chi tiết nhân vật quan huyện Cúc Lâm nói với quan công sứ : “ quan thầy của tôi trong Đảng xã hội, nay mai mà có sang nhận chức Toàn quyền thì tôi sẽ lại làm quan cũng chưa muộn” (ở đây chỉ Đảng xã hội của Léon Blum, đứng đầu Chính phủ Mặt trận bình dân ở Pháp năm 1936) cũng là một chi tiết mang dấu ấn của thời đại. Trong Vỡ đê không khí của thời đại được thể hiện khá đậm nét: những cuộc đấu tranh của quần chúng, nạn “thuỷ, hoả, đạo, tặc” gây bao cảnh đau thương, khốn cùng cho cuộc sống con người. Sự kiện “một uỷ ban đã làm việc suốt ngày đêm để kịp gởi những hồ sơ chính trị phạm về cho quan Tổng trưởng thuộc địa” phản ánh hoạt động của Ủy ban Đông Dương vận động đại xá tù chính trị được thành lập tháng 6-1936 ở Sài Gòn. Vụ đê vỡ, lụt lội cũng xảy ra đúng như trong lịch sử...Tác phẩm Số đỏkhông nổi bật các sự kiện chính trị, lịch sử nhưng hiện thực về

110

một xã hội lưu manh hóa cũng được thể hiện khá đậm nét. Phong trào cải cách Âu hóa, phong trào bình dân là những cụm từ quen thuộc được người kể chuyện thể hiện trong tác phẩm. Nhân vật hai lần tự vỗ ngực cho mình là: “dòng dõi nhà bình dân”, “Tôi không phải là quý phái! Tôi chỉ là bình dân mà thôi”. Hoặc có nhân vật được giới thiệu là người của đương thời: “Đây là ông Hải, một tay quần vợt đại tài, quán quân Bắc Kỳ năm 1936...”. Không chỉ là ở những sự kiện chính trị có thật, tính hiện thực đời sống trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng còn thể hiện ở các nhân vật có thật. Hầu hết nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đều được nghười kể chuyện miêu tả và xây dựng trên cơ sở của những nguyên mẫu có thực trong đời sống. Chẳng hạn, nhân vật bà Phó Đoan trong Số đỏ, nhiều người đã liên hệ đến “bà” Bé Tý, có chồng Tây tên Betty để lại một gia tài lớn, dinh cơ của mụ ở sát ngay nhà Vũ Trọng Phụng. Mụ me tây nhố nhăng này lại còn được “Nhà nước bảo hộ” tặng thuởng bội tinh và mụ thích được phỉnh là “bà chúa Hàng Bạc”. Hoặc trước đó không lâu một ả tên là “cô Tư Hồng” nổi tiếng về hành vi lẳng lơ, dâm đãng. Dư luận đương thời luôn đàm tiếu, phỉ nhổ vào mụ đàn bà “nổi danh” ấy. Đương thời, có một lão nghị viên khét tiếng tên là Nguyễn Hữu C, hắn vốn nổi tiếng là gã vô học, bất lương và gian dâm, phất lên thành bậc “phú gia địch quốc” nhờ vào những thủ đoạn lưu manh, độc ác, tàn nhẫn... Đọc Giông tố, nhiều người thấy chân dung lem luốc của nhân vật Nghị Hách có nhiều điểm “đồng dạng” với cái lý lịch bất hảo của gã Nghị C ...Vũ Trọng Phụng là nhà văn công khai thẳng thắn và mạnh dạn chỉ ra mục đích sáng tác của mình. Vì vậy, ông không ngần ngại thể hiện câu chuyện trong mối tương quan với hiện thực đời sống nhằm để người đọc có cảm giác về một câu chuyện bịa mà như thực, trong cái bịa có cái thực. Chính ý thức bám sát hiện thực đời sống, cho nên trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, người kể chuyện rất chú ý đến việc lồng ghép một vài mẩu tin một vài bài báo xen kẽ vào nội dung diễn biến câu chuyện. Và chính điều này đã tạo nên phong cách tiểu thuyết phóng sự đặc trưng của nhà văn.

Một phần của tài liệu Người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 109)