Tài nguyên du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của khu du lịch Hồ Thác Bà, Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái (Trang 39)

HỆ THỐNG CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH DU LỊCH VÀ LỮ HÀNH

1.3.2.7. Tài nguyên du lịch

Điều kiện tài nguyên du lịch được coi như là điều kiện cần để có thể phát triển du lịch. Một quốc gia, một vùng có nền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phát triển cao song nếu không có tài nguyên du lịch thì cũng không phát triển du lịch. Tiềm năng về kinh tế là vô hạn song tiềm năng về tài nguyên du lịch là có giới hạn và nhất là đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên – những cái mà thiên nhiên chỉ ban cho một số ít vùng, một số nước nhất định. Tài nguyên du lịch có thể do thiên nhiên ban tặng, cũng có thể do con người tạo ra, vì vậy tài nguyên du lịch được chia ra làm hai nhóm chính: Tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. [10]

• Tài nguyên thiên nhiên

Các điều kiện về môi trường tự nhiên đóng vai trò là những tài nguyên thiên nhiên về du lịch bao gồm: địa hình đa dạng; khí hậu ôn hòa; động, thực vật phong phú, giàu nguồn tài nguyên nước và vị trí địa lý thuận lợi.

Địa hình

Địa hình là nơi chế định cảnh đẹp và sự đa dạng của phong cảnh, đối với du lịch, điều kiện quan trọng nhất là địa phương phải có địa hình đa dạng và có những nguồn lực tự nhiên như: biển, rừng, sông, hồ, núi, v.v…

Khí hậu

Những nơi có điều kiện khí hậu ôn hòa là những nơi có lợi thế thu hút khách du lịch. Nhiều cuộc thăm dò ý kiến khách du lịch đã cho kết quả khách du lịch thường tránh những nơi quá lạnh, quá ẩm hoặc quá nóng, quá khô. Những nơi có nhiều gió cũng không thích hợp cho sự phát triển du lịch. Tuy nhiên với mỗi loại hình du lịch lại cần điều kiện khí hậu khác nhau, du lịch biển và du lịch núi đòi hỏi điều kiện khí hậu khác nhau.

Thực vật

Thực vật đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của du lịch chủ yếu nhờ sự đa dạng và số lượng như: nhiều rừng, đa dạng các loài hoa, .v.v… Nếu thực vật phong phú và quí hiếm sẽ thu hút được cả khách du lịch văn hóa với lòng ham muốn tìm tòi, nghiên cứu thiên nhiên. Đối với khách du lịch, những loại thực vật không có ở đất nước của họ thường có sức hấp dẫn mạnh. Ví dụ, đối với khách châu Âu thường thích đến nơi có rừng rậm nhiệt đới, nhiều cây dây leo, cây to,.v.v…

Động vật

Động vật cũng là một trong những nhân tố có thể đóng góp vào việc thu hút khách du lịch, tạo điều kiện phát triển du lịch. Nhiều loại động vật là đối tượng cho săn bắn du lịch, có những loại động vật quí hiếm là đối tượng để nghiên cứu.

Tài nguyên nước

Các nguồn tài nguyên nước như: ao, hồ, sông, ngòi, đầm.v.v… vừa tạo điều kiện để điều hòa không khí, phát triển mạng lưới giao thông vận tải nói chung, vừa tạo điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch nói riêng.

Các nguồn nước khoáng là tiền đề không thể thiếu đối với loại hình du lịch chữa bệnh. Tính chất chữa bệnh của các nguồn nước khoáng đã được phát triển từ thời Đế chế La Mã, tới ngày nay, các nguồn nước khoáng đóng vai trò quyết định

cho sự phát triển của du lịch chữa bệnh. Những đất nước giàu nguồn nước khoáng nối tiếng như: Nga, Bungari, Pháp, .v.v…

Vị trí địa lý

Điều kiện về vị trí địa lý bao gồm: điểm du lịch nằm trong khu vực phát triển du lịch và khoảng cách từ điểm du lịch đến các nguồn gửi khách, nếu khoảng cách đó quá xa sẽ tạo cản trở đối với khách du lịch quần chúng khi mà họ đi du lịch với phương tiện là ô tô, tàu hỏa, tàu thủy. Tuy nhiên, khoảng cách này đã được khắc phục và hạn chế rất nhiều với sự phát triển của ngành vận tải hàng không.

Tài nguyên nhân văn

Giá trị văn hóa, lịch sử, các thành tựu chính trị và kinh tế có ý nghĩa đặc trưng cho sự phát triển du lịch của một điểm đến. Chúng có sức hút đặc biệt với số đông khách du lịch với nhiều nhu cầu và mục đích khác nhau của chuyến du lịch. Các giá trị lịch sử có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch có hứng thú hiểu biết. Nhiều đất nước có tượng đài lịch sử từ thời phong kiến như: Cộng hòa Séc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Pháp, .v.v… hay ở Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Ý, .v.v… lại nổi tiếng với những công trình lịch sử từ thời cổ đại. [10]

Các giá trị lịch sử được chia làm hai nhóm:

Những giá trị lịch sử gắn liền với nền văn hóa chung của loài người: những giá trị lịch sử này đánh thức những hứng thú chung và thu hút khách du lịch với nhiều mục đích du lịch khác nhau.

Giá trị lịch sử đặc biệt: Loại này thường không quá nổi tiếng và thường chỉ được quan tâm bởi các chuyên gia trong cùng lĩnh vực.

Tương tự như giá trị lịch sử, giá trị văn hóa cũng thu hút khách du lịch với mục đích thăm quan và nghiên cứu. Giá trị văn hóa đầu tiên phải kể đến là trung tâm của các viện khoa học, các trường đại học, các thư viện lớn và nổi tiếng, các thành phố có triển lãm nghệ thuật và điêu khắc, các trung tâm thường xuyên tổ chức hội diễn âm nhạc, biểu diễn sân khấu, liên hoan phim, các cuộc thi đấu thể thao quốc tế,.v.v… Giá trị văn hóa thường có nhiều ở các thủ đô của các quốc gia.

Các giá trị văn hóa thu hút không chỉ khách du lịch với mục đích nghiên cứu, mà còn thu hút đa số khách đi du lịch với các mục đích khác, ở các lĩnh vực khác. Hầu hết tất cả khách du lịch ở trình độ văn hóa trung bình đều có thể thưởng thức các giá trị văn hóa của đất nước đến thăm. Do vậy, tất cả các thành phố có giá trị văn hóa, hoặc tổ chức những hoạt động văn hóa đều được nhiều du khách đến thăm và trở thành trung tâm du lịch văn hóa.

Phong tục, tập quán cổ truyền, lối sống của người dân ( phong tục lâu đời, cổ lạ) luôn là tài nguyên có sức hút đối với khách du lịch.

Bên cạnh đó những thành tựu kinh tế, thành tựu chính trị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của khu du lịch Hồ Thác Bà, Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(140 trang)
w